Ba lần đổi chủ, số phận 'đất vàng' B6 Giảng Võ ra sao?

Cập nhật 29/08/2014 08:36

Rời tay Công ty Đầu tư xây lắp và thương mại 36,"đất vàng" B6 Giảng Võ (Hà Nội) được mua lại bởi một ông chủ ít tiếng tăm hơn, khiến nhiều người phải lo ngại cho số phận long đong của dự án này.

10 năm vẫn "đắp chiếu"

Tọa lạc ngay bên hồ Giảng Võ, nhà tập thể B6 có vị trí vô cùng đắc địa ở Hà Nội. Tuy nhiên, nhiều năm qua dự án cải tạo chung cư này vẫn giậm chân tại chỗ.

Đầu năm 2004, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng và dịch vụ thương mại Hà Nội (đã từng đổi tên là Công ty cổ phần Hà Nội - ICT, gọi tắt là ICT) đặt vấn đề với UBND phường Giảng Võ về việc cải tạo Chung cư B6 Giảng Võ.

Dự án cải tạo B6 Giảng Võ 10 năm vẫn "bất động" dù đã qua 3 lần đổi chủ

Ngày 22/7/2004, căn cứ tờ trình của Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội, ông Đỗ Hoàng Ân, khi đó là Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, đã ký Văn bản số 2536/UB-KH-ĐT với nội dung: Chấp thuận về nguyên tắc để ICT lập dự án đầu tư xây dựng lại Chung cư B6 Giảng Võ; thời gian thực hiện trong 6 tháng, nếu không đúng thời hạn sẽ giao đơn vị khác.

Tuy nhiên, điều khiến nhiều cư dân của khu tập thể B6 lo ngại là vấn đề năng lực tài chính của chủ đầu tư. Tại thời điểm UBND thành phố Hà Nội có quyết định giao cho ICT làm chủ đầu tư, nhiều câu hỏi về năng lực của chủ đầu tư đã được đặt ra.

Những lo ngại này không phải không có lý khi ICT được Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội cấp giấy đăng ký kinh doanh ngày 6/6/2003, được giao lập dự án đầu tư cải tạo nhà B6 Giảng Võ, với số vốn điều lệ chưa đầy 10 tỷ đồng và chưa thực hiện bất kỳ dự án xây dựng đáng kể nào (đến thời điểm được giao dự án).

Theo thiết kế, dự án Nhà ở tái định cư và Văn phòng cho thuê B6 Giảng Võ có tổng diện tích 3.086 m2, với tổng mức đầu tư 800 tỷ đồng, được thiết kế thành 2 khối: Khối nhà tái định cư cao 19 tầng, khối văn phòng cao 22 tầng và 4 tầng hầm.

Năm 2005, ICT bắt đầu tiến hành phá dỡ nhà chung cư cũ B6 Giảng Võ (quận Ba Đình, Hà Nội), hơn 100 hộ dân sẽ được tái định cư tại chỗ trong toà nhà chung cư mới cao 15-17 tầng. Diện tích căn hộ sẽ tăng 1,7-1,8 lần so với trước đây.

Tiền các hộ dân trả cho phần diện tích gia tăng này sẽ tính theo giá do thành phố phê duyệt. Và người dân sẽ không phải đóng bất cứ khoản tiền nào cho đến khi xây dựng xong.

Theo phương án tái định cư tại toà nhà mới, tầng 2 sẽ không bố trí người dân sinh sống mà tổ chức các dịch vụ cho dân cư trong khu vực. Các hộ tầng 1 chung cư cũ sẽ chuyển lên tầng 2, các hộ tầng tiếp theo sẽ tái định cư ở tầng cao dần. Các hộ dân ở tầng 1 có thể được thuê một gian hàng để kinh doanh có thời hạn từ 15 đến 20 năm.

Trong thời gian chung cư mới xây dựng, người dân sẽ tạm cư tại khu chung cư ở Thanh Lương, Đại Kim, hoặc Phúc Xá. Nếu các hộ dân tự lo nơi tạm cư sẽ được hỗ trợ mỗi tháng 250.000 đồng một người. Ngoài ra, chủ đầu tư còn hỗ trợ chi phí di chuyển 2 lần khi đi hoặc về nơi mới. Mỗi tầng hiện có 20 căn hộ, khi tái định cư cũng bố trí đủ 20 căn hộ mỗi tầng, hộ ở đầu hồi về lại đầu hồi, hộ ở giữa về lại căn hộ ở giữa.

Sau 4 năm triển khai dự án, những nghi vấn của người dân chung cư B6 Giảng Võ về năng lực của ICT trong việc đầu tư xây dựng dự án thành hiện thực. ICT không thể thực hiện dự án như đã cam kết. Cụ thể, doanh nghiệp vẫn không thể đạt được sự thống nhất với người dân về mức độ đền bù khiến dự án không thể triển khai.

Mâu thuẫn lợi ích giữa cư dân và Công ty ICT chưa tìm được nút gỡ thì Công ty Đầu tư xây lắp và thương mại 36 - Bộ Quốc phòng (Gọi tắt là công ty 36) “nhảy” vào và nhanh chóng chấp thuận mọi yêu cầu của người dân trong việc đền bù, hỗ trợ, tái định cư… 100% hộ dân tại đây đã đồng ý bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư để triển khai xây dựng.

Đến năm 2008, UBND thành phố Hà Nội sau đó giao Công ty 36 làm chủ đầu tư dự án, thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng.

Tháng 7/2011, công trình được khởi công và dự kiến đến quý 1/2014 sẽ hoàn thành. Tuy nhiên, dự án B6 Giảng Võ đang tiến hành đào móng thì dừng lại vì chủ đầu tư không “cơ cấu” được bài toán lợi nhuận do dự kiến ban đầu xây 25 tầng, nhưng theo quy hoạch của thành phố thì “khu đất vàng” B6 Giảng Võ chỉ được xây tối đa 15 tầng.

Điều đáng nói, trong khi dự án 10 năm vẫn giậm chân tại chỗ thì trên mạng internet xuất hiện rất nhiều thông tin rao bán dự án này với mức giá trong hợp đồng là 26 triệu đồng/m2 và 31 triệu/m2 với gói bàn giao thô (đã có VAT + 2 % phí bảo trì).

Đặc biệt, thời điểm đăng tin rao bán này là hồi tháng 6/2014, nhưng trong phần chủ đầu tư của dự án có ghi "Chủ đầu tư: Công ty Cổ phần và Phát Triển Công Nghệ MEFRIMEX – Công ty 36 Bộ Quốc Phòng".

Thông tin này đã làm dấy lên những nghi vấn về việc dự án này đã được đổi chủ lần thứ 3.

Chủ mới nhưng không lạ

Những nghi vấn này đã không còn là nghi vấn khi UBND thành phố Hà Nội mới đây đã chấp thuận cho dự án chung cư cũ B6 (Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội) được đổi chủ đầu tư.

Theo đó, ông chủ mới của dự án cải tạo chung cư cũ B6 Giảng Võ là Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ (Mefrimex).

Theo thông tin chính thức từ Phòng đăng ký Kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội), Mefrimex được thành lập và đăng ký kinh doanh lần đầu vào tháng 5/2007, có trụ sở chính tại B7 Giảng Võ (phố Trần Huy Liệu, phường Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội). Lĩnh vực kinh doanh chính của công ty này là đóng tàu, tư vấn thiết kế, giám sát công trình, kinh doanh bất động sản, thương mại hàng hóa… Số điện thoại đăng ký của doanh nghiệp là 04.38235637, nhưng hoàn toàn không liên lạc được.

Mefrimex có vốn điều lệ 800 tỷ đồng, công ty được thành lập bởi 3 cổ đông sáng lập. Trong đó, ông Dương Văn Nguyên là chủ tịch HĐQT đồng thời cũng là người đại diện pháp luật, ông Dương Văn Nguyên sở hữu 49,4%; 2 cổ đông còn lại là bà Phạm Thị Đức sở hữu 20,32% và ông Ông Văn Kỳ sở hữu 5,95%.

Ngoài dự án B6 Giảng Võ mà Mefrimex vừa sở hữu thì Công ty này còn đang triển khai nhiều dự án bất động sản khác trên địa bàn Hà Nội, chủ yếu khu vực quận Long Biên, Đông Anh. Đáng chú ý là Dự án khu du lịch sinh thái Đông Anh, dự án có quy mô khoảng 65 ha với tổng mức đầu tư khoảng 730 tỷ đồng.

Dự án khu công viên giải trí, sinh thái tại phường Thạch Bàn, Cư Khôi, quận Long Biên. Được biết, dự án có quy mô 202,55ha, chi phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng chung và hệ thống công viên khoảng 1.000 tỷ đồng, trong đó đất cây xanh công viên, vườn hoa đô thị có diện tích khoảng 70,5ha. Bên cạnh đó, Mefrimex còn thực hiện đầu tư xây dựng dự án B7 Giảng Võ diện tích 2.237,5m2, công trình cao 16 - 19 tầng, trong đó 4 tầng hầm để xe, tổng diện tích sàn 25.071m2.

Điều thú vị về Mefrimex là vào năm 2007, chủ đầu tư dự án khi đó là ICT đang vận động người dân đồng thuận với phương án đền bù và di dời khỏi tòa nhà, thì một số hộ dân lại nhận được đề xuất của Mefrimex nêu phương án cải tạo xây dựng nhà chung cư B6 với những quyền lợi đặc biệt so với ICT.

Tuy nhiên, cả ICT và Mefrimex sau đó đều không cạnh tranh được với Công ty 36 trong việc vận động người dân đồng thuận với phương án đền bù.

Như vậy, với người dân sống tại khu chung cư cũ B6 Giảng Võ thì vị chủ mới này không hề xa lạ, và vì thế việc lo ngại cho số phận dự án này cũng không hoàn toàn là không có cơ sở khi chủ cũ của dự án này là công ty 36 vốn là một công ty lớn, có uy tín trong ngành xây dựng cũng phải buông cho một đơn vị mới rõ ràng là ít tiếng tăm hơn.

DiaOcOnline.vn - Theo VTC news