Bài 1: Những đường ống vỡ nát

Cập nhật 11/11/2009 08:30

Đường ống nhựa HDPE vỡ nát và cùm thép gia cường chưa được thẩm định chất lượng đã vội vàng được lắp đặt - Ảnh: H.T

Dù chưa được quyết toán, nhiều hạng mục của dự án thoát nước và vệ sinh môi trường TP Đà Nẵng - có tổng vốn hơn 41 triệu USD - đã hư hỏng, xuống cấp trầm trọng vì sự vô trách nhiệm của đơn vị quản lý.

Hàng chục điểm đường ống dẫn nước thải bị vỡ nát khi chưa bàn giao đã khiến mỗi năm TP Đà Nẵng phải bỏ ra cả 10 tỉ đồng để duy tu, sửa chữa.

Sự cố

Đầu năm 2007, trên đường 2.9, đoạn trước Công ty Sông Thu xuất hiện một hố lún nứt chiếm gần phân nửa làn đường một chiều. Thời điểm đó, qua tìm hiểu tại hiện trường phóng viên Thanh Niên nhận thấy, việc sửa chữa đường ống khá bất thường của Ban quản lý (BQL) các dự án hạ tầng ưu tiên TP Đà Nẵng (đơn vị giao quản lý dự án Thoát nước và vệ sinh môi trường) và đơn vị thi công xuất phát từ sự cố kỹ thuật hết sức nghiêm trọng.

Đó là hàng trăm mét đường ống nhựa dẫn nước thải từ các nơi về hồ Hòa Cường bị vỡ nát. Ngay trong sân hồ bơi chất lượng cao (nằm trên đường 2.9), một tốp công nhân đang hàn các thanh sắt, hút nước để lộ ra một đoạn ống dài hơn 8m bị bẹp dúm, nước thải chảy tràn lan. Trong khi đó, rất nhiều điểm sửa chữa tương tự cũng được triển khai nhằm khắc phục sự cố này.

Tiếp theo, vào những ngày đầu tháng 5.2007, đơn vị thi công bắt đầu đào xới tan tành đường Nguyễn Tất Thành để truy tìm các đoạn ống bị vỡ và tiến hành thay thế các ống nhựa HDPE phi 800. Theo ghi nhận của Thanh Niên, hàng chục điểm đường ống trên tuyến đường này bị vỡ do không chịu nổi áp lực.

Mỗi điểm như vậy dài trên 10m, được đơn vị thi công móc lên với hình thù biến dạng nghiêm trọng, có nơi bị dập nát, bẹp dúm. Sứ mệnh dẫn nước của đường ống này coi như... xong. BQL dự án hạ tầng ưu tiên đã phải bỏ ra một khoản tiền khá lớn mà theo ông Nguyễn Tấn Liên - lúc đó còn làm trưởng ban - là hơn 6 tỉ đồng, để khắc phục sự cố vỡ nát đường ống.

Phương án sửa chữa là cắt bỏ, thay thế bằng ống nhựa khác sau khi đã cùm thép. Đồng thời, hàng km đường ống nhựa cũng đã được gia cường bằng cùm thép mạ kẽm nhúng bitum chống sụt lún, vỡ nát.
 

Dù có hệ thống xử lý hàng chục triệu USD, nhưng nước thải vẫn chảy ra sông Phú Lộc - Ảnh: H.T


Tự ý thay đổi vật tư


Lúc bấy giờ, trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên về những sự cố liên quan đến đường ống, ông Nguyễn Tấn Liên cho rằng: “Trong quá trình thi công, tư vấn giám sát đã yêu cầu nhà thầu xử lý hiện tượng nền đất yếu tại vị trí lắp đặt đường ống có cấu tạo địa chất phức tạp bằng cát đầm từng lớp.

Nhưng do túi bùn lớn, nằm bên ngoài phạm vi cừ Larsen nên dẫn đến một số đoạn ống bị biến dạng”. Thế nhưng, đơn vị thi công là Công ty cổ phần xây dựng số 8 (thuộc Tổng công ty xây dựng 1) đã khẳng định họ thi công đúng thiết kế đề ra. Vậy, nguyên nhân đường ống vỡ vụn do đâu?

Theo thiết kế ban đầu, đường ống dẫn nước từ các điểm thu gom về hồ xử lý nước thải phải bằng ống nhập ngoại có khẩu độ 630 mm. Tuy nhiên, BQL dự án hạ tầng ưu tiên lại tự ý chuyển vật tư là ống gang thành ống nhựa gân xoắn HDPE do một công ty trong nước sản xuất.

Có điều bất thường là khi thay đổi thiết kế, điều hành dự án lẫn đơn vị thi công không hề kiểm định chất lượng đường ống trước khi lắp đặt. Sự cố vỡ đường ống xảy ra vào khoảng tháng 10.2005 nhưng đơn vị điều hành dự án không báo cáo theo quy định, không lập hồ sơ, không tổ chức xác định nguyên nhân và làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan.

Hệ lụy của việc thay đổi thiết kế và gia cường đường ống làm tăng chi phí đầu tư. Hơn nữa, việc lắp đặt thiết bị gia cường trên suốt chiều dài tuyến ống (cứ 1m chiều dài thì lắp đặt 1 cùm thép chịu lực) sẽ thu hẹp tiết diện đường ống; rác thải theo đó cũng bám vào ảnh hưởng đến dòng chảy... làm giảm công suất thu gom nước thải.

Đặc biệt, chất lượng vật tư gia cường đường ống cũng không được kiểm định, chủ yếu bằng thép mạ kẽm lắp đặt trong môi trường nước thải dễ bị gỉ, làm giảm tuổi thọ của đường ống.
 

Trao đổi với Thanh Niên, ông Lê Khánh - Giám đốc Công ty quản lý sửa chữa công trình giao thông và thoát nước Đà Nẵng cho biết công suất hiện tại của các trạm bơm và hồ xử lý nước thải thuộc dự án Thoát nước và vệ sinh môi trường chỉ đạt 70% hoặc hơn một chút. Mỗi năm, TP Đà Nẵng phải bỏ ra 10 tỉ đồng để bảo dưỡng, sửa chữa, nạo vét đường ống... Cũng theo ông Lê Khánh, việc thiết kế và lựa chọn công nghệ của dự án Thoát nước và vệ sinh môi trường chưa phù hợp khiến hiệu quả thoát nước không đạt yêu cầu đề ra.


DiaOcOnline.vn - Theo Thanh Niên