Lâu nay, nhà tái định cư (TĐC) luôn là nỗi bức xúc ở các địa phương có tốc độ phát triển đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM. Người dân thì ấm ức khi phải sống trong các khu nhà TĐC, cơ quan quản lý, chính quyền thì loay hoay, lúng túng trong xây dựng, quản lý quỹ nhà, giải quyết các vấn đề TĐC.
Khu TĐC Đồng Tàu bị xuống cấp nghiêm trọng.
Được trợ giá cũng không còn hấp dẫn
Từ trước tới nay, giá nhà TĐC vẫn được nhà nước bao cấp về đầu tư hạ tầng và các loại thuế. Bên cạnh đó trong quá trình xây dựng, các chủ đầu tư có quyền cắt giảm tối đa các chi phí, ví như thay vì quét sơn thì chỉ quét vôi, không bố trí hệ thống máy phát điện dự phòng, diện tích công cộng… nên trong thời điểm nào giá nhà TĐC cũng thấp nhất so với thị trường. Thời điểm giá nhà đất cao như những năm 2005 - 2009, một căn hộ TĐC 50 - 60m2 có thể bán chênh trên thị trường với giá gấp rưỡi hoặc gấp đôi. Đây là lý do hầu hết người dân thuộc diện GPMB thời điểm đó đều mong muốn được mua nhà TĐC.
Tuy nhiên vào thời điểm hiện nay, khi thị trường nhà đất đã thuộc về người mua, giá đã giảm, nhất là với sự xuống cấp trầm trọng của các khu nhà TĐC, nhiều người dân thuộc diện GPMB đã cho rằng, nếu được giải quyết mua nhà TĐC chưa chắc họ dám mua bởi ở thì khổ mà bán chênh thì khó hy vọng.
Ông Dương Văn Hòa, một hộ dân đang thuộc diện GPMB khu vực cầu Vĩnh Tuy chia sẻ: Trước đây việc mua nhà đất còn khó khăn, được giải quyết mua căn hộ 45 - 50m2 là điều tốt với những hộ phải GPMB, nhưng hiện nay không cớ gì bắt chúng tôi phải vào ở những căn hộ chật chội trong các khu nhà không được quản lý. Nếu được đền bù giá đất theo giá thị trường, chúng tôi hoàn toàn đủ khả năng để được lựa chọn những căn hộ đẹp, diện tích 80 - 100m2.
Mô hình cần phải thay đổi
Mới đây nhất, khi trình lên TP Đề án xây dựng các KĐTM phục vụ TĐC, Sở Xây dựng Hà Nội đã chỉ rõ những bất cập trong thực hiện nhà TĐC từ trước tới nay. Bất cập ngay từ công tác quy hoạch, bố trí các khu TĐC đến khâu xây dựng, chất lượng và quản lý nhà TĐC. Đa số các khu TĐC hiện mới chỉ đáp ứng được điều kiện tối thiểu về cấp điện, nước. Nhiều khu đưa dân đến ở còn chưa xong hạ tầng kỹ thuật, không bố trí các công trình hạ tầng xã hội tối thiểu như trường học, trạm xá, chợ... nên chưa thể ổn định cuộc sống cho người dân TĐC.
Việc xây dựng các dự án nhà TĐC tại Hà Nội cũng như các địa phương khác đều thực hiện theo hình thức chủ đầu tư là các Ban quản lý của một dự án, hoặc thuộc quận, huyện nào đó. Xây nhà xong, đưa dân đến, bàn giao cho Cty quản lý, coi như hết trách nhiệm. “Chủ đầu tư chỉ phải thực hiện đầu tư xây lắp, không phải lo tiêu thụ sản phẩm, thu hồi vốn cũng như khai thác quản lý, nên khi lập và thực hiện dự án, không quan tâm đến chất lượng cũng như quy trình quản lý, bảo trì sau này…”, ông Vũ Ngọc Đạm - Trưởng phòng Phát triển nhà ở, Sở Xây dựng Hà Nội phân tích.
Về vấn đề này, ông Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định quản lý chất lượng công trình khẳng định: Chỉ khi nào chất lượng công trình gắn với trách nhiệm của chủ đầu tư thì mới tốt được. Với cách làm giao chủ đầu tư và chỉ định thầu như nhà TĐC từ trước tới nay, khó có thể chất lượng công trình tốt được. Trong công tác quản lý cũng vậy, ở các nhà kinh doanh, chính vì chủ đầu tư coi công tác quản lý là cách giữ thương hiệu, bảo hành sản phẩm nên quản lý mới tốt, nhà mới lâu xuống cấp…
Nhiều chuyên gia khác thì phân tích, bất cập đầu tiên chính là cách tính giá nhà TĐC. Việc xác định giá bán nhà TĐC chỉ bao gồm tiền xây dựng công trình nhà và tiền sử dụng đất phân bổ, không tính tiền đầu tư hạ tầng, tiền GPMB, chuyển đổi mục đích sử dụng đất… Nhà TĐC cứ phải là càng rẻ càng tốt. Nếu cứ theo cách làm này, về lâu dài ngân sách địa phương sẽ không bù lỗ được, nếu vẫn quan điểm phải rẻ, khi xét duyệt dự án đầu tư xây dựng sẽ cắt giảm tối đa các chi phí, tiện ích của khu ở. Đây cũng là nguyên nhân gây nên bức xúc cho người dân khi phải sống ở các khu TĐC thiếu đường, trường, chợ, trạm y tế, nơi sinh hoạt cộng đồng…
Sẽ có cách làm mới
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết Bộ Xây dựng đang xây dựng và hoàn thiện Nghị định về phát triển và quản lý nhà ở TĐC, trong đó làm rõ chính sách đầu tư xây dựng, quản lý nhà TĐC, trách nhiệm của các chủ đầu tư khi tham gia xây dựng loại hình nhà ở này, thay đổi quan điểm thiếu thiện cảm của xã hội về nhà TĐC… Thừa nhận những bất cập mô hình nhà TĐC hiện nay, TP Hà Nội cũng đang gấp rút, tiên phong đưa ra cách làm mới. Ông Nguyễn Quốc Tuấn - Phó giám đốc Sở Xây dựng cho biết, TP đã phê duyệt đề án xây dựng các KĐT phục vụ TĐC. Theo đó TP dành những vị trí thuận lợi, hấp dẫn để làm các KĐT TĐC có điều kiện phát triển bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ, có đầy đủ các điều kiện về hạ tầng đồng bộ. Ở đó có đủ các loại nhà đáp ứng đủ nhu cầu ở các hộ với các mức thu nhập khác nhau, từ cao cấp đến bình dân. Toàn bộ dự án sẽ giao cho một chủ đầu tư chịu trách nhiệm từ khâu xây dựng đến quản lý, vận hành khai thác sử dụng. Người dân có quyền chọn nhà phù hợp với nhu cầu và điều kiện của mình. Hiện TP đang triển khai 9 dự án KĐTM phục vụ TĐC theo cách làm này.
Theo các chuyên gia, chính sách thay đổi, giá đền bù xác đáng, người dân có thể không cần nhà TĐC, họ có thể tự mua bất kể nhà ở một dự án nào theo điều kiện, nhu cầu sống của mình. Tuy nhiên trước mắt chờ chính sách thay đổi, các địa phương cần có cách làm như Hà Nội, xây dựng các KĐTM đồng bộ TĐC cho người dân thuộc diện GPMB .
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng