Thương vụ mua lại 5 tầng đế TTTM dự án Chợ Mơ vào năm 2010 với tổng giá trị khoảng 650 tỷ đồng đang gặp những vấn đề tranh chấp ngày càng leo thang.
Tháng 1/2010, Công ty TNHH Đầu tư tư nhân Vina (VPCapital) đã ký hợp đồng đặt cọc với chủ dự án TTTM Chợ Mơ là Công ty Cổ phần phát triển Vinaconex (VCTD) để mua toàn bộ hơn 21.000m2 sàn thương mại dự án này (từ tầng 1 đến tầng 5A), sau đó vào tháng 7/2010 hai bên đã ký hợp đồng chính thức với tổng giá trị khoảng 650 tỷ đồng (30,6 triệu USD). Đến 9/2011 VPCapital đã thanh toán cho VCTD 419,5 tỷ đồng qua 2 đợt tương đương 70% giá trị hợp đồng. Tuy nhiên, thương vụ này đến nay vẫn nằm trong vòng xoáy tranh chấp.
Hiện nay Vinaconex nắm 55%, VPCapital nắm 10%, Viettel nắm 10%, MBbank nắm 10%, Quỹ đầu tư VPH nắm 8%, CTCP chứng khoán dầu khí nắm 8% và còn lại 2% do Thể nhân nắm giữ. |
Để bắt tay vào đầu tư, triển khai dự án này các cổ đông lớn và Vinaconex đã lập ra Công ty CP Phát triển thương mại Vinaconex (VCTD) có vốn điều lệ 200 tỷ đồng, Giấy chứng nhận kinh doanh cấp lần đầu vào 15/05/2008. Trong đó, cổ đông sáng lập là Vinaconex nắm 65%, VPCapital nắm 23,5%, Prudential Việt Nam nắm 6,5% và CTCP Thùy Dương nắm 5%. Ông Đoàn Châu Phong là chủ tịch HĐQT, ông Vũ Nguyên Vũ là TGĐ và là đại diện của Vinaconex, ông Thái Quốc Minh là Phó chủ tịch đại diện cho VPCapital.
Tuy nhiên, sau đó do Prudential và Thùy Dương không góp vốn mà VPCapital đã góp thay phần vốn này và chuyển nhượng cho 5 cổ đông khác, đồng thời mua lại 10% của Vinaconex. Do đó, cơ cấu cổ đông tại dự án này đã thay đổi, hiện nay Vinaconex nắm 55%, VPCapital nắm 10%, Viettel nắm 10%, MBbank nắm 10%, Quỹ đầu tư VPH nắm 8%, CTCP chứng khoán dầu khí nắm 8% và còn lại 2% do Thể nhân nắm giữ.
Tranh chấp tiếp tục leo thang
Như trước đó, chúng tôi đã có bài viết về rắc rối của thương vụ mua bán này, phía VPCapital sau khi thuê công ty tư vấn độc lập là Công ty CP xây dựng tư vấn thiết kế Đông Á nghiệm thu TTTM Chợ Mơ thì đơn vị này đã “tố” chủ đầu tư nghiệm thu khống một số hạng mục, chất lượng công trình không đúng với các phụ lục hợp đồng, bàn giao công trình chậm so với tiến độ cam kết,…
Trong vụ tranh chấp này, VPCapital đã đề nghị VCTD giảm 4 triệu USD so với Hợp đồng, và đề nghị mỗi bên chịu một nửa phần lãi suất chưa trả tính đến ngày bàn giao thực tế. Tổng số tiền mà VPCapital đề nghị giảm là 125 tỷ. Tuy nhiên, VCTD đã họp Đại hội cổ đông, và làm việc với VPCapital nhưng đến nay vẫn chưa tìm được phương án giải quyết.
Sau đó, VTCD đã ủy quyền cho Luật sư Lê Thanh Sơn, văn phòng Luật sư AIC để giải quyết vụ việc. Theo đó, quan điểm của VTCD về khoản giảm 4 triệu USD, hai bên có quyền thỏa thuận, tuy nhiên, VCTD hoàn toàn có quyền có giảm hay không, giảm bao nhiêu. Về khoản lãi suất chưa trả, tạm tính đến 30/6/2013 là hơn 85 tỷ, và VPCapital đề nghị mỗi bên trả một nửa, quan điểm của VCTD là không có nghĩa vụ phải trả khoản này.
Bởi theo phía VCTD cho rằng họ không vi phạm tiến độ bàn giao công trình như phía VPCapital đã nêu. Bên cạnh đó, theo giải thích của VTCD thì VPCapital chưa đủ điều kiện để nhận được bàn giao Dự án bởi đơn vị này vi phạm nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng, còn theo phía VPCapital thì cho rằng do VCTD không đáp ứng điều kiện bàn giao nên không nhận bàn giao công trình…Hai bên đã có nhiều buổi làm việc nhưng không thể đi đến một phương án để giải quyết vụ việc.
Diễn biến mới nhất cho thấy, ngày 9/12/2013 phía VPCapital đã quyết định tổ chức buổi họp báo công bố rộng rãi tới báo giới về vụ việc này. Theo đó, VPCaptial cho rằng, đến 30/11/2013 mà VCTD vẫn chưa hoàn tất các hạng mục công trình theo thỏa thuận trong hợp đồng. Nếu TTTM Chợ Mơ được bàn giao đúng chất lượng thì VPCapital sẵn sàng nhận bàn giao và thanh toán đầy đủ cho VTCD.
Nếu VCTD không thể khắc phục được những sai sót thì hai bên có thể thương lượng và đàm phán để đi đến những giải pháp hợp lý cho việc nghiệm thu và bàn giao dự án theo hướng đảm bảo quyền và lợi ích cho các đối tác, các khách hàng liên quan đến dự án nói chung và của VPCapital nói riêng.
Còn theo Luật sư Phạm Thanh Sơn, đại diện pháp lý cho VPCapital thì nếu VCTD không thể hiện tích cực, thì sẽ dùng các biện pháp cứng rắn bằng cách gửi đơn tới cơ quan quản lý Nhà nước, tòa án,…