51 dự án hạ tầng tại TPHCM chậm triển khai

Cập nhật 13/07/2007 13:00

Từ năm 2003 đến nay, Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM đã thu hồi 53 dự án hạ tầng chậm triển khai với tổng diện tích lên đến 786 ha nhưng hiện trên địa bàn TP vẫn còn đến 51 dự án hạ tầng khác cũng trong tình trạng tương tự.

Bức xúc của người dân

Trong kỳ họp HĐND TPHCM vừa qua, thông qua các đại biểu của mình, người dân đã gửi đến đây rất nhiều nỗi bức xúc về cảnh sống trong vùng có dự án hạ tầng chậm thực hiện.

Điển hình trong số này là những bức xúc của người dân phường 28 quận Bình Thạnh (khu vực Bình Quới-Thanh Đa) đã 15 năm phải sống với dự án “treo”: xây dựng Bình Quới-Thanh Đa thành khu dân cư, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái. “Nhiều người dân có nhà bị hư hỏng hay muốn dựng vợ, gả chồng cho con nhưng không thể sửa chữa nhà hoặc xây dựng mới”, đại biểu Đặng Văn Khoa đã cho biết như vậy về cuộc sống người dân ở đây.

Hiện nay dự án xây dựng Bình Quới-Thanh Đa thành khu dân cư, du lịch và nghỉ dưỡng sinh thái đã được TPHCM phê duyệt quy hoạch chi tiết. Như vậy, về nguyên tắc chủ đầu tư là Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn không còn có thể đưa ra một trong những lý do quan trọng để chậm triển khai là chưa có quy hoạch chi tiết, một cán bộ của Sở Tài nguyên Môi trường khẳng định.

Cho dù trước đây lý do này của Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn đã gặp phải sự phản đối của không ít cán bộ có trách nhiệm.

“Việc giải phóng mặt bằng vẫn có thể được triển khai song song và không ảnh hưởng gì đến việc thực hiện quy hoạch chi tiết”, cán bộ này lập luận. Nhưng thôi, chuyện cũ gác lại. Vấn đề bây giờ là liệu Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn có triển khai ngay công tác đền bù, giải phóng mặt bằng? Theo khảo sát của Sở Tài nguyên Môi trường, Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn và quận Bình Thạnh chưa có quỹ nhà, quỹ đất phục vụ tái định cư.
 
Như vậy, xem ra nỗi khổ vì sống trong vùng có dự án “treo” sẽ vẫn còn đeo đẳng người dân Bình Quới-Thanh Đa thêm một thời gian nữa.

Đại biểu Nguyễn Văn Bạch đem đến HĐND TPHCM nỗi bức xúc của người dân sống trong dự án 18,9ha tại phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức do Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn làm chủ đầu tư.

Đây là dự án đã được Thủ tướng Chính phủ thu hồi đất và giao cho công ty thực hiện từ tháng 12-2000. Bảy năm qua, Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn mới chỉ giải tỏa được hơn 4 ha, đạt tỷ lệ hơn 21%. Hiện Sở Tài nguyên Môi trường đã hoàn tất hồ sơ đề xuất UBND TPHCM thu hồi lại dự án. Như vậy, xem ra người dân ở đây đã may mắn hơn người dân ở Bình Quới-Thanh Đa.

Người dân sống trong khu vực được quy hoạch thực hiện dự án ga đường sắt Bình Triệu rộng 60ha cũng có nhiều nỗi bức xúc gửi tới HĐND TPHCM. Dự án này chưa có quyết định thu hồi đất. Về nguyên tắc, như thế người dân sẽ không bị hạn chế các quyền sử dụng đất cơ bản như sang nhượng, mua bán, sửa chữa nhà. Tuy nhiên, do thông báo có quy hoạch (mà chẳng biết bao giờ mới thực hiện) nên giá trị nhà đất của họ đã bị xuống một cách… thê thảm.

Bức xúc của doanh nghiệp và nỗi lo của ngành chức năng

5 nguyên nhân mà Sở Tài nguyên Môi trường cho là đã làm các dự án chậm triển khai đều “dính dáng” đến doanh nghiệp-chủ đầu tư dự án. Đó là: khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng; việc phê duyệt quy hoạch, giao đất-cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp phép xây dựng làm cơ sở cho chủ đầu tư triển khai dự án còn chậm; hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội chung trong khu vực chưa có hoặc còn thiếu nên chủ đầu tư không thể triển khai thực hiện dự án; chi phí đầu tư vào đất cao, doanh nghiệp lại khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng; một số chủ đầu tư không có năng lực vốn và quản lý dự án.

“Nếu chúng tôi không có vốn và năng lực quản lý dự án để cho dự án chậm hoặc không thể triển khai thì lỗi hoàn toàn thuộc về chúng tôi rồi”. Một doanh nghiệp địa ốc có tên tuổi thuộc Hiệp hội Bất động sản TPHCM có ý kiến về 5 nguyên nhân trên. Tuy nhiên, theo vị này, số doanh nghiệp rơi vào hoàn cảnh ấy không nhiều.

Hầu hết các dự án chậm triển khai do nhà đầu tư không thể thỏa thuận đền bù được với dân. Khái niệm “đền bù theo giá thị trường” còn mơ hồ nên doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn khi thương thảo với dân.

Trong khi đó, không ít chính quyền địa phương vốn đã quá bận rộn với công tác đền bù giải phóng mặt bằng cho các công trình công ích khác nên chẳng mấy khi hỗ trợ được doanh nghiệp trong việc này. Việc chậm triển khai “phủ” quy hoạch hay hạ tầng kỹ thuật thiếu tại các khu vực dự án cũng là nguyên nhân khiến cho dự án chậm triển khai nhưng nan giải nhất vẫn là chậm giải phóng mặt bằng”, doanh nghiệp này kết luận.

Về 51 dự án chậm triển khai, Sở Tài nguyên Môi trường đã có báo cáo UBND TPHCM và đề xuất hướng xử lý theo hướng thu hồi lại gần hết. Tuy nhiên, sở cũng cho rằng đó không phải là giải pháp căn cơ. Vấn đề là phải giải được bài toán đền bù, giải phóng mặt bằng. Yêu cầu doanh nghiệp chủ động đền bù cho dân cũng là giải pháp tích cực.

Tuy nhiên, nếu gặp những người cố tình không nhận đền bù thì doanh nghiệp không thể giải quyết được. Do vậy, thành phố nên có một tổ chức thực hiện toàn bộ việc giải phóng mặt bằng, thu hồi đất. Sau đó, đưa khu đất ra đấu thầu, chọn nhà đầu tư có năng lực. Như vậy, mới giải quyết được căn cơ tình trạng dự án chậm triển khai và quyền lợi của người dân trong khu vực thực hiện dự án sẽ không bị “treo”.

Nguyễn Khoa - Theo Sài Gòn Giải Phóng

Các khu đất đã có quyết định thu hồi trong năm 2007:

1. Hai khu đất tại phường Tân Phú, quận 9 của Công ty cổ phần Dịch vụ Bưu chính viễn thông Sài Gòn.

2. Khu đất tại phường Tân Hưng, quận 7 của Cảng sông Sài Gòn.

3. Khu đất tại phường Trung Mỹ, quận 12 của Công ty TNHH 1TV Xây lắp điện 2.

4. Khu đất tại phường Đông Hưng Thuận, quận 12 của Công ty Kỹ thuật Xây dựng và Vật liệu xây dựng.

5. Khu phường Trường Thạnh, quận 9 của Điện lực Thủ Đức.

6. Khu đất xã Long Hòa, huyện Cần Giờ của Công ty Phát triển kinh tế Duyên Hải.

7. Khu đất tại phường Tân Chánh Hiệp, quận 12 của Công ty TNHH Tin học Hải Hòa.

8. Khu đất tại thị trấn Nhà Bè của Công ty Bến bãi TPHCM.

9. Khu đất tại phường 8, quận 5 của Công ty Quản lý và Phát triển nhà quận 5.

10. Khu đất tại phường Hiệp Bình Phước quận Thủ Đức của Công ty Bến bãi vận tải thành phố.

11. Khu đất tại phường Thạnh Xuân, quận 12 của Công ty Dịch vụ Phát triển đô thị quận 12.

Các khu đất đang trong quá trình thu hồi:

1. Khu đất ở phường Linh Trung, quận Thủ Đức của Công ty Lương thực TP.

2. Khu đất tại xã Vĩnh Lộc huyện Bình Chánh của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Bình Chánh.

3. Khu đất tại xã Tân Hiệp và Tân Thới Nhì của Tổng Công ty An Phú.

4. Khu đất ở phường Thạnh Xuân, quận 12 của Bệnh viện Tâm thần.