Ba vấn đề nóng

Cập nhật 22/02/2008 10:00

Kéo lạm phát xuống, kéo giá nhà đất xuống và kiềm chế nhập siêu là ba vấn đề nóng hiện nay cần giải quyết.

Kéo lạm phát xuống

Lạm phát trong các tháng cuối năm 2007 đã quá cao và sang năm 2008 vẫn tiếp tục cao.

So với cùng kỳ năm trước (sau một năm) thì giá tháng 1-2008 tăng tới 14,11%. Giả sử có 100 triệu đồng nếu gửi tiết kiệm cuối tháng 10-2007 theo kỳ hạn ba tháng (với lãi suất khoảng 0,6%/tháng đối với ngân hàng thương mại cổ phần, còn ngân hàng thương mại nhà nước có lãi suất thấp hơn), thì đến cuối tháng 1-2008 rút ra sẽ được 101,8 triệu đồng (bao gồm 100 triệu đồng vốn gốc và 1,8 triệu đồng lãi).

Nhưng đó chỉ là số tiền danh nghĩa, nếu tính lại theo giá cuối tháng 10-2007 thì chỉ còn tương đương với 95,44 triệu đồng, tức là không những không có lãi, mà còn bị âm 4,56 triệu đồng, tỷ suất lỗ lên tới 4,56% trong ba tháng!

Đáng lưu ý, theo dự đoán, tốc độ tăng giá tiêu dùng tính theo tháng và theo năm của tháng 2 còn cao hơn tháng 1.

Trong thời kỳ lạm phát “phi mã” trước đây, do mọi người cùng nghèo nên mọi người cùng bị khổ. Nay khoảng cách chênh lệch giàu nghèo ngày càng lớn (nhóm giàu có thu nhập cao gấp 8,4 lần nhóm nghèo) thì lạm phát cao làm cho người nghèo càng khổ hơn.

Muốn kéo lạm phát xuống một mặt phải tăng cung, mặt khác phải giảm cầu. Tăng cung bao gồm sản xuất và bảo vệ sản xuất. Để giảm cầu, một mặt phải hạn chế tiền ra lưu thông, mặt khác phải hút tiền từ lưu thông về.

Tiền ra lưu thông đã quá cao trong mấy năm qua khi tốc độ tăng dư nợ tín dụng, tốc độ tăng cung tiền (M2) cao gấp nhiều lần tốc độ tăng trưởng kinh tế (các nước trong khu vực, tốc độ tăng này chỉ cao gấp khoảng 2-2,5 lần tốc độ tăng GDP, còn ở Việt Nam đã 3-4 năm nay, hệ số trên lên đến 4,5 lần).

Mấy tháng nay, để đảm bảo tỷ lệ khống chế cho vay chứng khoán không vượt quá 3% dư nợ tín dụng, nhiều ngân hàng thương mại đã đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, cho vay bất động sản nên phải được kiểm soát chặt chẽ. Hút tiền về bằng cách tăng lãi suất huy động, phát hành trái phiếu bắt buộc, tăng dự trữ bắt buộc...

Kéo giá nhà đất xuống

Giá đất ở Việt Nam hiện đã cao hơn cả nước ngoài, nay lại tăng nhanh (tăng tới mấy chục phần trăm, có chỗ, có loại còn tăng lên đến mấy lần) và đang lan từ các khu đô thị về các tỉnh, hình thành mặt bằng giá mới cao ngất ngưởng.

Giá bất động sản tăng kép do sự tăng lên của giá đất và giá vật liệu xây dựng, giá các mặt hàng khác có liên quan đến chi phí xây dựng (vận chuyển, công xây dựng, giải phóng mặt bằng...). Theo dự đoán của nhiều chuyên gia, giá bất động sản còn tăng cho đến hết năm 2008, khi có chính sách thuế thu nhập, thuế lũy tiến trên cơ sở quy định về hạn mức nhà đất.

Giá bất động sản tăng mạnh đã và sẽ gây ra nhiều hậu quả. Nguồn vốn đầu tư theo kế hoạch tuy lớn và tăng lên, nhưng nếu phải chi nhiều hơn do giá đất, giá xây dựng, giải phóng mặt bằng cao hơn thì phần thực chi cho thiết bị máy móc, phương tiện làm việc sẽ không tăng tương ứng, thực hiện vốn đầu tư của Nhà nước sẽ lại chậm, không thực hiện được tiến độ đề ra (năm 2007 các đơn vị thuộc các bộ, ngành thực hiện chỉ được 92,2% kế hoạch), nhất là các nguồn trái phiếu mà Nhà nước phải trả lãi tính ngay từ ngày đầu đi vay.

Chi phí đền bù giải phóng mặt bằng không chỉ tăng lên mà việc giải tỏa, đền bù còn phức tạp hơn... Chi phí thuê, mua, khấu hao nhà xưởng, cửa hàng vốn lâu nay đã chiếm tỷ trọng lớn trong tổng chi phí, làm cho hiệu quả sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh vốn đã thấp nay lại càng khó khăn hơn trước sự cạnh tranh khốc liệt với hàng ngoại nhập.

Để kéo giá bất động sản xuống mà lại dùng biện pháp nâng giá đất 20-30% để tính thuế như vừa qua thì chẳng khác gì đưa thêm củi vào bếp khi nồi nước đang sôi. Việc đánh thuế lũy tiến được Thủ tướng yêu cầu phải thực hiện sớm, nhưng việc nghiên cứu và thủ tục ban hành thường chậm, kéo dài. Cần có cơ chế giám sát, khống chế việc cho vay đầu tư bất động sản, giống như Chỉ thị 03 đối với chứng khoán, nếu không giá bất động sản sẽ lại được thổi lên, bong bóng sẽ to, căng, nếu vỡ thì sẽ kéo theo những hậu quả khó lường.

Kiềm chế nhập siêu

Nhập siêu đã đạt kỷ lục năm 2007 (lên tới 12,443 tỉ đô la Mỹ, bằng 25,7% so với kim ngạch xuất khẩu). Bước sang năm 2008, mới qua một tháng đã nhập siêu 1 tỉ đô la, lớn gần gấp đôi cùng kỳ năm trước. Theo dự báo của Bộ Công thương, khả năng nhập siêu của năm 2008 còn cao hơn cả về kim ngạch tuyệt đối (17-18 tỉ đô la so với 12,443 tỉ đô la), và tỷ lệ so với xuất khẩu (28% so với 25,7%).

Đáng lưu ý, giá nhập khẩu năm nay vẫn rất cao; số mặt hàng được cam kết cắt giảm thuế suất thuế nhập khẩu cao gấp nhiều lần năm trước; tâm lý chuộng hàng ngoại ở một bộ phận dân cư nhiều hơn; xuất khẩu một số mặt hàng gặp khó khăn hơn...

Để giảm nhập siêu, một mặt cần đẩy mạnh xuất khẩu, mặt khác phải kiềm chế nhập khẩu đối với những mặt hàng trong nước sản xuất được trên cơ sở phát triển công nghiệp phụ trợ, nội địa hóa; tăng hiệu quả và sức cạnh tranh của hàng sản xuất trong nước...

Theo TBKTSG