Ba lý do khiến dân mâu thuẫn đất đai với lâm trường

Cập nhật 30/03/2013 06:28

Báo cáo “Mâu thuẫn đất đai giữa công ty lâm nghiệp và người dân địa phương” nghiên cứu tại 4 địa bàn miền núi do Viện Tư vấn phát triển (CODE) và tổ chức Forest Trends công bố ngày 27/3 tại Hà Nội chỉ ra rằng mâu thuẫn đất đai giữa lâm trường và người dân đã và đang diễn ra gay gắt tại một số địa phương.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích đất tranh chấp giữa lâm trường và người dân tính đến hết năm 2011 là khoảng 76.000 ha.

Báo cáo dựa trên kết quả khảo sát, đánh giá hiệu quả việc sử dụng đất tại một số lâm trường (công ty lâm nghiệp), trong đó có nghiên cứu các trường hợp về mâu thuẫn đất đai giữa lâm trường và người dân tại 4 tỉnh miền núi gồm: công ty Hữu Lũng (Lạng Sơn), công ty Long Đại (Quảng Bình), công ty M’Drắck (Đắc Lắc) và công ty Lộc Bắc (Lâm Đồng).

Có ba lý do dẫn đến tình trạng mâu thuẫn hiện nay được ông Tô Xuân Phúc đến từ Forest Trends chỉ ra.

Thứ nhất là do người dân thiếu đất canh tác nhằm đảm bảo sinh kế. Theo con số thống kê, giai đoạn 2002-2008 cả nước đã có trên 421.000 hộ thiếu đất ở, đất sản xuất. Con số các hộ thiếu đất có chiều hướng ngày càng gia tăng, khi trong giai đoạn 2009-2011 có trên 347.000 hộ thiếu đất.

Thứ hai, mâu thuẫn nảy sinh còn do bất bình đẳng trong sử dụng đất. Thực tế các lâm trường đang sử dụng nhiều đất nhưng một số nơi cho hiệu quả thấp, trong khi người dân lại thiếu đất sản xuất. Sự bất bình đẳng còn thể hiện khi lâm trường trao hợp đồng khoán và bảo vệ rừng cho người ngoài cộng đồng.

Cùng với hai nguyên nhân trên, sự phát triển mạnh mẽ mạng lưới thị trường hàng hóa nông sản ở vùng núi trong thời gian gần đây tạo điều kiện cho việc nâng cao thu nhập cho nhiều người. Tiếp cận và kiểm soát đất đai trở thành cơ hội nâng cao thu nhập cho những người nắm giữ các quyền này. Điều đó dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt về đất lâm nghiệp tại một số địa phương.  

Các chuyên gia khuyến cáo, để giải quyết tình trạng mâu thuẫn giữa người dân và lâm trường như hiện nay, điều quan trọng nhất là phải đảm bảo đủ đất sản xuất cho các hộ dân, tạo cơ chế giải quyết tình trạng bất bình đẳng về sử dụng đất và rừng…

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích đất tranh chấp giữa lâm trường và người dân tính đến hết năm 2011 là khoảng 76.000 ha. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng con số này nhỏ hơn nhiều so với diện tích thực tế, và con số 76.000 ha chỉ là phần nhỏ của tảng băng chìm về tình trạng mâu thuẫn đất lâm nghiệp tại Việt Nam hiện nay.

DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy