Ai có đủ thẩm quyền chấp thuận đầu tư các dự án phát triển đô thị?

Cập nhật 01/02/2013 09:04

Theo Nghị định Quản lý Đầu tư phát triển đô thị mới được ban hành, UBND cấp tỉnh có quyền quyết định chấp thuận đầu tư đối với các dự án có quy mô sử dụng đất từ 20ha đến dưới 100ha sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Xây dựng.

Ngày 14/01/2013 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 11/2013/NĐ- CP về Quản lý Đầu tư phát triển đô thị (PTĐT). Nghị định gồm 6 chương, 53 điều này sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/3/2013, thay thế Nghị định 02/2006/NĐ-CP.

Điều kiện để trở thành chủ đầu tư dự án

Theo Nghị định 11/2013/NĐ-CP, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng khu đô thị (KĐT) là cơ quan nhà nước thì phải có chức năng phù hợp với việc thực hiện dự án, có đề xuất dự án hợp lý, phù hợp quy hoạch và kế hoạch triển khai khu vực PTĐT.

Đối với doanh nghiệp, một trong những điều kiện để trở thành chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng KĐT là có vốn đầu tư thuộc sở hữu của mình không thấp hơn 15% tổng mức đầu tư của dự án có quy mô sử dụng đất dưới 20 ha, không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư của dự án có quy mô sử dụng đất từ 20 ha trở lên đối với các dự án đầu tư xây dựng KĐT; có vốn đầu tư thuộc sở hữu của mình không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư của dự án đối với các dự án còn lại.

Nghị định mới ra đời giúp phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch. (Ảnh minh họa)

Đối với chủ đầu tư là tổ chức chính trị, chính trị xã hội, xã hội nghề nghiệp phải có chức năng phù hợp với việc thực hiện dự án; có đề xuất dự án hợp lý, phù hợp quy hoạch, kế hoạch triển khai khu vực PTĐT và chỉ được thực hiện dự án trong phạm vi sử dụng đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao quản lý sử dụng để phục vụ các hoạt động theo chức năng nhiệm vụ được giao.

Nghị định cũng quy định nghĩa vụ của chủ đầu tư cấp 1, chủ đầu tư thứ cấp và thay đổi chủ đầu tư…

Việc lựa chọn chủ đầu tư, theo Nghị định, được thực hiện thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án hoặc áp dụng hình thức chỉ định trực tiếp theo các  quy định của pháp luật về đất đai, nhà ở và pháp luật có liên quan. UBND cấp tỉnh ra quyết định lựa chọn chủ đầu tư căn cứ trên kết quả đấu thầu, đấu giá hoặc quyết định giao chủ đầu tư trong trường hợp chỉ định trực tiếp. Riêng đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách, người có thẩm quyền quyết định đầu tư là người có thẩm quyền quyết định lựa chọn chủ đầu tư.

Thẩm quyền chấp thuận đầu tư của các cấp đến đâu?

Nghị định cũng quy định thẩm quyền chấp thuận đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng KĐTM, dự án tái thiết đô thị, dự án bảo tồn tôn tạo đô thị, dự án cải tạo chỉnh trang đô thị, dự án đầu tư xây dựng KĐT hỗn hợp.

Cụ thể, đối với các dự án đầu tư xây dựng KĐTM, Thủ tướng Chính phủ quyết định chấp thuận đầu tư sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Xây dựng đối với các dự án có quy mô sử dụng đất từ 100ha trở lên; dự án thuộc địa giới hành chính của hai tỉnh trở lên hoặc khu vực có ý nghĩa quan trọng về an ninh, quốc phòng.

UBND cấp tỉnh quyết định chấp thuận đầu tư đối với các dự án có quy mô sử dụng đất từ 20ha đến dưới 100ha sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Xây dựng. UBND cấp tỉnh quyết định chấp thuận đầu tư các dự án còn lại.

Đối với dự án tái thiết KĐT, Thủ tướng Chính phủ quyết định chấp thuận đầu tư sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Xây dựng đối với các dự án có quy mô sử dụng đất từ 50ha trở lên và các dự án có vị trí thuộc khu vực có ý nghĩa quan trọng về an ninh, quốc phòng.

UBND cấp tỉnh quyết định chấp thuận đầu tư sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Xây dựng đối với các dự án có quy mô sử dụng đất từ 10ha đến 50ha; các dự án thuộc khu vực hạn chế phát triển hoặc nội đô lịch sử (được xác định trong các đồ án quy hoạch chung) của đô thị loại đặc biệt; các dự án thuộc phạm vi bảo vệ của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di sản cấp quốc gia, cấp quốc gia đặc biệt. UBND cấp tỉnh quyết định chấp thuận các dự án còn lại.

Đối với các dự án bảo tồn, tôn tạo KĐT, UBND cấp tỉnh quyết định chấp thuận đầu tư sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Xây các trường hợp: Dự án thuộc khu vực có ý nghĩa quan trọng về an ninh quốc phòng, khu vực di tích cấp quốc gia, quốc gia đặc biệt được cấp có thẩm quyền công nhận tại các đô thị; dự án thuộc khu vực hạn chế phát triển hoặc nội đô lịch sử (được xác định trong các đồ án quy hoạch chung) của đô thị loại đặc biệt. UBND cấp tỉnh quyết định chấp thuận đầu tư các dự án còn lại.

Đối với các dự án cải tạo chỉnh trang KĐT, UBND cấp tỉnh ra quyết định chấp thuận đầu tư các dự án trên không phân biệt quy mô theo các quy định của pháp luật về xây dựng, Nghị định 11/2013/NĐ-CP và pháp luật có liên quan.

Đối với các dự án đầu tư xây dựng KĐT hỗn hợp, thẩm quyền chấp thuận đầu tư thực hiện theo các quy định như đối với dự án tái thiết KĐT nếu trong ranh giới dự án có phần diện tích tái thiết quy mô sử dụng đất từ 10ha trở lên; phần diện tích tái thiết của dự án nằm trong khu vực có ý nghĩa quan trọng về an ninh quốc phòng, khu vực hạn chế phát triển hoặc nội đô lịch sử (được xác định trong các đồ án quy hoạch chung) của đô thị loại đặc biệt, đô thị có di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di sản cấp quốc gia, cấp quốc gia đặc biệt.

Đối với các dự án còn lại, thẩm quyền chấp thuận đầu tư dự án đầu tư xây dựng KĐT hỗn hợp thực hiện theo các quy định như đối với dự án đầu tư xây dựng KĐTM.

Nghị định cũng quy định bổ sung thực hiện các quy định như đối với dự án bảo tồn tôn tạo tại Điều 40 của Nghị định này nếu trong ranh giới dự án có công trình được cấp có thẩm quyền xác định là di sản văn hóa.

Như vậy là so với Nghị định 02/2006/NĐ-CP, Nghị định 11/2013/NĐ-CP tăng cường vai trò giám sát của Bộ Xây dựng trong lĩnh vực PTĐT và làm rõ những trường hợp thuộc thẩm quyền của Thủ tướng và những trường hợp phải có ý kiến của Bộ Xây dựng trước khi địa phương phê duyệt đầu tư.

“Trước đây hầu hết các địa phương căn cứ quy hoạch chung được phê duyệt để giới thiệu địa điểm cho các nhà đầu tư theo “vết loang” của đô thị mà không có trọng tâm, trọng điểm, thiếu quy hoạch và kế hoạch dẫn đến tình trạng đầu tư dàn trải theo phong trào, thiếu đồng bộ, không khớp nối được hạ tầng kỹ thuật chung” – ông Đỗ Viết Chiến – Cục trưởng Cục Phát triển Đô thị (Bộ Xây dựng) nhận xét.

Còn theo Nghị định mới sẽ phải làm quy hoạch phân khu trước toàn bộ khu vực phát triển đô thị, trên nền quy hoạch phân khu mới hình thành dự án làm cơ sở để lập quy hoạch chi tiết 1/500 và lập dự án đầu tư xây dựng, như thế sẽ khắc phục được tình trạng bất cập nêu trên. Nghị định cũng quy định rõ các loại đô thị phải xác định khu vực phát triển đô thị.

DiaOcOnline.vn - Theo Giáo Dục