Hàng trăm hécta diện tích đất trồng tràm, khóm được người nông dân chặt bỏ để lấy đất trồng lúa. Gần 10.000ha diện tích chuyên tôm được người dân đăng ký sản xuất theo mô hình một vụ lúa, một vụ tôm ngay trong năm 2008. Thậm chí đã có không ít người san phẳng ao tôm để trồng lúa.
Chặt khóm, tràm trồng lúa
Do giá lúa đầu năm 2008 tăng cao đã tạo tâm lý cho người nông dân quay lại trồng lúa từ diện tích trồng khóm, tràm của tỉnh. Tại huyện Hồng Dân, nơi có diện tích khóm, tràm nhiều nhất tỉnh, tình trạng chặt bỏ cây khóm, đốn cây tràm diễn ra hàng ngày. Con số thống kê của Chi cục thống kê huyện, diện tích khóm của Hồng Dân 420ha, tuy nhiên theo điều tra của Phòng Nông nghiệp huyện vào cuối tháng 4.2008, diện tích chỉ còn 100ha. Số diện tích "bốc hơi", theo ông Lương Phương Đông, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện, nông dân đã chuyển sang nuôi tôm, trồng lúa hết rồi.
Cây khóm Ba Đình (ấp Ba Đình, xã Vĩnh Lộc A, huyện Hồng Dân) nổi tiếng đồng bằng nay chỉ còn lại chưa đến 100 ha. Ông Trần Thanh Tuyền, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Lộc A cho biết: "Do giá lúa tăng cao, giá tôm xuống thấp đã làm cho người nông dân không thích nuôi tôm trên đất khóm mà san phẳng ruộng khóm trồng lúa. Chúng tôi biết, nhưng không làm gì được".
Trong khi đó tại xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân, cho đến 20.5, toàn xã có trên 50ha diện tích cây tràm bị người dân triệt hạ để lấy đất trồng lúa. Ông Trần Thanh Hà cho biết: "Cây tràm hiện nay giá quá thấp, giá bán không bù được vào chi phí nên chúng tôi đốn tràm, cải tạo đất trồng lúa".
Tại vùng chuyển đổi của tỉnh Bạc Liêu (vùng bắc QL1A) hàng chục ngàn nông dân đồng loạt làm đơn xin được sản xuất theo mô hình một vụ lúa, một vụ tôm trên đất quy hoạch chuyên tôm ngay trong năm 2008 này. Ý chí đồng lòng của người nông dân đã đẩy chính quyền vào thế bắt buộc phải xem xét lại quy hoạch.
Sẽ điều chỉnh quy hoạch
Tại huyện Giá Rai, người dân đăng ký đến trên 3.200ha diện tích sản xuất lúa trên đất nuôi tôm. Còn huyện Phước Long, năm nay người dân đăng ký đến 7.791ha, trong đó có 2.291ha mới hoàn toàn. Con số này tại huyện Hồng Dân là 2.017ha. Theo con số thống kê chưa đầy đủ của Sở NNPTNT Bạc Liêu, năm 2008 phát sinh thêm gần 10.000ha đăng ký sản xuất lúa trên đất nuôi tôm mới, nâng tổng số diện tích sản xuất lúa trên đất tôm trên 23.000ha. Chính điều này thật sự bất ngờ đối với ngành chuyên môn.
Ông Trần Văn Ân, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Phước Long cho biết: "Giống lúa chúng tôi không phải lo vì đã chuẩn bị, nhưng sợ nhất là nguồn nước vì hệ thống thủy lợi chưa hoàn chỉnh; vừa điều tiết nước cho NTTS vừa phục vụ cho trồng lúa trong khi chỉ có một hệ thống thủy lợi là điều hết sức khó khăn".
Tại vùng nam QL1A, được tỉnh Bạc Liêu quy hoạch NTTS (chuyên tôm) lâu nay người dân vẫn giữ lại trên 3.000ha diện tích đất trồng lúa tại huyện Hòa Bình và Đông Hải. Riêng huyện Hòa Bình có đến trên 1.000ha diện tích nông nghiệp dân "cố thủ" không chịu chuyển sang NTTS.
Ông Nguyễn Trường Hận, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đông Hải kiến nghị: "Theo quy hoạch huyện không còn đất nông nghiệp, nhưng thực tế có trên 930ha diện tích đất trồng lúa. Chúng tôi đã đề nghị tỉnh nên thay đổi quy hoạch tạo điều kiện cho người trồng lúa hưởng lợi từ những chương trình nông nghiệp tại vùng đất này".
Trao đổi với chúng tôi, ông Tạ Minh Phú Phó giám đốc Sở NNPTNT bạc Liêu cho biết: về mặt chuyên môn, trên cơ sở điều tra nhu cầu trồng lúa thực tế của nông dân, khả năng sản xuất từng vùng đất Sở NNPTNT sẽ trình UBND tỉnh quy hoạch lại sản xuất để UBND tỉnh làm cơ sở trình HĐND tỉnh quyết định.