5 lý do khiến cung nhà ở xã hội vẫn thiếu

Cập nhật 22/04/2014 10:04

Nguồn cung nhà ở xã hội còn thiếu, đặc biệt là tại các đô thị lớn (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh...). Nguyên nhân chủ yếu do thiếu quỹ đất, việc sử dụng đất sai mục đích hay do chính sách ưu đãi chữa được thực hiện quyết liệt?


Chương trình nhà ở xã hội đã đạt được kết quả khả quan. Báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng về việc phát triển nhà ở xã hội tại đô thị cho thấy, 98 dự án xã hội đã hoàn thành đầu tư xây dựng.

Trong đó có 35 dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, quy mô xây dựng khoảng 18.950 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 6.027 tỷ đồng; 63 dự án nhà ở xã hội cho công nhân, với quy mô xây dựng khoảng 17.430 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 3.800 tỷ đồng.

Thiếu quỹ đất

Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cũng cho rằng, việc triển khai chương trình nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp đang chậm do thiếu quỹ đất để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại vị trí thuận lợi.

Nhiều khu công nghiệp được hình thành nhưng chưa bố trí quỹ đất để xây dựng nhà ở cho công nhân; một số địa phương chưa bố trí đủ quỹ đất 20% các khu đô thị mới, các dự án nhà ở thương mại theo quy định dành để xây dựng nhà ở xã hội.

Sử dụng đất không đúng mục đích

Riêng tại Hà Nội, từ ngày 4- 7/3/2014, Ban Chỉ đạo TW đã phối hợp với UBND Thành phố Hà Nội thực hiện việc kiểm tra quỹ đất 20% tại 12 dự án trên địa bàn.

Kết quả kiểm tra sơ bộ cho thấy: Hầu hết các dự án nhà ở và khu đô thị mới trên địa bàn thành phố Hà Nội khi phê duyệt đều quy định dành quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội nhưng việc sử dụng quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội phần lớn không đúng mục đích.

Trong 11 dự án chỉ có 3 dự án triển khai xây dựng nhà ở xã hội; 3 dự án đã cho chuyển đổi sang xây dựng nhà ở tái định cư và 3 dự án cho phép chuyển đổi sang nhà ở thương mại hoặc đấu giá quyền sử dụng đất.

Chủ đầu tư ít quan tâm giải phóng mặt bằng

Bộ Xây dựng cũng cho rằng, các chủ đầu tư ít quan tâm đến giải phóng mặt bằng phần diện tích để xây dựng nhà ở xã hội.

Hiện còn 11 lô đất dành để xây dựng nhà ở xã hội trong các dự án với diện tích khoảng 8,696 ha nhưng mới giải phóng mặt bằng được 4 lô đất, với diện tích 5,601 ha; còn 7 lô đất, với diện tích 3,095 ha chưa được giải phóng mặt bằng.

Chế độ ưu đãi chưa nhiều

Một số cơ chế ưu đãi đầu tư xây dựng nhà ở xã hội (như hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào dự án và hỗ trợ từ nguồn ngân sách địa phương...) chưa được quan tâm đúng mức.

Mức độ ưu đãi phụ thuộc vào điều kiện của từng địa phương nên chưa thu hút được doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân KCN.

Thực tế cho thấy mới chỉ có một số địa phương, như Đà Nẵng, Thanh Hóa, Bắc Ninh, Thái Nguyên đã quan tâm và có chính sách hỗ trợ cụ thể cho các chủ đầu tư dự án.

Các địa phương khác, kể cả một số thành phố lớn chưa có cơ chế ưu đãi, hỗ trợ cụ thể từ nguồn lực của địa phương đối với các nhà đầu tư nhằm thu hút các doanh nghiệp tham gia xây dựng nhà ở xã hội, do đó số lượng nhà đầu tư tham gia xây dựng nhà ở xã hội, đầu tư xây dựng nhà ở cho thuê còn rất hạn chế.

Thủ tục rườm rà

Mặc dù đã có các quy định của Chính phủ liên quan đến việc đơn giản hóa và rút gọn trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng và dự án đầu tư; thủ tục chấp thuận đầu tư; cho phép chuyển đổi cơ cấu dự án.

Tuy nhiên, việc tổ chức triển khai thực hiện ở một số địa phương còn chậm, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư triển khai dự án mới cũng như thực hiện việc chuyển đổi, cơ cấu lại dự án.

DiaOcOnline.vn - Theo Người đồng hành