“70% khiếu kiện về đất đai là do đền bù chưa thỏa đáng”

Cập nhật 14/02/2014 16:04

Phần lớn vụ khiếu kiện liên quan đến đất đai xuất phát từ việc đền bù chưa thỏa đáng. (Ảnh: TTXVN)

Chỉ ra nguyên nhân khiến tình trạng khiếu kiện đất đai đang phổ biến tại nhiều địa phương, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang khẳng định trong số hàng ngàn vụ khiếu kiện liên quan đến đất đai trong thời gian qua, có tới 70% vụ là do giá bồi thường chưa thỏa đáng.

Phát biểu tại Hội thảo về các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai, do Tổng cục Quản lý đất đai tổ chức sáng nay (14/2), Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho rằng đất đai là vấn đề rất nhạy cảm và phức tạp, nhất là việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang, qua thống kê các vụ khiếu kiện cho thấy, đất nông nghiệp là loại đất rất nhạy cảm, bởi sự xuất hiện của các khu công nghiệp cũng khiến tình hình khiếu kiện về đất nông nghiệp diễn biến phức tạp hơn. Trong khi đó, 70% dân cư ở nước ta sống dựa vào đất nông nghiệp.

Ngoài ra, "khung giá đất thị trường hiện vẫn có sự chênh lệch rất lớn giữa quy định cũ và quy định mới. Ví dụ, khung giá đất trước đây quy định 1.000 đồng/m. Và, nếu cứ áp dụng khung giá này thì việc bồi thường theo giá thị trường còn có nghĩa gì,” Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang nhấn mạnh.

Do vậy, để giảm khiếu kiện kiện liên quan đến đất đai, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho rằng vấn đề bồi thường phải được nghiên cứu thỏa đáng, cân xứng và phù hợp với giá thị trường tại các địa phương.

Tham gia góp ý các dự thảo Nghị định thi hành Luật Đất đai lần này, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai, Doãn Văn Hưởng cũng cho biết, các dự thảo Nghị định thi hành Luật Đất đai vẫn còn nhiều khiếm khuyết, nhất là các quy định liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất...

Theo ông Hưởng, tại Khoản 3, Điều 12 dự thảo quy định các sở, ngành trong tỉnh có trách nhiệm xác định nhu cầu sử dụng đất và đề xuất các công trình có tầm quan trọng cấp tỉnh của sở, ngành theo từng đơn vị hành chính cấp huyện. "Có thể thấy, quy định này còn mang tính chung chung, chưa thật sự rõ ràng," ông Hưởng nhấn mạnh.

Theo đó, ông Hưởng đề nghị quy định rõ khái niệm thế nào là “công trình có tầm quan trọng cấp tỉnh của sở, ngành” và cần phải quy định cụ thể về quy mô, khối lượng, diện tích đất sử dụng để thống nhất thực hiện trên phạm vi toàn toàn quốc.

Tương tự, Điều 3 quy định về bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại khi nhà nước thu hồi đất cũng còn mâu thuẫn. Do vậy, ông Hưởng đề nghị sửa lại cụm từ “san lấp mặt bằng” thành “san tạo mặt bằng” để tránh tình trạng hiểu lầm chỉ bồi thường chi phí đầu tư còn lại đối với trường hợp san lấp các hủm hố tạo ra mặt bằng, còn trường hợp san gạt đồi tạo mặt bằng thì không bồi thường.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai cũng đề nghị quy định thêm đối với các trường hợp được bồi thường chi phí trong hộ gia đình có người trực tiếp sản xuất nông nghiệp, có người không trực tiếp sản xuất nông nghiệp, để đảm bảo quyền lợi cho các đối tượng trực tiếp sản xuất nông nghiệp trong một hộ gia đình.

Ví dụ, một hộ gia đình có năm người, trong đó có ba người trực tiếp sản xuất nông nghiệp sống chính bằng sản xuất nông nghiệp, có hai người là công chức nhà nước được hưởng lương, trong trường hợp này phải hỗ trợ cho ba người trực tiếp sản xuất nông nghiệp và không hỗ trợ cho hai2 người đã được hưởng lương.

Về phía tỉnh Thừa Thiên Huế, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Đình Đấu cũng đề nghị (điều 17) quy định việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư riêng cho từng trường hợp: đất ở bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và đất có nguy cơ sạt lở, sụt lún vì hai trường hợp này hoàn toàn khác nhau../.


DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamplus