Ai cho phép xài đất của người khác?

Cập nhật 11/10/2018 10:14

Để đất trống vì chưa có nhu cầu sử dụng, hơn hai năm sau, chủ đất tá hỏa khi biết có người lén mở quán nhậu trên đất của mình từ lâu…

Ngày 11-4-2016, vợ chồng ông NĐT (ngụ TP Hà Nội) được nhận giấy hồng lô đất số 15-B6.4 đường Nguyễn Tất Thành (phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) sau khi mua lại từ người khác. Lô đất này có diện tích 125 m2, mục đích sử dụng là đất ở tại đô thị, thời hạn sử dụng lâu dài.

Lén mở quán, đòi tiền đền bù xây quán

Do chưa có nhu cầu sử dụng, ông T. đã để trống lô đất. Đến tháng 5-2018, ông T. có ý định xây nhà ở cho thuê nên nhờ ông Trần Trung Hiếu (ngụ Đà Nẵng) đến kiểm tra đất.

Đến nơi, ông Hiếu giật mình khi thấy trên lô đất của ông T. đã… mọc lên một quán nhậu mang tên Sơn Tùng từ lâu. Ông Hiếu kể ông yêu cầu chủ quán nhậu dời đi để trả lại đất cho ông T. nhưng chủ quán không chịu mà còn… đòi tiền đền bù xây quán.

Biết chuyện, quá bức xúc, ông T. đã ủy quyền cho ông Hiếu làm đơn yêu cầu UBND phường Xuân Hà giải quyết. UBND phường Xuân Hà hai lần mời ông Hiếu và chủ quán Sơn Tùng đến làm việc nhưng chủ quán nhậu này đều vắng mặt.

Gần đây nhất, chiều 9-10, trong buổi làm việc giữa ông Hiếu với Đội quy tắc đô thị quận Thanh Khê, chủ quán nhậu Sơn Tùng cũng vắng mặt không lý do. Tại buổi làm việc, đội quy tắc đô thị yêu cầu ông T. phải gửi bản cam kết rằng từ ngày nhận chuyển nhượng lô đất trên đến thời điểm hiện tại, ông T. không ký bất kỳ một bản hợp đồng chuyển nhượng hoặc cho thuê cũng như hợp đồng miệng. Đội quy tắc cũng có yêu cầu tương tự với ông Hiếu (kể từ thời điểm nhận ủy quyền).

Ông Hiếu đã xác nhận cam kết đúng yêu cầu, đồng thời cho biết bản cam kết của ông T. sẽ được gửi đến UBND quận Thanh Khê sau vài ngày.

Quán nhậu lén mọc trên đất của ông T. đã đóng cửa, tháo biển và chủ quán đã bỏ đi đâu không rõ. Ảnh: T.VIỆT

Sẽ cưỡng chế tháo dỡ quán

Hiện quán Sơn Tùng đã đóng cửa, tháo biển chỉ để lại một số vật dụng bên trong.

Trao đổi với PV chiều 10-10, ông Nguyễn Văn Hải (Chủ tịch UBND phường Xuân Hà) thừa nhận rằng các đơn vị quản lý liên quan không biết quán nhậu Sơn Tùng mọc lên lúc nào. Chủ quán đã tự ý dựng quán, làm lén lút.

PV đặt vấn đề về trách nhiệm quản lý địa bàn, kinh doanh buôn bán của phường thì ông Hải không đi thẳng vào câu hỏi mà cho rằng đã giao cho đội quy tắc đô thị rà soát lại toàn bộ đất trống trên địa bàn phường để nắm tình hình. Ông Hải cũng cho hay thẩm quyền của phường không thể tổ chức cưỡng chế quán nhậu Sơn Tùng.

Trong khi đó, trả lời PV, ông Nguyễn Văn Tĩnh (Chủ tịch UBND quận Thanh Khê) cho hay đã giao cho Đội quy tắc đô thị quận tham mưu phương án giải quyết. “Chắc là sẽ theo hướng cưỡng chế tháo dỡ quán nhưng hiện không biết tung tích chủ quán nhậu đó nên lực lượng quy tắc phải giám sát, chuẩn bị thủ tục cưỡng chế kỹ càng. Chứ không biết tài sản nào còn trong quán của họ, sau này chủ quán trở lại nói mất tài sản hay tranh chấp gì nữa thì sao” - ông Tĩnh nói.

Đất có chủ, Đà Nẵng cho người khác… dùng tạm?!

Khi làm việc, ông Nguyễn Văn Hải (Chủ tịch UBND phường Xuân Hà) cung cấp cho PV Quyết định số 39 ngày 29-10-2014 của UBND TP Đà Nẵng.

Quyết định 39 quy định các chủ sử dụng lô đất có trách nhiệm giữ gìn vệ sinh môi trường tại lô đất hiện do mình đang quản lý, sử dụng. Khi có ô nhiễm môi trường phải có trách nhiệm dọn vệ sinh đảm bảo môi trường và cảnh quan đô thị. Chủ sử dụng đất phải hoàn thành việc chi trả chi phí (chi phí dọn vệ sinh - PV) trước khi giải quyết các thủ tục về cấp phép xây dựng, cấp, chuyển đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất và thực hiện quyền của người sử dụng đất theo quy định.

Đáng chú ý, Quyết định 39 có quy định: “Trong trường hợp có ô nhiễm đối với lô đất nhưng chủ sử dụng không có biện pháp khắc phục thì cơ quan nhà nước sẽ thực hiện các biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường, giao tổ chức, cá nhân khác sử dụng tạm thời và chủ sử dụng đất phải có trách nhiệm hoàn trả chi phí dọn vệ sinh theo quy định”.

Tiếp đó, năm 2017, UBND quận Thanh Khê ban hành Kế hoạch 397 về quản lý, xử lý môi trường đối với các lô đất trống trên địa bàn quận. Nội dung Kế hoạch 397 yêu cầu UBND các phường thuộc quận thông báo cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng tạm thời lô đất trống trên địa bàn phường biết chủ trương của UBND TP và UBND quận về việc cho phép sử dụng tạm thời. Trường hợp có nhu cầu sử dụng thì lập phương án cụ thể cho từng trường hợp, báo cáo UBND quận xem xét, quyết định.

Nói về chủ trương trên của UBND TP Đà Nẵng và UBND quận Thanh Khê, luật sư Lê Cao (Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng) nhận định khi chủ sử dụng đất chưa sử dụng đất thì chính quyền địa phương cũng không thể vì thế mà có quyền cho phép cá nhân, tổ chức khác sử dụng đất khi chưa có sự đồng ý của chủ sử dụng đất.

“Quyền sử dụng đất hợp pháp của người dân được pháp luật bảo hộ. Nếu chính quyền địa phương cho phép sử dụng đất của người khác một cách tùy tiện, trái phép như thế, dù chỉ là tạm thời cũng sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy, tranh chấp rắc rối xảy ra. Dù vì mục đích môi trường hay gì đi chăng nữa thì chính quyền địa phương cũng không thể làm việc này vì nó hoàn toàn trái pháp luật” - luật sư Lê Cao nhấn mạnh.


DiaOcOnline.vn - Theo PLO