Trong năm 2017, Novaland phải đối mặt với gần 6.000 tỷ đồng nợ đến hạn và gần 8.000 tỷ nợ vay tài chính dài hạn. Vậy ai đang là chủ nợ của ‘đại gia’ địa ốc này?
Ra đời năm 2007 trên cơ sở tái cấu trúc và hợp nhất các công ty con thành 2 tập đoàn Anova Corp và Novaland Group, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland) hiện nay là một trong số những đại gia trong lĩnh vực bất động sản ở TP.HCM.
Vốn tăng gấp 63 lần
Theo bản cáo bạch niêm yết của Novaland công bố cuối năm 2016, kể từ khi thành lập, Novaland đã tiến hành 12 lần tăng vốn, từ mức vốn thành lập ban đầu 95 tỷ đồng lên 5.962 tỷ đồng như hiện nay. Tương đương tăng tới 63 lần trong 9 năm hoạt động kinh doanh.
Năm 2014, vốn điều lệ Novaland mới chỉ đạt 2.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ từ tháng 6/2015 đến tháng 11/2016, doanh nghiệp này đã tăng vốn tới 8 lần, với giá trị tăng thêm 3.662 tỷ đồng.
Hai lần tăng vốn gần nhất của doanh nghiệp đều diễn ra trong tháng 11/2016. Một lần phát hành 522 tỷ đồng cổ phần riêng lẻ và chuyển đổi cổ phần ưu đãi thành cổ phần phổ thông trị giá 220 tỷ đồng.
Có thể thấy, các cổ đông của Novaland rất mạnh tay trong việc rót vốn. Nhưng trên thực tế, cơ cấu cổ đông phần lớn đều thuộc sở hữu của ông Bùi Thành Nhơn – Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Tổng cộng ông Bùi Thành Nhơn - Chủ tịch Hội đồng quản trị Novaland có liên quan tới 66,12% cổ phần tại doanh nghiệp này. Đồ họa: Quang Thắng.
|
Cụ thể, cơ cấu cổ đông hiện nay của Novaland gồm NovaGroup sở hữu 151,28 triệu cổ phiếu (25,67%). Ông Bùi Thành Nhơn nắm giữ 126,19 triệu cổ phiếu (21,41%). Diamond Properties nắm giữ 80,87 triệu cổ phiếu (13,72%). Con trai ông Nhơn là Bùi Cao Nhật Quân sở hữu 31,33 triệu cổ phiếu (5,32%).
Cả 2 công ty NovaGroup và Diamond Properties đều thuộc sở hữu của ông Bùi Thành Nhơn. Tổng cộng ông Nhơn và các cá nhân, công ty có liên quan sở hữu tới 66,12% cổ phần tại doanh nghiệp địa ốc này.
Ai đang là chủ nợ của Novaland?
Năm 2016 là năm thành công với Novaland. Từ kết quả kinh doanh đến thị trường chứng khoán, doanh nghiệp này đều để lại dấu ấn.
Về kết quả kinh doanh, năm 2016, Novaland đạt tới 7.369 tỷ đồng doanh thu, tăng 10% so với năm trước. Ghi nhận khoản lãi trước thuế kỷ lục lên tới 2.190 tỷ đồng, gấp 3,6 lần năm 2015, đây chính là doanh nghiệp bất động sản niêm yết có mức lợi nhuận cao thứ 2, sau Vingroup.
Kết quả kinh doanh của Novaland từ năm 2013 đến nay: Đồ họa: Quang Thắng.
|
Trên thị trường, thông qua hoạt động mua bán và sáp nhập, đại gia địa ốc này đã nâng số dự án triển khai của mình từ 4 dự án năm 2013 lên hơn 40 dự án năm 2016, ở phân khúc trung và cao cấp.
Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu Novaland (NVL) hiện được giao dịch quanh mức 70.000 đồng/cổ phiếu. Tổng vốn hóa doanh nghiệp địa ốc này lên tới 40.000 tỷ đồng, và là doanh nghiệp bất động sản có vốn hóa lớn thứ 2 thị trường.
Nhưng sang năm 2017, Novaland sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn, trước hết tới từ khoản nợ vay khổng lồ lên tới 13.500 tỷ đồng.
Hiện tại, đại gia địa ốc này đang có khoản nợ vay tài chính ngắn hạn lên tới 5.596 tỷ đồng, tăng hơn 3.000 tỷ đồng so với năm 2015.
Điều này đồng nghĩa với việc, ngay trong năm nay, Novaland sẽ phải đối mặt với hàng nghìn tỷ đồng nợ vay đến hạn trả. Ngoài ra, doanh nghiệp còn có khoản nợ vay dài hạn 7.907 tỷ đồng, tăng hơn 2.500 tỷ đồng so với năm 2015.
Trước đó, năm 2016, Novaland đã phải chi tới 1.115 tỷ đồng chi phí tài chính, trong đó riêng tiền trả lãi vay đã là 863 tỷ đồng, gấp 2,5 lần so với năm 2015. Với khoản nợ vay tăng mạnh trong năm qua, chưa tính tới áp lực trả nợ, chỉ riêng chi phí lãi vay năm 2017, Novaland chắc chắn sẽ phải chi trả rất nhiều.
Cơ cấu nợ vay tài chính ngắn hạn và dài hạn của Novaland hiện nay. Đồ họa: Quang Thắng.
|
Năm vừa qua, doanh nghiệp cũng phát sinh mới nhiều khoản vay ngân hàng, như vay Sacombank 410 tỷ đồng thông qua 2 hợp đồng tín dụng. Cùng với đó là các khoản vay phát sinh mới và sẵn có tại TPBank, SeaBank, VietCapital Bank, NCB, NamABank…
Đặc biệt là khoản vay dài hạn tại Vietinbank - Chi nhánh TP.HCM với giá trị 1.206 tỷ đồng, nằm trong hợp đồng tín dụng có giá trị 3.400 tỷ với thời hạn 2 năm kể từ ngày 3/8/2016. Các khoản vay dài hạn trị giá 250 tỷ đồng tại Sacombank - Sở giao dịch; 250 tỷ đồng tại TPBank - Chi nhánh Sài Gòn; 200 tỷ đồng của VPBank - Chi nhánh TP.HCM…
Đáng chú ý, Novaland hiện có khoản nợ bên thứ 3 trị giá 3.094 tỷ đồng sẽ hết hạn trong năm 2017, và chủ nợ chính là Công ty CP Kinh doanh Nhà Nova của ông Bùi Thành Nhơn.
Nói cách khác, Novaland đang vay tiền của chính ông chủ mình.
Ngoài ra, đại gia địa ốc này cũng đang vay 1.367 tỷ đồng của Ngân hàng Credit Suisse AG - Chi nhánh Singapore, nằm trong hợp đồng tín dụng 100 triệu USD. Cùng với khoản vay 1.140 tỷ đồng tại Gw Supernova Pte.Ltd, trong hợp đồng tín dụng trị giá 50 triệu USD có thời hạn 3 năm kể từ tháng 12/2016.
DiaOcOnline.vn - Theo Zing