Bài 2: Ai phải chịu trách nhiệm?

Cập nhật 12/11/2009 08:10

Bãi rác Khánh Sơn có vốn đầu tư hơn 2,7 triệu USD, được đưa vào sử dụng trong năm 2007 nhưng không hiệu quả - Ảnh: C.T.V

Đầu tư hàng chục triệu USD để làm cho môi trường TP Đà Nẵng ngày càng tốt hơn. Nhưng trên thực tế, dự án không phát huy hiệu quả. Ai phải chịu trách nhiệm?

Sờ đâu cũng đụng vấn đề

Dự án Thoát nước và vệ sinh môi trường Đà Nẵng có tổng vốn đầu tư là 41,05 triệu USD. Trước bức xúc của dư luận, tháng 8.2009, UBND TP Đà Nẵng lập 3 tổ kiểm tra để đánh giá rốt ráo hiệu quả đầu tư. Kết quả, trong hợp phần: xây dựng bãi rác Khánh Sơn, trạm trung chuyển rác, nhà vệ sinh công cộng, thiết bị thu gom và vận chuyển, tăng cường thể chế thì có tới 4 hạng mục đã có vấn đề.

Bãi rác Khánh Sơn có vốn đầu tư hơn 2,7 triệu USD, rộng 48 ha, được đưa vào sử dụng trong năm 2007. Nhưng công trình này thiếu hệ thống thu khí biogas, thiếu biển báo cách tường rào 100m; khoảng cách khu dân cư và vành đai cây xanh không đảm bảo, không có thiết bị rửa xe, bờ đê ngăn cách giữa các hộc rác quá thấp không ngăn được nước mưa tràn vào các hộc đang vận hành...

Từ khi bãi rác đưa vào sử dụng, đã có không ít lần người dân sống xung quanh khu vực bãi rác chặn xe chở rác của Công ty môi trường đô thị (MTĐT) vì cho rằng bãi rác gây ô nhiễm ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân.

Chưa hết, việc xây dựng các trạm trung chuyển rác cũng hết sức bê bết. Có nhiều trạm vừa mới bàn giao cho Công ty MTĐT đã bị đập phá, tháo dỡ như tại khu vực Công viên 29.3. Hoặc có trạm Công ty MTĐT không dám nhận vì... chưa có đường cho xe ô tô vào nhận rác!

Riêng nhà vệ sinh công cộng thì kinh hoàng hơn. Theo dự án phải xây 45 cái, nhưng mới có 19 cái được xây xong, trong số đó cũng chỉ có 13 cái sử dụng có hiệu quả. 6 cái ở công viên tượng đài, đầu tuyến Liên Chiểu - Thuận Phước, khu du lịch Xuân Thiều, cuối đường Bạch Đằng Đông, cuối đường Nguyễn Tất Thành, Trung tâm hội chợ triển lãm thì bỏ hoang. Đáng nói là có nhà vệ sinh công cộng bàn giao, chưa sử dụng gì đã bị đổ sập xuống mép biển...

Quản lý kiểu gì?

Năm 2008, Thanh tra Chính phủ đã lập đoàn thanh tra để tiến hành làm rõ các vấn đề liên quan đến việc ký kết hợp đồng xây dựng giữa Tổng công ty xây dựng số 1 với Công ty MTĐT Đà Nẵng; hợp đồng giao thầu giữa Tổng công ty xây dựng số 1 với Công ty xây dựng số 8; việc UBND TP Đà Nẵng tạm ứng 40 tỉ đồng cho Công ty xây dựng số 8 và quá trình sử dụng số tiền trên của Công ty xây dựng số 8; việc UBND TP Đà Nẵng khấu trừ trên 20 tỉ đồng vào khoản nợ của Công ty xây dựng số 8. Cả bốn vấn đề này đều thuộc Dự án thoát nước và vệ sinh môi trường TP Đà Nẵng.

Sau thanh tra, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND TP Đà Nẵng kiểm điểm nghiêm túc, làm rõ trách nhiệm, kỷ luật tập thể, cá nhân khi quyết định tạm ứng 40 tỉ đồng không đúng quy định cho Công ty xây dựng số 8; hoàn trả 20,1 tỉ đồng đã khấu trừ cho Tổng công ty xây dựng số 1; thu hồi tạm ứng 40 tỉ đồng từ công ty xây dựng số 8…

Dự án này do Công ty MTĐT làm chủ đầu tư, sau đó ủy quyền toàn bộ cho Ban Quản lý (BQL) dự án cơ sở hạ tầng ưu tiên do ông Nguyễn Tấn Liên làm trưởng ban. Tất cả các hợp phần đều bàn giao theo phương thức “chìa khóa trao tay” và đã phát sinh hàng loạt những vấn đề khuất tất.

Thậm chí nhiều đơn vị khi tiếp nhận, quản lý, vận hành các công trình nằng nặc đòi biết tài sản mà mình đang giữ đáng giá bao nhiêu để khấu hao, nhưng đến nay vẫn chưa được cung cấp. Lý do: công trình chưa quyết toán.

Một lãnh đạo Công ty MTĐT Đà Nẵng lắc đầu ngao ngán: “Là chủ đầu tư, nhưng chúng tôi chỉ được làm thành viên của một tổ kiểm tra hợp phần vệ sinh môi trường”. Cũng theo vị này, vì dự án đã được ủy quyền nên có sai phạm, sai sót, chất lượng công trình không đảm bảo thì trách nhiệm đều thuộc về BQL dự án cơ sở hạ tầng ưu tiên.

Trong khi đó, tại báo cáo 414/BC-BQL do ông Nguyễn Tấn Liên ký gửi UBND TP Đà Nẵng, ông Liên quá tự tin: “Qua sử dụng các thiết bị dự án và các trung tâm dịch vụ vệ sinh môi trường, tình hình thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải tại Đà Nẵng đã được cải thiện... Quy trình thu gom rác thải đạt hiệu quả cao, được nhiều địa phương trong nước tham quan, học tập”.

Nói về hợp phần giảm ngập úng, ông Liên cho rằng, các tuyến cống “đã góp phần chấm dứt tình trạng ngập lụt từ nhiều năm trước đây chưa giải quyết được ở đường Hùng Vương, Lê Đình Dương, Trần Phú...”.

Trên thực tế, TP Đà Nẵng ngày càng ngập nặng hơn, cả về số lượng điểm lẫn độ sâu. Ngay Thanh tra TP khi kiểm tra công tác quản lý xây dựng tuyến đường ống thu gom nước thải về hồ xử lý ở Phú Lộc và Hòa Cường cũng kết luận: “BQL dự án cơ sở hạ tầng ưu tiên đã vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý chất lượng công trình xây dựng, dẫn đến chất lượng tuyến ống không đảm bảo, phải sửa chữa, gia cường gây lãng phí”.

Trong nhiều cuộc họp liên quan đến dự án này, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng luôn nhắc đến cụm từ “khai quật” dự án để kiểm tra toàn diện. Ngoài việc lập 3 tổ kiểm tra như chúng tôi đã nêu trên, dự án này đã có không ít lần thanh tra (cấp thành phố và cấp Trung ương) cho từng chuyên đề riêng. Dù đã xác định rõ sai phạm của BQL dự án cơ sở hạ tầng ưu tiên, nhưng việc xử lý vẫn chưa đến nơi đến chốn khiến dư luận càng thêm bức xúc.
 

>>Bài 1: Những đường ống vỡ nát


DiaOcOnline.vn - Theo Thanh Niên