Bắc Giang: Tỷ lệ đất được đo đạc bản đồ địa chính đạt thấp

Cập nhật 22/10/2007 20:00

Đến nay, tỉnh Bắc Giang mới đo đạc bản đồ địa chính được 9,74% tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh và là một trong những tỉnh có tỷ lệ đất được đo đạc bản đồ địa chính thấp nhất cả nước. Hiện cũng mới có 76 xã, phường, thị trấn trong tỉnh có bản đồ địa chính.

Theo cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang, mặc dù tỉnh đã cơ bản hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp và đất ở nông thôn nhưng chủ yếu cấp theo Chỉ thị số 10 (1998) và Chỉ thị số 18 (1999) của Thủ tướng Chính phủ, tức là là căn cứ vào các hộ tự kê khai, tự chịu trách nhiệm (do thiếu bản đồ địa chính). Do vậy, tính pháp lý và độ chính xác trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không cao, gây khó khăn cho việc giải quyết các vấn đề liên quan đến đất đai.

Tại các nơi đã quy hoạch các khu, cụm công nghiệp, các khu dân cư của tỉnh, do không có tài liệu về bản đồ địa chính nên từ khi lập quy hoạch đến khi triển khai thực hiện đã có nhiều biến động (không còn hiện trạng), cán bộ địa chính không có cơ sở để cập nhật, chỉnh lý biến động đất đai khiến cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng gặp không ít khó khăn. Nguyên nhân chính của việc đo đạc, lập bản đồ địa chính ở Bắc Giang đạt thấp là do thiếu kinh phí cho công tác này.

Những năm gần đây, bình quân mỗi năm ngân sách tỉnh chỉ bố trí được từ 4 tỷ đến 5 tỷ đồng cho công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính và theo tính toán nếu chỉ với mức kinh phí này, mỗi năm chỉ đo đạc bản đồ địa chính được từ 2 đến 3 xã và phải mất đến khoảng 40 năm nữa tỉnh mới đo đạc, lập bản đồ địa chính xong.
 
Số kinh phí này cũng chỉ tập trung thực hiện được tại khu vực đất đô thị, các khu vực phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (TTCN), làng nghề và các khu vực đất có giá trị kinh tế cao của thành phố Bắc Giang và các huyện Việt Yên, Yên Dũng, Lạng Giang, Hiệp Hòa, Tân Yên (nhưng cũng không đo hết địa giới hành chính cấp xã). Ở các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế hầu như không còn tài liệu đo đạc bản đồ địa chính hoặc tài liệu đã quá cũ.

Tỉnh Bắc Giang đã xác định công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính có vai trò rất quan trọng để phục vụ việc quản lý Nhà nước về đất đai, là cơ sở pháp lý để lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và công tác này hoàn thành càng sớm càng tốt để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tiếp cận đất đai, phát triển kinh tế của tỉnh.
 
Tỉnh đang thực hiện nhiều giải pháp đẩy nhanh tiến độ đo đạc, lập bản đồ địa chính, phấn đấu đến năm 2015 sẽ hoàn thành công tác này trên phạm vi toàn tỉnh; đồng thời chỉnh lý, bổ sung các tài liệu bản đồ địa chính đã đo vẽ những năm trước mà chưa được cập nhật, chỉnh lý biến động để tạo cơ sở pháp lý cho việc quản lý đất đai và tạo thuận lợi thu hút mạnh đầu tư, phát triển kinh tế của tỉnh.

Nguồn kinh phí cho công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính lấy từ nguồn thu tiền sử dụng đất hằng năm của tỉnh và của các huyện, thành phố (đã được phân cấp). Mỗi năm, ngân sách tỉnh bố trí khoảng trên 13 tỷ đồng cho công tác này, chủ yếu tập trung đo đạc bản đồ đất khu dân cư nông thôn, đất rừng đặc dụng và đo đạc bản đồ địa chính của các xã đặc biệt khó khăn; các huyện tùy theo nguồn thu từ sử dụng đất để trích kinh phí cho công tác này.
 
Các huyện có nguồn thu tiền sử dụng đất đạt khá như Yên Dũng, Việt Yên, Lạng Giang, Tân Yên, Hiệp Hòa sẽ trích kinh phí từ ngân sách huyện để tập trung hoàn thành việc đo đạc, lập bản đồ địa chính sớm hơn (phấn đấu vào năm 2011). Các huyện có nguồn thu tiền sử dụng đất đạt thấp như Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, mỗi năm bố trí kinh phí đo đạc bản đồ địa chính đất nông nghiệp cho khoảng 2 xã và cùng với nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách tỉnh sẽ phấn đấu hoàn thành đo đạc bản đồ địa chính trên phạm vi toàn huyện vào năm 2015.

Theo Bộ TN & MT