5 năm nữa sẽ có metro

Cập nhật 29/04/2010 14:40

Dự án xây dựng tuyến metro (tàu điện) đầu tiên của TP.HCM: Bến Thành - Suối Tiên đang vào giai đoạn chọn thầu và đầu năm 2011 khởi công. Như vậy sau nhiều năm bàn thảo, đến nay việc xây dựng metro sắp thành hiện thực.


Mô hình tàu điện - Ảnh tư liệu

Làm trước hai tuyến

Giải tỏa ùn tắc giao thông Ông Nguyễn Đô Lương cho biết TP.HCM đang cấp thiết triển khai xây dựng các tuyến metro để giải tỏa ùn tắc giao thông. Do đó, tuyến metro nào chọn được nhà đầu tư thì cho triển khai xây dựng ngay tuyến đó. Theo quy hoạch, các tuyến metro sẽ được nối kết với nhau nên việc xây dựng rất thuận lợi.
Theo ông Lê Khắc Huỳnh - chánh văn phòng Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, đã xác định được vốn đầu tư hai tuyến metro. Một là tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên dài 19,7km, sử dụng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản. Hai là tuyến metro số 2 Thủ Thiêm - bến xe Tây Ninh (còn gọi là bến xe An Sương, Q.12) dài 19km, sử dụng nguồn vốn vay của Ngân hàng Tái thiết Đức (KFW), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB).

Dự án metro Bến Thành - Suối Tiên dự kiến đầu năm 2011 sẽ khởi công gói thầu đầu tiên xây dựng đường trên cao, tiếp đó triển khai ngay các gói thầu còn lại. Trong khi đó, công tác giải phóng mặt bằng đang được triển khai ở các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức (TP.HCM) và huyện Dĩ An (Bình Dương).

Đến nay, Q.Bình Thạnh đã hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng. Các công trình hạ tầng kỹ thuật cũng xác định tiến độ giải tỏa điện, đường ống cấp nước trên các đường Điện Biên Phủ, Nguyễn Duy Ninh, Lê Lợi...Theo ông Huỳnh, với tiến độ triển khai này thì đầu năm 2015 chắc chắn TP sẽ có hệ thống metro đầu tiên trên cả nước.

Để chuẩn bị khởi công hai tuyến metro trên, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM cùng cơ quan chức năng đã triển khai đầu tư xây dựng các depot (trạm bảo dưỡng kỹ thuật) có quy mô 25-30ha.

Đến nay, về cơ bản đã hoàn thành depot ở Long Bình (Q.9), còn depot ở Tham Lương (Q.12) có quy mô 25ha đã gần xong đền bù giải tỏa, đồng thời đã lập quy hoạch depot ở P.Thạnh Xuân (Q.12) 25ha, depot ở Khu công nghiệp Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) 25ha, depot ở Tân Kiên (huyện Bình Chánh)... Theo ông Huỳnh, việc chủ động quy hoạch và triển khai đầu tư sớm depot của sáu tuyến metro có ý nghĩa quyết định thực hiện tất cả các dự án metro ở TP.HCM sau này.

Đào đường giữa trung tâm TP

Theo Ban quản lý đường sắt đô thị TP, tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên sẽ xây dựng tại trung tâm TP ba nhà ga ngầm trong lòng đất và 11 nhà ga trên cao. Mỗi nhà ga ngầm dài 200m, rộng 60m và sâu 30m, trong đó khu vực nhà ga metro số 1 sẽ thi công đào sâu lòng đất ở khu cây xanh công viên 23-9 và trạm điều hành xe buýt Sài Gòn (trạm này sắp dời về công viên 23-9, đoạn gần chợ Thái Bình, Q.1).

Nhà ga ngầm thứ 2 được đặt ở dưới lòng đường Lê Lợi (phía trước thương xá Tax) và nhà ga ngầm thứ 3 nằm dưới Nhà máy đóng tàu Ba Son. Như vậy, việc thi công các ga ngầm không ảnh hưởng nhiều về giao thông trên đường phố và không gây trở ngại gì trong quá trình xây dựng 11 nhà ga trên mặt đất.

Ông Nguyễn Đô Lương - giám đốc Ban quản lý đường sắt đô thị TP - khẳng định công trình thi công đào ngầm dưới lòng đất từ nhà ga này đến nhà ga kia được đào ở độ sâu khoảng 30m nên không gây ảnh hưởng đến các công trình nhà dân ở hai bên đường.

Hiện nay, công tác chuẩn bị đấu thầu sẽ chọn ra nhà thầu thi công metro có kỹ thuật tốt nhất. Ban quản lý đường sắt đô thị cho biết sẽ ưu tiên chọn nhà thầu có thời gian thi công nhanh nhất và ít ảnh hưởng nhất đến giao thông.

Triển khai đồng loạt


Ngoài hai tuyến metro trên, có hai tuyến metro số 3a Bến Thành - Tân Kiên (Bình Chánh) và 3b Bến Thành - Hiệp Bình Phước (Thủ Đức) đang được nhiều công ty và tập đoàn nước ngoài có ý định đầu tư. Công ty Ostu Stettin (Áo) và CMC Revena (Ý) có ý định đầu tư cả hai tuyến metro này. Riêng tuyến metro số 3a đang có nhiều nhà đầu tư nước ngoài đề nghị được đầu tư theo phương thức BOT (đầu tư, kinh doanh và chuyển giao).

Riêng tuyến metro số 4 cầu Bến Cát (Q.Gò Vấp) - Nguyễn Văn Linh (Q.7), UBND TP đã chấp thuận cho đối tác Nga Jobrus thực hiện. Tuyến metro số 5 bến xe Cần Giuộc mới (Q.8) - cầu Sài Gòn (Q.Bình Thạnh) đang thực hiện dự án hợp tác hỗ trợ kỹ thuật nghiên cứu khả thi từ tài trợ không hoàn lại của Chính phủ Tây Ban Nha trị giá 775.000 euro. Chính phủ VN và Tây Ban Nha đã ký bản ghi nhớ việc tài trợ 550 triệu euro để xây dựng tuyến metro số 5.

Tuyến metro số 6 Bà Quẹo (Q.Tân Bình) - vòng xoay Phú Lâm (Q.6) cũng đang thực hiện dự án hợp tác hỗ trợ kỹ thuật nghiên cứu khả thi từ khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 590.000 euro của Chính phủ Tây Ban Nha. Dự kiến trong tháng 6-2010 sẽ trình UBND TP dự án đầu tư và trong quý 3-2010 sẽ bàn giao ranh mốc để giải tỏa.

DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi Trẻ