6 nghịch lý của bất động sản Việt Nam

Cập nhật 20/11/2013 13:26

Gs. TsKh Đặng Hùng Võ vừa tổng kết 6 nghịch lý điên rồ của thị trường bất động sản Việt Nam tại Hội thảo giải pháp quản lý rủi ro, giải quyết xung đột trong thị trường bất động sản do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) sáng 19/11.


1. Giá nhà ở trung bình cao cấp 25 lần thu nhập trung bình năm của người lao động (trong khi ở các nước tỷ lệ này là 2 – 4 lần)

2. Thừa cung nhà ở giá cao đã tạo nên kho bất động sản tồn đọng gắn với nợ xấu mà không có cầu, trong khi đó thiếu cung trầm trọng đối với nhà ở giá thấp (cầu rất cao).

3. Bất động sản tồn đọng nhiều nhưng giá bất động sản chỉ hạ tới mức nhất định, không có hiện tượng phá giá vì tồn đọng chủ yếu từ vốn góp của của người tiêu dùng trong phương thức “mua nhà trên giấy”, vốn tín dụng từ ngân hàng chiếm tỷ lệ không cao và có một lượng vốn khá lớn từ các ngân hàng thương mại đầu tư trực tiếp cho thị trường bât động sản chứ không thông qua cơ chế vay tín dụng.

4. Các nhà đầu tư bất động sản nói rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn, gần như phá sản nhưng trên thực tế, vẫn có tới 80% doanh nghiệp đang kinh doanh có lãi, thực – hư quả khó lường!

5. Giá nhà ở xã hội với nhiều ưu đãi của Chính phủ có giá cao hơn nhà ở thương mại giá thấp cùng loại, nhà ở xã hội đang được quản lý theo cơ chế thuần túy bao cấp trong khi giá nhà ở thương mại được hình thành từ cạnh tranh trên thị trường.

6. Gói tín dụng ưu đãi cho người có thu nhập thấp mua nhà đã sẵn sàng với giá trị lên tới 21.000 tỷ đồng nhưng người có nhu cầu rất khó tiếp cận vốn, chưa biết bao giờ mới giải ngân xong và liệu người có thu nhập tháp thực sự có tiếp cận được ưu đãi này (?)!

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư