Các số liệu thống kê cho biết, diện tích đất với các đặc trưng đô thị thực tế chiếm khoảng 60% tổng diện tích đối với các thành phố loại I; 50% với các TP loại II; và 40% đối với các TP loại III và IV. Điều này cho thấy các trung tâm đô thị phần chung đều có cả diện tích đất mang đặc trưng nông thôn.
Hàng năm Việt Nam mất khoảng 10 nghìn héc-ta đất nông nghiệp do phát triển vùng ven. Các khu rìa ven đô thị phình ra cũng là hậu quả của việc đô thị hóa nhanh. Hà Nội được ghi nhận mất trung bình 268ha đất nông nghiệp mỗi năm do chuyển đổi đất.
Những con số trên cho thấy, tình trạng chuyển đổi đất đai đang ngày một gia tăng. Thế nhưng, những đánh giá về hệ lụy đằng sau các con số mất đất đó vẫn chưa có một thống kê cụ thể.
Mỗi khu ở, công trình hay cụm công trình, thậm chí khu đô thị mới đều có các con số kinh tế đi kèm đảm bảo cho mức đầu tư và tỷ lệ lợi nhuận. Nhưng, có một vấn đề lớn trong quản lý đô thị là việc những khu phát triển mới sẽ đem lại thu nhập và đòi hỏi chi phí như thế nào, có tương xứng không đối với chính quyền đô thị, các nhóm dân cư và doanh nghiệp?
Sự phân bổ chi phí qua thuế sử dụng đất, thuế gia tăng giá trị do quy hoạch và đầu tư công đem lại hiện còn mập mờ. Còn thiếu những tính toán minh bạch và thuyết phục để chỉ rõ những yếu tố lợi ích sòng phẳng để đánh thuế, phí, hay chi phí khác lên một hệ thống lợi ích và quan hệ đa chiều và phức tạp như đô thị.
Nguồn thu từ đất đai và tài sản sau khi phát triển đô thị và quy hoạch cần phải mở rộng sang phạm vi công, các cơ quan quản lý chứ không nên bó hẹp trong phạm vi của dự án. Nếu không, các đối tượng hưởng lợi là chủ đầu tư phát triển sẽ đẩy gánh nặng chi phí lên chính quyền đô thị - ngân sách chung. Nói cách khác, đây là mô hình người nghèo trợ cấp người giàu, và ngân sách thành phố sẽ ngày càng bị thu hẹp.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng