5 giải pháp “cứu nguy” thị trường bất động sản

Cập nhật 30/07/2013 12:15

Mới đây, làm việc với ngành chức năng của Trung ương và địa phương về những giải pháp nhằm ổn định, phát triển thị trường bất động sản (BĐS) trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân cho rằng, thị trường BĐS nước ta những năm qua đã có bước phát triển tích cực. Song, vẫn còn nhiều bất cập cần sớm tháo gỡ…



Khu nhà ở thuộc dự án dân cư Long Thọ - Phước An (Nhơn Trạch) hiện bỏ hoang. Ảnh: TN

Theo Bộ trưởng, thông qua hoạt động của thị trường BĐS, nhà ở của người dân đã từng bước được cải thiện, góp phần tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Hệ thống quy phạm pháp luật về điều chỉnh hoạt động của thị trường BĐS được ban hành, đã tạo điều kiện cho các nhà đầu tư kinh doanh, phát triển lành mạnh.

* Đâu là những tồn tại?

Đánh giá của Bộ Xây dựng cho thấy, nhiều dự án trong lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, công trình dịch vụ tại các địa phương được hình thành, đã làm thay đổi đáng kể diện mạo các đô thị; đời sống người dân không ngừng được cải thiện. Song, bên cạnh những mặt tích cực, thị trường BĐS thời gian vừa qua cũng bộc lộ một số hạn chế. Đó là giá nhà đất vẫn ở mức cao, diễn biến phức tạp, khó kiểm soát. Bên cạnh đó, cơ cấu BĐS không cân đối, tỷ trọng nhà ở chung cư hiện chỉ chiếm khoảng 4% tổng số nhà ở đô thị của cả nước. Hệ thống tài chính BĐS chưa hoàn thiện, hầu như chịu sự phụ thuộc lớn vào chính sách tiền tệ, tín dụng. Ngoài ra, hiện tượng đầu cơ, đội giá “ảo” trở nên khá phổ biến, gây mất ổn định trên thị trường BĐS. Hơn nữa, tốc độ triển khai các dự án BĐS còn chậm, gây tâm lý bất an cho đối tượng có nhu cầu.   
Hiện tại, diện tích bình quân nhà ở của nước ta mới đạt khoảng 16,7 m2/người, trong đó khu vực đô thị là 19,2 m2, khu vực nông thôn là 15,7 m2. Để có thể đáp ứng mục tiêu nâng diện tích bình quân nhà ở lên 25 m2/người vào năm 2020, cả nước phải xây dựng mới khoảng 100 triệu m2 sàn nhà.

Theo thống kê, trong năm 2010, cả nước xây mới khoảng 85 triệu m2 nhà ở, nhưng chỉ khoảng 30% do doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư kinh doanh, còn lại 70% do người dân tự xây. Điều này cho thấy, nhu cầu về chỗ ở, kể cả văn phòng làm việc, khách sạn, dịch vụ thương mại tại tất cả các địa phương là rất lớn. Tuy nhiên, tính bất ổn trong giao dịch BĐS thời gian gần đây đã bộc phát nhiều rủi ro. Tại một số tỉnh thành lớn như: Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, các tỉnh miền Đông Nam bộ… khoảng 3 năm trở lại đây giá BĐS biến động theo chiều hướng giảm, có thời điểm giảm đến 40 - 50%. Tình hình này dẫn đến nhiều bất lợi cho các nhà đầu tư BĐS. Đó là chưa kể lãi suất ngân hàng tăng cao và giảm lượng cho vay, khiến không ít doanh nghiệp thua lỗ. Đây là hiện tượng chung tại tất cả các địa phương có tốc độ tăng trưởng cao.              


* Để thị trường bất động sản phát triển ổn định

Trước những bất cập về thị trường BĐS trong những năm qua, Bộ Xây dựng khẳng định, không để lĩnh vực này trở thành tác động lớn, làm đóng băng thị trường. Qua đó, 5 giải pháp được Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân lưu ý: Thứ nhất, kiểm soát có hiệu quả nguồn vốn đầu tư cho BĐS, điều chỉnh linh hoạt tỷ trọng cho vay đối với từng loại hình BĐS; hạn chế cho vay các đối tượng chỉ chú trọng vào cơ hội đầu cơ. Thứ hai, đa dạng hóa quy hoạch cơ cấu nhà ở trong các dự án phát triển khu dân cư, tăng tỷ trọng nhà chung cư tại các đô thị, đặc biệt là những dự án căn hộ vừa và nhỏ để đáp ứng nhu cầu tối thiểu của người dân; không triển khai các dự án không có khả năng kết nối hạ tầng, cung cấp dịch vụ đô thị. Thứ ba, đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, tăng tốc độ triển khai thực hiện dự án. Thứ tư, tiếp tục tập trung nguồn lực nhằm thúc đẩy chương trình nhà ở xã hội như: nhà ở cho công nhân, học sinh, sinh viên, người thu nhập thấp, hộ nghèo ở nông thôn; có cơ chế chính sách phù hợp, tạo điều kiện huy động vốn trong xã hội để phát triển nhà cho thuê. Thứ năm, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cũng như xử lý các vi phạm trong đầu tư và kinh doanh BĐS; bảo đảm tính minh bạch của thị trường BĐS.   

“Quan điểm của Bộ Xây dựng đối với thị trường BĐS trong thời gian tới là phải phát triển ổn định, lành mạnh. Bởi, thị trường BĐS không chỉ hình thành cơ sở vật chất và tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, mà còn góp phần tạo việc làm cho người lao động, thúc đẩy các ngành nghề kinh tế khác cùng phát triển. Vì vậy, một khi giữ được bình ổn về giá nhà, đất hợp lý thì sẽ có tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nếu như các doanh nghiệp dần trở nên chuyên nghiệp và nhạy bén trong việc điều chỉnh điều kiện kinh doanh phù hợp, chắc chắn thị trường BĐS sẽ nhanh chóng vượt qua khó khăn và đi vào hoạt động ổn định!”. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân nhấn mạnh.

Nói về thị trường BĐS trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, Phó giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Thanh Lâm cho biết, địa bàn thu hút BĐS tập trung tại các huyện: Nhơn Trạch, Long Thành, Vĩnh Cửu, Trảng Bom. Nhưng Biên Hòa, Long Thành, Nhơn Trạch vẫn là điểm lý tưởng cho khách hàng, bởi ưu thế về vị trí tiếp giáp với TP.Hồ Chí Minh. Mặt khác, mai này mạng lưới giao thông ở Đồng Nai hoàn chỉnh, sẽ kết nối thuận tiện với các địa phương trong khu vực. Đặc biệt, một số dự án quy mô được quy hoạch thành những đô thị kiểu mẫu, chắc chắn sẽ thu hút được đông đảo khách hàng từ các nơi đến. Khác với TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội, thị trường BĐS ở Đồng Nai đáp ứng khả năng tài chính của nhiều thành phần có nhu cầu. Mức giá bình quân của sản phẩm BĐS tại vùng đất này chỉ bằng 1/3 - 1/4 so với những thành phố lớn. Song cũng như nhiều địa phương khác, thời gian qua một số dự án nhà ở, khu dân cư ở Đồng Nai ít “rục rịch” cũng chính vì ảnh hưởng từ mặt bằng chung của thị trường BĐS bị “đóng băng”, khiến các nhà đầu tư không dám mạo hiểm.


DiaOcOnline.vn - Theo Báo Đồng Nai