Lợi dụng sự cả tin của nhiều người mà một số đối tượng cò sẵn sàng đưa ra các chiêu trò lừa đảo khiến không ít khách hàng đầu tư bất động sản bị mất trắng hàng trăm, thậm chí cả tỷ đồng.
Dưới đây là 6 mánh lừa đảo đất nền phổ biến trên thị trường hiện nay:
Chiếm dụng tiền đặt cọc
Thời gian gần đây xuất hiện tình trạng một số doanh nghiệp địa ốc rao bán các dự án đất nền “ma” để chiếm đoạt tiền cọc của khách hàng. Họ thường cho môi giới gọi điện thoại mời khách đến địa điểm xem nền đất, nhưng thực tế là đất quy hoạch dành cho công trình công cộng, chưa được phê duyệt cho dự án nào.
Thậm chí, một số công ty còn chào bán công khai trên website với bản đồ quy hoạch, sa bàn dự án rất bắt mắt để thu hút người mua. Hầu hết những dự án này thường được chọn ở vị trí đẹp, gần các tuyến đường lớn, gần trường, chợ… và được rao bán với giá thấp hơn hẳn mức chung của thị trường.
Để chiếm được lòng tin của khách hàng, họ còn tổ chức cho nhân viên dẫn dụ khách đến xem trực tiếp khu đất dự án, rồi “bày binh bố trận” cảnh người người chen nhau mua bán, ký hợp đồng và thanh toán tiền ngay trước mặt người đi xem đất nhằm tạo độ “hot” cho dự án.
Các vụ việc gây chấn động dư luận thời gian qua như: Công ty Alibaba bán đất nền tại nhiều dự án “ma”, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của hàng nghìn khách hàng; Công ty Hoàng Kim Land, có trụ sở quận 7 nhưng lừa bán khu đất gần hẻm 175/2 Hồ Văn Long, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân…
Giả ngân hàng thanh lý nhà đất
Để thu hút khách mua đất nền vùng ven, một số đối tượng cò đất nghiệp dư đã tung ra những thông tin quảng cáo vô cùng hấp dẫn như "bán đất nền ngân hàng thanh lý giá rẻ tại quận 2, quận 9, Thủ Đức"... hoặc mạo danh là nhân viên ngân hàng để tạo niềm tin với khách.
Theo lời kể của chị Trần Thị Thảo, ngụ tại quận Bình Tân, TP.HCM, gần đây chị nhận được điện thoại từ nhân viên công ty môi giới bất động sản tại quận 2 giới thiệu công ty có hơn 10 lô đất phân lô tại đường Trần Não (quận 2, TP.HCM) do ngân hàng thanh lý với giá chỉ 850 triệu đồng/lô 60m2.
Theo giới thiệu, khu đất thanh lý được chủ cũ thế chấp tại ngân hàng nhưng đã mất khả năng trả nợ. Do đó, ngân hàng liên kết với công ty bất động sản làm lại hạ tầng, phân lô bán nền, sau đó phát triển thành khu dân cư. Nhân viên này còn cam kết sau khi thanh toán 95%, khách hàng sẽ được làm thủ tục sang tên, công chứng luôn. Nếu mua theo hình thức trả chậm, khách hàng chỉ cần thanh toán trước 50%, số còn lại trả chậm trong 6 tháng không lãi suất.
Tuy nhiên, khi chị Thảo đề nghị được xem giấy tờ và vị trí lô đất trước khi mua thì nhân viên môi giới nói sổ đang được thế chấp tại ngân hàng và lô đất đang xây dựng hạ tầng nên chưa thể coi được. Nếu nhẹ dạ mua những lô đất nền nói trên, khách hàng rất dễ gặp rủi ro.
Thực tế, đã có những trường hợp khách hàng "tiền mất tật mang" khi mua phải đất nền đã bị các đơn vị môi giới tự ý nâng giá bán, thay đổi tên dự án, sau đó thu tiền và chiếm đoạt tài sản.
Mạo danh chính quyền, chủ đầu tư uy tín lừa bán đất
Thời gian qua, hàng loạt công ty bất động sản có uy tín trên thị trường đã lên tiếng tố cáo nhiều cá nhân, tổ chức lập website mạo danh công ty để thực hiện hành vi lừa đảo khách hàng.
Theo đó, các website mạo danh này ngang nhiên sử dụng trái phép hình ảnh và đưa ra nhiều tài liệu sai lệch về dự án, ghi số điện thoại giả mạo. Thậm chí, có website còn đăng tải thông báo về việc thay mặt chủ đầu tư nhận tiền đặt cọc, giữ chỗ và đưa ra giá bán thấp hơn nhiều so với mức dự kiến của chủ đầu tư với mục đích để “dụ” khách hàng.
Anh Nguyễn Thanh Huy (TP.HCM) kể, có một lần anh đọc được thông tin trên mạng về một dự án tại huyện Củ Chi có mức giá chỉ 5 triệu đồng/m2 và cam kết có sổ hồng ngay khi mua đất.
Trong phần giới thiệu về dự án, nhân viên môi giới đã mạo danh UBND huyện Củ Chi với thông báo: “Nhằm phát triển quỹ đất huyện Củ Chi, hiện nay, UBND huyện đang công bố mở bán 50 nền 5x18, 5x20 ngay mặt tiền Quốc lộ 22 để phục vụ cho người dân và nhà đầu tư với giá 5 triệu đồng/m2. Để đảm bảo cho thị trường mua bán diễn ra ổn định, UBND huyện liên kết, bàn giao chủ đầu tư Cát Tường Sài Gòn chịu trách nhiệm phân phối sản phẩm, với nhiều chương trình ưu đãi như chiết khấu 5%/hợp đồng, phiếu bốc thăm trúng xe SH, máy lạnh, tivi, điện thoại…”.
Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu kỹ, anh Huy phát hiện trên thị trường không có chủ đầu tư nào có tên Cát Tường Sài Gòn (mà chỉ có Công ty Cát Tường). UBND huyện Củ Chi cũng không liên kết với bất cứ doanh nghiệp nào để bán đất.
Trước đó, Công ty cổ phần địa ốc Him Lam cũng đã lên tiếng cảnh báo khách hàng tránh bị lừa khi nhiều công ty địa ốc lấy tên công ty đặt tên cho các dự án phân lô bán nền “ma” tại Long An.
Một lô đất nhưng bán cho nhiều người
Hình thức này thường được các đối tượng lừa đảo sử dụng ở những mảnh đất, ngôi nhà đang đợi làm thủ tục chuyển đổi, ra sổ, đợi đền bù… Vì chưa có giấy tờ, không thể mua bán qua công chứng, nên hầu hết các giao dịch được thực hiện bằng giấy tờ viết tay. Với một mảnh đất, các đối tượng lừa đảo sẵn sàng viết giấy bán cho bất kì người nào muốn mua vì ham rẻ hoặc nhẹ dạ, cả tin.
Kết quả là khi bị phát hiện, kẻ lừa đảo ôm tiền lặn mất tăm, còn những người mua ở lại tiếp tục kiện tụng, tranh chấp không ngừng. Không chỉ với bất động sản chưa có giấy tờ, một số trường hợp nhà đất có giấy tờ chủ quyền cũng xảy ra tình trạng lừa đảo này.
Lừa đảo bán nhà đất qua vi bằng
Tại nhiều địa phương, một số đối tượng cò mồi, lừa đảo đã rao bán những miếng đất phân lô, xen kẹt, những căn nhà không đủ điều kiện pháp lý (thường là những căn nhà "ba chung": Chung giấy phép xây dựng, chung giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chung số nhà) để giao dịch với lời quảng cáo hấp dẫn “giao dịch có vi bằng do Thừa phát lại lập”.
Không ít người mua nhà nhầm tưởng vi bằng do Thừa phát lại lập có thể thay công chứng, chứng thực, coi đó là bằng chứng pháp lý chắc chắn cho việc giao dịch để rồi vớ quả đắng.
Đơn cử, chị Ngô Thị T. mua một căn nhà 4 tầng diện tích 30,5m2 tại quận 12, TP.HCM. Do diện tích nhỏ hơn quy định được tách sổ nên căn nhà của chị phải đứng chung sổ đỏ với 4 căn nhà khác trên cùng 1 thửa đất. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc không thể làm hợp đồng công chứng và sang tên đổi chủ được nên chị T. cùng chủ khu đất chỉ ra Văn phòng thừa phát lại trao tiền, lập vi bằng về việc giao dịch.
Yên tâm vì đã có bản vi bằng của thừa phát lại, nhưng cuối tháng 2/2019, gia đình chị bất ngờ nhận được thông báo là toàn bộ khu nhà bị ngân hàng siết nợ vì chủ đất đem thế chấp ngân hàng và mất khả năng trả nợ.
“Sau này tôi mới biết vi bằng của Thừa phát lại chỉ ghi nhận việc giao dịch giữa gia đình tôi và chủ nhà, nó không có giá trị như hợp đồng công chứng. Khi biết thì cũng đã quá muộn”, chị T. chia sẻ.
Giả khách mua đánh tráo sổ đỏ
Năm 2018, vì cần tiền nên ông Kiệt quyết định bán căn nhà đang ở. Sau khi ông đăng thông tin bán nhà trên các trang mua bán bất động sản, có một số người đến hỏi mua rồi xin bản sao sổ đỏ với lý do để đem về nghiên cứu. Cũng có người đến xem nhà và xin xem qua bản chính sổ đỏ nhưng rồi không thấy quay lại.
Đến tháng 10/2018, Công an phường 17, quận Bình Thạnh đến thông báo nhà của ông đã bị người khác làm thủ tục đăng bộ và hiện công an đang giải quyết. Lúc này ông mới tá hỏa nhận ra sổ đỏ ông đang giữ lâu nay là giả, còn sổ đỏ thật đã bị kẻ gian đánh tráo.
Thủ đoạn lừa đảo này thường nhằm vào người có nhu cầu bán nhà đất. Cách thức lừa đảo được tiến hành như sau: Nhóm đối tượng sẽ nhắm đến các nhà đất có giá trị cao. Sau khi liên hệ và tiếp cận trong vai trò là người đi xem mua nhà, chúng sẽ mượn bản sao sổ đỏ và chụp hình lại để xác minh thông tin, một lý do vô cùng hợp lý mà bạn không thể nào từ chối.
Bước kế tiếp, nhóm đối tượng này sẽ sử dụng các thông tin, hình chụp các giấy tờ nhà đất đó làm giả một bộ hồ sơ nếu chỉ nhìn bằng mắt thường rất khó phân biệt được. Tiếp theo nhóm đối tượng này sẽ đóng giả khách mua mới, tiếp cận chủ nhà lần hai để tìm cách đánh tráo hồ sơ nhà đất thật, giả và “cao chạy xa bay”.
DiaOcOnline.vn – Theo DĐDN