Sự “tê liệt” của thị trường bất động sản (BĐS) hiện nay cùng với chính sách thắt chặt tiền tệ sẽ khiến nhiều người lo nghĩ về thị trường này sẽ ra sao trong 6 tháng cuối năm?
Những nhận định của các chuyên gia trong ngành BĐS sau đây chắc chắn sẽ giúp chúng ta có cái nhìn bao quát nhất về thị trường BĐS thời gian tới.
Ông Trần Như Trung, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn, Savills Việt Nam
Thị trường BĐS cũng như các lĩnh vực kinh tế khác đang chịu tác động nhất định của chính sách thắt chặt tiền tệ. Các chính sách này đang dần có kết quả ở phương diện kinh tế vĩ mô. Trong 6 tháng cuối năm hy vọng các kết quả nêu trên càng được rõ nét ở phương diện kiểm soát được mức lạm phát theo kế hoạch, một trong những tiêu chí tiên quyết để có thể có nhiều điều kiện về vốn hơn trong phát triển BĐS.
Tuy vậy, thị trường BĐS vẫn là một kênh đầu tư hiệu quả và đáng quan tâm. Những suy giảm đang thảo luận thực ra còn có nguyên nhân khách quan, thị trường BĐS có tính chu kỳ, một chu kỳ có thể dự báo được.
Tại thời điểm này, thị trường suy giảm, thị trường vẫn trong quá trình thanh lọc và lựa chọn các dự án, sản phẩm phù hợp.
Nguồn cung tương lai theo các dự báo trước kia có thể sẽ được điều chỉnh khi chủ đầu tư thay đổi kế hoạch kinh doanh. Người mua sản phẩm vẫn tiếp tục có những thuận lợi hơn trong lựa chọn các sản phẩm. Tóm lại, đây là thời điểm thích hợp để việc nghiên cứu, khảo sát và chuẩn bị đầu tư triển cho sự hồi phục thị trường trong các năm tiếp theo.
Ông Trần Kim Chung, Trưởng ban Nghiên cứu chính sách đầu tư của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM)
Thị trường BĐS từ 6.2011 – 1.2012 có 3 kịch bản. Kịch bản thứ nhất, với giả định tất cả không có gì thay đổi về chính sách, tình hình kinh tế trong nước và thế giới không có biến động thì thị trường BĐS sẽ suy yếu dần và không có cơ hội phục hồi. Lý do cơ bản là thị trường không có nguồn vốn bổ sung trong khi lãi vay ngân hàng quá lớn nên không thể phục hồi được.
Kịch bản thứ hai, giả định duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, tiếp tục cắt giảm đầu tư công, lạm phát tiếp tục ở mức cao (trên 15%, thậm chí xấp xỉ 20%) thì thị trường BĐS sẽ lâm vào tình trạng đóng băng, các dự án BĐS sản sẽ đình trệ, doanh nghiệp sẽ rơi vào tình trạng khó khăn toàn diện. Thậm chí, tình trạng phá sản có thể xảy ra đối với những dự án, doanh nghiệp, nhà đầu tư mất khả năng thanh toán.
Kịch bản thứ 3, giả sử chính sách có thay đổi. Cụ thể, chính sách tiền tệ được nới lỏng từ sau tháng 7.2011 và văn bản pháp quy về thị trường thế chấp thứ cấp được ban hành. Đồng thời, nghị định hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi bổ sung Luật Chứng khoán với những nội dung về quỹ đầu tư BĐS được ra đời, văn bản pháp lý về quỹ tiết kiệm tương hỗ BĐS được ban hành.
Khi đó, thị trường BĐS có thể có những xung lực mới, tuy không bùng phát nhưng có thể đi lên vào cuối năm 2011.
Ông Trương Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam
Thị trường trầm lắng do nhiều nguyên nhân khác nhau, do quy luật chung vì đã là thị trường thì phải có lúc lên, lúc xuống. Vừa qua, có một số yếu tố tác động tới thị trường như Nghị định, thắt chặt tín dụng, thị trường chứng khoán giảm sâu, kinh tế vĩ mô bất ổn… khiến cho thị trường trầm lắng. Hiện tượng nay cũng phù hợp với hoàn cảnh hiện nay.
Với những tín hiệu khả quan từ Chính phủ, cộng với những kiến nghị giải cứu thị trường, 6 tháng cuối năm tôi nghĩ khả năng việc nới lỏng thị trường tín dụng là có thể. Khó khăn của nền kinh tế giới nói chung, Việt Nam nói riêng, thị trường BĐS sẽ khởi sắc trở lại.
DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động