Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ do TCty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư.
Cao tốc hiện đại, VEC lại được làm chủ đầu tư
Đường cao tốc Bến Lức-Long Thành đi qua địa phận TPHCM, tỉnh Long An và Đồng Nai, đây là dự án trọng điểm Quốc gia thuộc trục cao tốc Bắc-Nam, có vốn đầu tư khủng lên tới 31.320 tỷ đồng.
Dự án có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; đặc biệt là khu vực kinh tế Đông Nam Bộ; khai thác thế mạnh và phát triển kinh tế, thu hút đầu tư và du lịch của TPHCM, tỉnh Long An và tỉnh Đồng Nai.
Bên cạnh đó, đường cao tốc Bến Lức-Long Thành sẽ kết nối với đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu tạo thành một phần của tuyến Hành lang kinh tế phía Nam thuộc Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng từ Bangkok qua Phnom Penh, TPHCM-Vũng Tàu.
Sẽ khởi công tuyến đường cao tốc Bến Lức - Long Thành
|
Tổng mức đầu tư (giai đoạn I) là 31.320 tỷ đồng (tương đương 1.607 triệu USD); trong trong đó vốn vay của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) là 636 triệu USD, vốn vay của Chính phủ Nhật Bản thông qua cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) là 635 triệu USD và vốn đối ứng ngân sách Nhà nước là 337 triệu USD. Tốc độ thiết kế dự án giai đoạn I là 80Km/giờ, giai đoạn hoàn chỉnh là 100Km/giờ.
Hàng loạt công trình vừa xây xong đã lún
Trước đó, VEC đã từng đảm nhận vai trò chủ đầu tư của khá nhiều các công trình đường cao tốc. Tiêu biểu như tuyến Pháp Vân – Cầu Giẽ, cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận- Cần Thơ, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và tuyến đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.
Thế nhưng, rất nhiều dự án bị xuống cấp nhanh chóng khi đưa vào sử dụng. Dự án đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình có tổng chiều dài 50km, đi qua địa phận 3 tỉnh Hà Nội, Hà Nam và Nam Định. Dự án được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, vận tốc 100-120 km/h. Tổng mức đầu tư giai đoạn I là 8.974 tỷ đồng.
Theo kết quả Kiểm toán Nhà nước thì dự án này đã bộc lộ hàng loạt sai phạm từ khâu khảo sát, thiết kế đến thi công… dẫn đến giảm chất lượng công trình, lãng phí đầu tư.
Đặc biệt, Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ, công tác lập phương án thiết kế cơ sở cho dự án này chưa đề xuất được phương án tối ưu theo quy định, kéo theo những điều chỉnh, tổng đầu tư dự án tăng lên gần 2,5 lần, từ mức 3.734 tỷ đồng lên 8.974 tỷ đồng.
Đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình rất nhiều vết lún.
|
Hơn nữa, dù mới thông xe được hơn 5 tháng, nhưng nhiều hạng mục của công trình đã bắt đầu xuống cấp.
Như tuyến cao tốc TPHCM- Long Thành - Dầu Giây dài 55km đi qua địa bàn TPHCM và Đồng Nai, quy mô 4 làn xe, tốc độ thiết kế 120km/giờ, tổng vốn đầu tư 20.630 tỷ đồng cũng đã có dấu hiệu xuống cấp.
Theo kết quả kiểm tra của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước công tác thi công nền đường tại gói thầu 5A còn một số tồn tại, cụ thể: Vật liệu đắp còn lẫn nhiều cuội, sỏi, đá tảng to so với tiêu chuẩn cho phép, còn lẫn nhiều gốc, rễ cây; công tác thoát nước tạm tại khu vực nền đường đào chưa được quan tâm; bề mặt của nền đường không bằng phẳng.
Còn nhiều khiếm khuyết về chất lượng thi công hạng mục phụ trợ là móng cột hộ lan tại một số vị trí.
Hội đồng nghiệm thu Nhà nước cũng đã yêu cầu chủ đầu tư VEC bóc bỏ làm lại những vị trí nền đường bị hiện tượng cao su, lớp bêtông nhựa không đạt yêu cầu về độ chặt, về độ rỗng dư tại những lý trình như nêu trên; kiểm tra lại trọng lượng của lu, quy trình lu theo quy định...
Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đề nghị VEC tiếp tục theo dõi lún và có biệp pháp xử lý bù lún kịp thời đối với vị trí nền đường bị lún.
Cho đến tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai từ khi đưa vào sử dụng đến nay đã nảy sinh nhiều bất cập, gây khó khăn cho người dân sống dọc hai bên hành lang tuyến đường.
Tồn tại lớn nhất là thiếu hệ thống cống chui, đường gom dân sinh tại những điểm bất cập. Ngoài ra, việc đi lại để sản xuất cũng gặp rất nhiều khó khăn, do tuyến đường cao tốc chia đôi cánh đồng hay quả đồi. Cho đến nay, còn hai gói thầu trên tổng 8 gói thầu vẫn còn nhiều công việc chưa hoàn thiện, trong khi thời gian hoàn thiện đề án đã được kéo dài ra nhiều lần trước đó.
Như vậy, nhiều dự án đường cao tốc do VEC làm chủ đầu tư cũng gặp khá nhiều khó khăn và bất câp, thậm chí đường vừa làm xong đã bị xuống cấp. Thế nhưng, vẫn được tin tưởng giao cho làm tuyến đường cao tốc đắt nhất VN.
DiaOcOnline.vn - Theo Đất việt