Bất động sản là một trong những kênh đầu tư lớn được nhiều doanh nghiệp, cá nhân quan tâm. (Ảnh minh hoạ) |
Mặc dù mới tiến hành kiểm tra 66 sàn trên tổng số 293 sàn giao dịch bất động sản (GDBĐS) tại TP.HCM, nhưng đoàn thanh tra đã phát hiện tới 34 sàn vi phạm quy định hoạt động.
Theo nhận xét của đoàn thanh tra, số sàn thực sự tốt chiếm khoảng 15%, sàn vi phạm ít chiếm trên 50%, còn lại là các sàn có vi phạm nặng. Nếu căn cứ đúng các quy định của pháp luật thì khó có thể tìm ra được sàn tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
Sai phạm lớn nhất, đó là hầu hết chủ đầu tư “né” giao dịch qua sàn bằng cách thực hiện các hợp đồng vay vốn, góp vốn, phát hành trái phiếu công trình kèm quyền mua bất động sản và họ mở sàn chỉ để bán sản phẩm của chính mình.
Điều này khiến các giao dịch qua sàn chỉ mang tính hình thức, làm hạn chế việc đầu tư qua sàn. Đây cũng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng chưa cấp giấy xác nhận bất động sản giao dịch qua sàn ở nhiều sàn bất động sản.
Vấn đề này vốn đã được cảnh báo trước đây, khi việc cấp phép cho mở sàn giao dịch quá dễ dãi. Theo thống kê của cục Quản lý nhà và bất động sản – bộ Xây dựng, nếu tháng 6/2010, TP.HCM có 233 sàn GDBĐS, thì tới tháng 9/2010 đã có 293 sàn, trung bình mỗi tháng có 20 sàn ra đời.
Trong khi đó, GDBĐS qua sàn chỉ chiếm khoảng 50% (TP Hà Nội chưa tới 30% và cả nước chỉ có khoảng 40%). Vì vậy, tính cạnh tranh thấp, nhu cầu chia sẻ thông tin chưa cao, các sàn không xây dựng chiến lược lâu dài và chỉ mang tính chất đối phó.
Theo quy định, sàn GDBĐS phải công khai các thông tin về bất động sản cần bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua tại sàn giao dịch để khách hàng biết và đăng ký giao dịch, nhưng phần lớn các sàn cho rằng không cần thông tin.
Nhiều trường hợp chủ đầu tư đã bán hết các căn hộ cho khách hàng, rồi mới thuê sàn GDBĐS bán lại cho chính những khách hàng đó. Nhiều sàn giao dịch không thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ cho ngành chức năng. Theo thông tin từ bộ Xây dựng, mặc dù cả nước có khoảng 600 sàn bất động sản, nhưng chỉ có 20% sàn thực hiện báo cáo hoạt động về bộ.
Ở góc nhìn của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, để các sàn giao dịch thực hiện đúng vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp và nhà đầu tư, các doanh nghiệp phải xác định mình thành lập sàn giao dịch để làm gì, bởi nếu lập sàn giao dịch chỉ để bán các sản phẩm của mình, mà không phục vụ cho thị trường, thì tốt nhất là không nên thành lập.
Ngoài ra, các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần quan tâm hỗ trợ cho các sàn GDBĐS nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp, cũng như tính minh bạch của các sàn, bởi thực tế hiện nay cho thấy, phần lớn sàn GDBĐS đều “tự bơi” trong hoạt động của mình.
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Tiếp Thị