Phần lớn người mua chưa có nhu cầu sử dụng, mà họ mua để đầu cơ? |
Để thâm nhập thế giới “cò” nhà đất, chúng tôi bắt đầu từ một số điện thoại thường xuất hiện trên nhiều trang web mua bán bất động sản. Chỉ sau 2 cuộc điện thoại hò hẹn, Quan đã có mặt và dẫn chúng tôi đi xem đất.
“Cò” bán chuyên…
Không giống những gì cậu ta rao trên mạng (có cả ảnh hẳn hoi), khu đất chúng tôi đến là một phần của chiếc ao tù đọng đang lấp dở ở cuối quận Hà Đông, xung quanh là những hộ dân xây nhà ngổn ngang: cũ có, mới có. Đường vào nhỏ hẹp đến nỗi hai xe máy đi ngược chiều thì một chiếc phải dừng lại chờ chiếc kia đi qua, chẳng khác gì cảnh “hai con dê qua cầu”. Báo hại chúng tôi khi đi ra thì đã lù lù một đống đá dăm to tướng mà một chiếc xe công nông vừa trút xuống. Phải đợi chừng 10-15 phút, chủ nhà giải tỏa xong, đường mới lại thông thoáng!
Mặc dù vậy, Quan vẫn liên tục nổ về “tiềm năng” của khu đất, về quy hoạch trong tương lai. Cậu ta bảo chỗ này chưa có “sổ đỏ”, nhưng cứ lên phường hỏi mà xem, chắc chắn là làm được; vì vậy “mấy lô đằng kia đều đã bán cả rồi, người mua toàn là cán bộ, thanh tra thôi”(!?)
Quan chỉ là một trong số hàng chục “cò” nhà đất hoạt động không có văn phòng ở khu vực này. Theo anh ta thì “làm” mà không có văn phòng cũng hay, ít nhất là một bộ phận người mua nhà có ấn tượng rất không tốt về các văn phòng nhà đất. Làm tự do như Quan chỉ cần cộng tác với vài ba văn phòng thân cận, thông tin không thiếu, mà lại tự do và được người mua tin tưởng.
Ở những khu vực vùng ven, đang trong quá trình đô thị hóa, như: Từ Liêm, Gia Lâm, Hà Đông, hay xa hơn như: Hoài Đức, Đan Phượng của TP. Hà Nội, có nhiều người làm nghề “cò” đất bán chuyên nghiệp. Họ có thể là bất cứ ai: từ chủ quán nước, anh nông dân, bác về hưu đến công chức xã… Đối với loại “cò” này, người mua muốn đi xem đất phải trả phí, thường là 100 nghìn đồng/lần. Nếu giao dịch thành công họ chỉ “xin” vài triệu xăng xe, thuốc nước, chứ không tính đến tỷ lệ phần trăm. Ngoài ra, họ khác “cò” chuyên nghiệp ở chỗ không nhận làm dịch vụ các thủ tục chuyển nhượng với các cơ quan chức năng.
…Có khác với “cò” chuyên?
Trong vai người cần mua nhà, chúng tôi dạo qua một vòng các văn phòng môi giới nhà đất khu vực Dương Nội, Văn Phú (Hà Đông), Vân Canh (Hoài Đức), Vĩnh Hưng (Hoàng Mai) để thăm dò. Tại một văn phòng ngay đầu khu đô thị Văn Phú (Hà Đông), chúng tôi được nhân viên cho xem hàng chồng bản đồ quy hoạch các khu đô thị ở khu vực Hà Đông, Mỹ Đình, Hoài Đức…
Cảm nhận chung là mọi thứ đều “đẹp như quy hoạch” và rất gần rồi! Có không ít khu đô thị chưa giải phóng xong mặt bằng nhưng đã có giá bán cụ thể từng căn, từng lô và giá cũng không hề rẻ. Còn những khu vực đang xây dựng thì giá đã được đẩy lên rất cao so với giá gốc. Chẳng hạn, khu A Lê Trọng Tấn giá gốc là 7 triệu đồng/m2, nay được rao bán với giá 23-24 triệu đồng/m2; thậm chí lô góc lên tới 30 triệu đồng/m2. Khu Văn Phú giá trên 33 triệu/m2 đối với đất biệt thự thấp tầng; khu Dương Nội giá phổ biến 32-33 triệu/m2. Khu Bắc An Khánh có lô được rao bán với giá hơn 2.300 USD/m2, chưa kể tiền chênh lệch khoảng 1,2 tỷ đồng. Ngay cả khu đô thị được coi là “bình dân” như Xa La (Hà Đông), giá gốc khoảng 10 triệu đồng/m2, nay cũng được giao dịch phổ biến ở mức 22-23 triệu đồng/m2, tính ra một lô cỡ 150m2 người mua phải bỏ ra khoảng 3,5 tỷ đồng.
Sau tháng Bảy âm lịch, dù không có biến động gì nhiều trong toàn bộ nền kinh tế, nhưng giá đất tại nhiều khu vực vẫn bị “thổi” lên một cách vô lý. Cuối tháng 9 vừa qua, giá đất thổ cư vùng ven khu D đô thị Lê Trọng Tấn đã được “hét” với giá 8,9 triệu đồng/m2, trong khi trước đó 10 ngày vẫn giao dịch ở mức giá xấp xỉ 7 triệu đồng/m2. Một số khu vực, như: Mỹ Đình, Phú Đô nhờ tin đồn sắp lên quận giá cũng tăng khoảng 10-15%; khu vực hai đầu cầu Vĩnh Tuy giá tăng vọt cùng với sự kiện chiếc cầu này đã thông xe…
Theo ước đoán của chúng tôi, đối với loại nhà dự án, phần lớn người mua không có nhu cầu sử dụng mà họ mua để đầu cơ. Sau khi sang tay vài ba lần giá cả đã bị đội lên một mức vô lý. Loại nhà, đất trong phố hoặc khu dân cư, số lượng người mua để ở có cao hơn nhưng cũng không vì thế mà tránh khỏi “loạn giá”. Bởi luôn có một lượng không nhỏ các đối tượng sẵn tiền (khi đã kiếm lời từ BĐS) sẵn sàng mua phá giá khi họ cảm thấy còn có thể thu lợi nhuận từ một mảnh đất nào đó. Điều đó lý giải vì sao nhà đất luôn có xu hướng tăng chứ ít khi giảm giá.
Thực tế thật trớ trêu, tuy có rất nhiều cò, nhiều văn phòng môi giới nhà đất, nhưng người mua lại khó tìm được dịch vụ tốt. Ngược lại, họ phải đối mặt với một “rừng” thông tin nhiễu loạn, khó mà biết đâu là thông tin chính xác. Cùng một khu vực, cùng một dự án, thậm chí cùng một mảnh đất có khi được rao với 2-3 mức giá khác nhau. Một dự án có khi mỗi văn phòng lại nói một cách khác theo ý chủ quan của mình, mâu thuẫn với nhau, chẳng khác chuyện ngày xưa mấy ông thầy bói rỗi việc tả voi là mấy!
DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới