83% khiếu nại tố cáo ở TPHCM liên quan đến đất đai, đền bù giải tỏa

Cập nhật 05/11/2016 10:17

Khiếu nại tố cáo ở TPHCM có đến 83% liên quan đến đất đai, đền bù giải tỏa, các tỉnh khác cũng tương tự.

83% khiếu nại tố cáo ở TPHCM liên quan đến đất đai. Ảnh minh họa

Ngày 4/11 tại TP.HCM đã diễn ra hội nghị Tổng kết 4 năm thi hành Luật khiếu nại, Luật Tố cáo trên địa bàn TP.

Tại đây, ông Võ Văn Đồng - Cục trưởng Cục 3 (Cục Giải quyết khiếu nại, tố cáo và Thanh tra khu vực 3) Thanh tra Chính phủ đã có những phát biểu rất thẳng thắn.

Ông Đồng cho rằng hạn chế hiện nay là Luật thay đổi nhiều, do đó mỗi lần thực hiện lại có “chuyệch choạc giữa thực tiễn và quá trình giải quyết. Luật ra đời thì thời gian rất ngắn phải sửa đổi các quy định liên quan.

“Khiếu nại tố cáo ở TPHCM có đến 83% liên quan đến đất đai, đền bù giải tỏa, các tỉnh khác cũng tương tự" – Vị Cục trưởng thừa nhận.

Trong quá trình giải quyết lại nảy sinh tình trạng mỗi tỉnh làm mỗi khác nên cũng có những phát sinh.

Quay trở lại vấn đề bồi thường, giải tỏa đất, theo ông Đồng việc cơ chế chính sách, quy định bồi thường cứ vài năm lại thay đổi đã làm vấn đề này thêm khó.

“Bồi thường giải tỏa đất, người trước chấp hành tốt thì cảm thấy bị thiệt thòi, còn người chây lì, cương quyết khiếu nại thì quyền lợi được đảm bảo hơn, dẫn đến sự so bì giữa người trước với người sau và gây ra nhóm khiếu nại đông người vô cùng phức tạp”.

“Có người mẹ ở An Giang lên TP đi bán vé số nuôi con, dù được đền bù gần 2 tỷ nhưng bà không nhận. Dù họ rất nghèo nhưng nhất quyết không nhận vì cho rằng bất công, so với người trước đó thì họ bị thiệt, nó chỉ đơn giản như vậy thôi”.

Từ thực tế đó ông Đồng nhấn mạnh: “Pháp luật có tốt, tối ưu như thế nào đi chăng nữa thì người giải quyết, cơ quan giải quyết phải có trách nhiệm, phải thật sự công tâm”.

Cục trưởng Cục Giải quyết khiếu nại, tố cáo và Thanh tra khu vực 3 cũng lấy kinh nghiệm một sốt nước mà ông đã đến tham quan chia sẻ kinh nghiệm: “Ở Nhật Bản họ có một hội đồng riêng, nhà nước không tham gia, khi người ta thu hồi đất thì không chỉ tính bằng giá thị trường, hoặc cao hơn thị trường, mà còn tính cả giá trị vô hình".

Ví dụ như khu đất đó của cha ông người ta để lại và gắn với nhiều kỷ niệm, giá trị kỷ niệm đó cũng được cộng vào khi tính tiền đền bù. Do vậy nhiều người rất vui vẻ vì sau khi đền bù đất đời sống khá lên, ông Đồng cho biết.


DiaOcOnline.vn - Theo Infonet