5,6 tỉ USD xây Cảng hàng không quốc tế Long Thành

Cập nhật 09/07/2013 08:49

Tại hội thảo góp ý báo cáo đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành (tỉnh Đồng Nai) sáng 8.7, ông Nguyễn Nguyên Hùng, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Cảng hàng không VN, chủ đầu tư dự án cho biết, tổng chi phí giai đoạn 1 ước tính hơn 5,6 tỉ USD, trong đó vốn nhà nước và ODA chiếm khoảng 53%, còn lại là tư nhân.

Phối cảnh sân bay quốc tế Long Thành

Trước đó, theo báo cáo đầu tư do Công ty tư vấn Cảng hàng không Nhật Bản xây dựng, Cảng HKQT Tân Sơn Nhất sẽ quá tải so với công suất thiết kế là 20-25 triệu hành khách/năm vào năm 2018 - 2020, việc khai thác Long Thành như một cảng HKQT trung chuyển của Đông Nam Á vào năm 2020 là cần thiết. Giai đoạn 1 (2014 - 2020), Long Thành sẽ có công suất 25 triệu khách/năm, 2 đường cất hạ cánh. Giai đoạn 2 từ 2020 - 2030 sẽ có công suất 52 triệu hành khách/năm. Sau 2030, công suất 100 triệu hành khách với 4 đường bay và có thể thay thế hoàn toàn Tân Sơn Nhất.

Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cho biết diện tích đất bị thu hồi cho dự án rất lớn, hơn 10.000 người dân bị ảnh hưởng. Đồng Nai đề nghị năm 2013 ưu tiên bố trí 470 tỉ đồng bồi thường giải phóng mặt bằng và tiếp tục bố trí hơn 6.600 tỉ để xây dựng khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn. Cho rằng việc triển khai xây dựng đã chậm, nên theo ông Hùng dự kiến phải tới năm 2023 hoặc 2024 (thay vì năm 2020), Cảng HKQT Long Thành giai đoạn 1 mới có thể đi vào khai thác. Các ý kiến tại hội thảo đều cho rằng, việc xây dựng sân bay Long Thành là cấp thiết và khả thi, đặc biệt tỷ suất hoàn vốn dự án khoảng 22,1% (cao hơn mức tiêu chuẩn cho các công trình công cộng tại VN từ 10% đến 12%). Theo tính toán, chi phí đầu tư cho Long Thành chỉ khoảng 7,8 tỉ USD (bao gồm cả chi phí thu hồi đất), trong khi đó việc mở rộng Tân Sơn Nhất cần hơn 9,1 tỉ USD và Biên Hòa cần 7,5 tỉ USD (khu vực này bị nhiễm độc dioxin).

Tuy nhiên, đại diện Liên hiệp Hội Khoa học và kỹ thuật VN (VUSTA) cũng lưu ý cần cân nhắc gánh nặng nợ nước ngoài, bởi tỷ lệ nợ nước ngoài của VN đã cao, trong khi có ý kiến cho rằng sử dụng vốn ODA của Nhật đắt nhất so với các nguồn ODA khác.

DiaOcOnline.vn - Theo Thanh Niên