Bài 1: Đất và người cùng… "sốt"

Cập nhật 09/06/2010 08:40

Với thông tin Đồ án quy hoạch chung Hà Nội sắp sửa được phê duyệt, “cuộc chơi” ôm đất và thổi giá của giới đầu cơ vẫn còn tiếp diễn.

Khu vực phía Tây của Thủ đô bị thổi giá lên hàng chục lần từ nhiều tháng qua. Đến nay, dù cơn sốt có phần hạ nhiệt và kẻ mua người bán không còn tấp nập như trước, song giá vẫn không có dấu hiệu giảm. Nhiều chuyên gia bất động sản nhận định: “cuộc chơi” ôm đất và thổi giá của giới đầu cơ còn tiếp diễn.


Giá đất tại khu vực Trạm Trôi (Hoài Đức) hiện bị đẩy lên 100 triệu đồng một m2.

Ba tháng nay, quán nước của ông Nguyễn Văn S., nằm ngay sát đường Láng Hòa Lạc (xã Đồng Trúc, huyện Thạch Thất) có thêm công năng mới: “văn phòng” môi giới nhà đất. Làm “cò” đất mới chưa đầy ba tháng, ông S. kiếm được gần một tỷ đồng.

Cũng giống như ông S., hàng chục người dân trong xã Đồng Trúc “bỗng dưng” thành triệu phú nhờ làm “cò” môi giới đất, bởi thời gian qua khách tìm mua rất đông, trong khi có hàng trăm mảnh đất lớn nhỏ quanh khu vực này được người dân đem bán.

Bỏ ruộng làm “cò”


Thấy chúng tôi ngỏ ý muốn mua đất, ông S. sai con chạy về nhà mang “bản đồ quy hoạch” của khu vực ra cho chúng tôi xem. Đưa bút trên tấm bản đồ, ông S. cho biết, bên trái đường Láng - Hòa Lạc trên địa bàn xã được quy hoạch làm làng sinh thái. Giới đầu cơ đất rất ít tìm đến vì giá không lên và cũng còn rất ít đất để bán. Quay sang bên phải, S. nói rằng đất bên này thuộc loại “tấc đất tấc vàng”, vì tương lai Khu Công nghệ cao Hòa Lạc và hàng loạt trường ĐH sẽ được mọc lên, tha hồ làm ăn, buôn bán.

Dẫn chúng tôi vào xã Đồng Trúc (sát đường Láng - Hòa Lạc), S. khoát tay chỉ những lô đất diện tích từ 100 - 150 m2 kín cổng cao tường có giá dao động từ 20-22 triệu đồng một m2. “Phần lớn những lô đất này đã có chủ. Muốn mua tôi sẽ alô về nội thành bảo chủ xuống bán”, ông S. nói và cho biết, tháng 6 năm ngoái, giá của những lô đất chỉ từ 2-3 triệu đồng một m2. Ông còn “dự báo”, trong thời gian tới có thể lên đến 30 triệu đồng một m2. Thấy chúng tôi ngần ngừ vì giá quá cao, ông S. tiếp tục dẫn sang xã Tân Xã vì ở đây giá mềm hơn, dao động từ 10 - 15 triệu đồng một m2 (năm ngoái, giá khu vực này chỉ khoảng hai triệu đồng một m2).

Tương tự, tại huyện Hoài Đức, rất nhiều nông dân bỏ bê đồng ruộng và chuyển sang nghề “buôn nước bọt”. Thời điểm này, lúa chín song nhiều người chẳng buồn gặt, vì còn mải đi môi giới. Dọc Quốc lộ 32, đoạn chạy qua hai huyện Đan Phượng và Hoài Đức, những trung tâm môi giới nhà đất, công ty bất động sản, mọc lên như nấm với chi chít biển quảng cáo mới cứng, to nhỏ đủ loại, màu sắc bắt mắt. Ngay cả những quán ăn, cửa hàng bán đồ ăn gia súc…cho tới điểm thu mua đồng nát cũng đua nhau dựng lên tấm biển quảng cáo “Nhà đất” để “bắt kịp” thời sốt đất.

Phần lớn đầu cơ, “lướt sóng”

Ông Lê Văn Lợi, cán bộ địa chính xã Tân Xã (huyện Thạch Thất) cho biết, đất tại địa phương bắt đầu “lên cơn sốt” từ cuối tháng 3, khi rất nhiều người, chủ yếu từ khu vực nội thành, ùn ùn kéo về đây hỏi mua. Tuy nhiên, phần lớn trong số này đều mua bán theo kiểu “lướt sóng”, kiếm lời chứ chẳng ai mua để định cư hay làm ăn. “Trong thời gian ngắn có mảnh qua tay hàng chục người”, ông Lợi nói và cho biết thêm, giá trị thực của một mảnh đất đẹp nhất huyện Thạch Thất cũng chỉ vào khoảng 12 triệu đồng m2, trong khi nhiều chỗ bình thường hiện đã được thổi lên gấp nhiều lần.

Tại địa bàn Hoài Đức, nhiều chỗ giá còn bị thổi lên “khủng” hơn nhiều so với Thạch Thất. Một đại gia chuyên ôm đất tên K. tại xã Đức Thượng (Hoài Đức) cho hay, thời điểm sốt đất, một mảnh đất giá đội lên từng ngày và trong một tuần có thể chuyển qua 4 - 5 chủ. “Những chủ này có khi chỉ sở hữu miếng đất dưới hình thức giam tiền đặt cọc rồi ngay lập tức chuyển qua tay chủ khác, ăn lãi từ 6 - 10 triệu một m2 đất” ông K nói và giải thích: "Lý do đất đội giá là bởi qua tay nhiều quá chủ. Điển hình nhất là những lô đất nằm ven đường đoạn qua Km 18, Quốc lộ 32. Nếu như giá sau Tết nguyên đán là 11 -18 triệu đồng một m2 thì hiện lên tới 37 - 38 triệu đồng một m2 . Khủng khiếp hơn là giá đất tại thị trấn Trạm Trôi, đầu năm có giá từ 32 - 35 triệu đồng một m2 , nay đội lên 95 - 100 triệu đồng một m2".

Hùn vốn ôm đất chờ thời

Không giống như như thị trường mua bán những khu đất đã có sổ đỏ, thị trường buôn bán đất nông nghiệp vẫn đang ngầm hoạt động dưới hình thức chuyển nhượng. Đây là những chủ đầu tư cao tay, nắm trước được tình hình quy hoạch đất đai ở địa phương, bỏ tiền đi mua đất khoán của dân để chờ bồi thường khi dự án được triển khai. Một chủ đầu tư bật mí: “Mua loại đất này đòi hỏi phải dày vốn. Nếu phải vay ngân hàng thì có ngày méo mặt vì lãi suất nên các ông chủ khôn ngoan đều liên kết với nhau để có tài lực mạnh, sống khỏe và sống dai mới ém lại hàng năm chờ dự án ”


DiaOcOnline.vn - Theo Đất Việt