Ai được vay vốn ưu đãi mua nhà?

Cập nhật 17/05/2013 08:39

Khi vay, người dân được tự chọn căn hộ theo ý muốn, không phải mua theo chỉ định.

“Từ ngày 1-6, gói 30.000 tỉ đồng hỗ trợ lãi suất 6%/năm cho người dân mua nhà theo Nghị quyết 02 của Chính phủ sẽ bung ra thị trường. Số tiền này được phân bổ đều cho năm ngân hàng thương mại nhà nước để cho vay ra và không phân bổ cho các địa phương” - ngày 16-5, ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng (ảnh), khẳng định với Pháp Luật TP.HCM.

Thủ tục vay đơn giản

* Thưa ông, đối tượng nào được vay vốn hỗ trợ lãi suất 6%/năm?

+ Thông tư 11 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Thông tư 07 của Bộ Xây dựng quy định rõ đó là những người mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội và người có thu nhập thấp thuê, mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2.

Như vậy, cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước thuộc các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp; viên chức thuộc các đơn vị sự nghiệp công lập; lực lượng vũ trang nhân dân sẽ được vay vốn. Tiếp đến là người lao động thuộc các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, hợp tác xã được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật; người đã được nghỉ lao động theo chế độ quy định; người lao động tự do, kinh doanh cá thể.

* Điều kiện vay vốn có khó không, thưa ông?

+ Ưu tiên một là những người đã có hợp đồng thuê, thuê mua và mua nhà ở xã hội. Kế tiếp là người chưa có nhà ở hoặc có nhà nhưng diện tích quá chật (cụ thể là có căn hộ chung cư nhưng diện tích bình quân thấp hơn 8 m2/người hoặc có nhà ở riêng lẻ nhưng diện tích bình quân thấp hơn 8 m2/người và diện tích khuôn viên đất thấp hơn tiêu chuẩn được phép cải tạo, xây dựng theo quy định).

Người dân đang tham quan một căn hộ mẫu 39 m2 tại một chung cư ở quận 12, TP.HCM. Ảnh: HTD

Đối tượng được vay vốn phải có hộ khẩu thường trú tại tỉnh, TP trực thuộc Trung ương nơi có dự án nhà ở. Trường hợp tạm trú thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ một năm trở lên.

* Thủ tục vay như thế nào?

+ Thủ tục vay rất đơn giản. Người đã có hợp đồng thuê, thuê mua và mua nhà ở xã hội chỉ cần mang hợp đồng đến sẽ được ngân hàng cho vay, không cần phải xác minh. Vì để được ký hợp đồng, người đó đã phải đạt các điều kiện, phải có xác nhận của cơ quan, chính quyền địa phương, được xét duyệt công khai…

Riêng với người mua nhà ở thương mại có diện tích dưới 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 thì phải có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền. Ví dụ đối với người đi làm, công chức viên chức, lực lượng vũ trang… thì phải có xác nhận của cơ quan đang làm việc. Giấy xác nhận phải nêu rõ về nơi công tác, thực trạng nhà ở và chỉ xác nhận một lần.

Được mua nhà theo ý muốn

* Khi vay, người dân có được quyền lựa chọn nhà ở hay buộc phải mua căn hộ thuộc dự án do ngân hàng chỉ định?

+ Người vay được chọn mua nhà ở theo ý muốn, không bị áp đặt.

* Trường hợp số lượng người đủ điều kiện vay vốn ưu đãi quá đông thì có xét đến các tiêu chí ưu tiên nào không?

+ Ai tới trước, nộp hồ sơ trước sẽ được ngân hàng xét cho vay, đến khi hết tiền thì thôi.

* Tại sao Thông tư 11 của NHNN lại quy định người nghèo đi vay vốn ưu đãi phải có tài sản thế chấp?

+ Về nguyên tắc, ngân hàng cho vay thì họ phải có phương án thu hồi được vốn. Ngân hàng nào cũng phải làm rõ người vay có phương án trả nợ, nguồn trả nợ hay không, cụ thể lương tháng, tiền để dành được bao nhiêu phần trăm…

Câu hỏi đặt ra: Người nghèo thì lấy đâu ra tài sản để thế chấp? Trong Thông tư 11 cũng có điều kiện mở về vấn đề này. Nghĩa là tùy theo đánh giá của ngân hàng, người vay có thể không cần thế chấp tài sản. Ví dụ như ngân hàng thấy người đó vay để mua nhà đã có rồi, có nhân thân tốt, thu nhập ổn định… Còn nếu thấy đối tượng vay còn nhiều bấp bênh, ngân hàng sẽ buộc họ phải có tài sản thế chấp. Điều này là hợp lý!

Chủ đầu tư được làm trung gian

* Vậy từ ngày 1-6, người dân muốn tham gia vay gói 30.000 tỉ đồng sẽ đến đâu để làm thủ tục?

+ Họ sẽ đến các chi nhánh của năm ngân hàng thương mại nhà nước được chỉ định để nộp hồ sơ vay vốn. Hồ sơ vay gồm có đơn, hợp đồng, giấy xác nhận cơ quan nơi công tác… như đã nói ở trên.

* Thưa ông, tại sao không để các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội đứng ra làm trung gian giữa người vay với ngân hàng?

+ Theo tôi, nếu các chủ đầu tư làm được thì quá tốt. Các chủ đầu tư có thể đứng ra thống kê số lượng khách hàng cần vay, sau đó chuyển danh sách cho ngân hàng. Bởi sau này ngân hàng có giải ngân cho người vay thì cũng chuyển thẳng số tiền vay cho doanh nghiệp.

Gian dối có thể bị xử lý hình sự

Năm ngân hàng sẽ cho vay gói 30.000 tỉ đồng

- Ngân hàng TMCP Công Thương (VietinBank)

- Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV)

- Ngân hàng TMCP Ngoại Thương (VietcomBank)

- Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (Agribank)

- Ngân hàng TMCP Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long (MHB)
 

* Trường hợp người vay vốn ưu đãi gian lận về điều kiện vay thì xử lý như thế nào?

+ Các tổ chức, cá nhân có hành vi gian dối về đối tượng, điều kiện được vay sẽ bị xử lý theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý và phát triển nhà ở. Ngoài ra còn bị buộc phải trả lại số tiền đã vay, chấm dứt hợp đồng vay đã ký với các ngân hàng.

Đối với người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để cố ý xác nhận sai đối tượng đủ điều kiện được vay thì tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Người có hành vi vi phạm nếu gây thiệt hại về vật chất thì phải bồi thường.

* Nếu số tiền 30.000 tỉ đồng không đủ so với nhu cầu thực tế, Chính phủ có bổ sung thêm không?

+ Chính phủ dành 30.000 tỉ đồng là đã rất cố gắng rồi. Nguồn vốn này chiếm 15% tổng dư nợ cho vay bất động sản, trong khi tăng trưởng tín dụng chung hiện chỉ đạt 1,4%, rất thấp. trước mắt chúng ta chỉ tập trung vào gói 30.000 tỉ đồng cho vay, chưa bàn đến nguồn vốn thêm. Sau khi có tổng kết và kết quả thực hiện tốt, có hiệu ứng xã hội cao thì có thể đề xuất bổ sung.

* Xin cảm ơn ông.