Thời gian qua, thị trường bất động sản (BĐS) đã và đang có nhiều tín hiệu tích cực với lượng giao dịch thành công tại các dự án tăng lên, tính thanh khoản được cải thiện. Điều đó được minh chứng bằng những điểm nhấn sau: nợ xấu BĐS giảm, tìm ra “cây gậy” để “xử” chủ đầu tư chây ỳ làm sổ đỏ, sôi động làn sóng M&A bất động sản…
1. Nợ xấu BĐS giảm còn 4%: Theo số liệu của Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng cho vay BĐS là 277.000 tỷ đồng, trong đó nợ xấu là 10.000 tỷ đồng, chiếm 4%. Tính đến ngày 20/5/2014, tổng giá trị tồn kho BĐS còn khoảng 83.519 tỷ đồng, giảm hơn 45.000 tỷ đồng (tương đương 35%) so với quý I/2013; trong đó, chung cư, nhà thấp tầng lần lượt còn 17.445 căn và 13.862 căn. Tính riêng trên địa bàn Hà Nội, BĐS còn tồn khoảng gần 11.000 tỷ đồng, giảm 36%. TP. Hồ Chí Minh tồn khoảng 15.804 tỷ đồng, giảm 45%.
Theo Bộ Xây dựng, hiện thị trường BĐS đang có những chuyển biến tích cực, nhất là với phân khúc nhà ở có quy mô nhỏ, trung bình, giá thấp. Đơn cử, trong 6 tháng đầu năm 2014, tại thị trường Hà Nội ước tính có khoảng 4.000 giao dịch thành công, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm trước.
2. Tìm ra “cây gậy” để “xử” chủ đầu tư chây ỳ làm sổ đỏ: Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, trên địa bàn Thành phố còn hơn 76.000 căn hộ đã đưa vào sử dụng nhưng chưa làm thủ tục cấp sổ đỏ theo quy định, do sự chậm chễ của các chủ đầu tư. Điều đáng nói, trong số 35 chủ đầu tư bị cho vào “danh sách đen” lần này có cả những “ông lớn” như: Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex), Tổng công ty Viglacera, Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD)…
Để xử lý các chủ đầu tư vi phạm, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Vũ Hồng Khanh yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường mời các chủ đầu tư dự án khu đô thị mới, khu nhà ở để kiểm tra, hướng dẫn lập hồ sơ, xử lý, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong việc cấp sổ đỏ cho các hộ dân. Sau 20 ngày, các chủ đầu tư dự án không thực hiện sẽ tiến hành lập danh sách để tổ chức thanh tra, xử lý, thậm chí coi là căn cứ để không giao, cho thuê đất các dự án khác theo quy định Luật Đất đai.
Theo Dự thảo Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Chính phủ, các chủ đầu tư chậm làm thủ tục cấp sổ đỏ cho người mua nhà có thể bị xử phạt tối đa lên tới 1 tỷ đồng.
3. Sôi động làn sóng M&A BĐS: Tại Diễn đàn mua bán - sáp nhập và kết nối đầu tư (M&A Việt Nam 2014) với chủ đề “Làn sóng thứ hai” được tổ chức ngày 7/8 vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, cùng với quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, chủ động hội nhập quốc tế, mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài, hoạt động M&A tại Việt Nam đã không ngừng gia tăng ở các ngành, lĩnh vực, trong đó nổi bật nhất là BĐS.
Chẳng hạn, trong tháng 1/2014, tập đoàn Tung Shing (Hong Kong) mua lại 53% cổ phần của khách sạn Movenpick Sài Gòn. Sau đó, Lotte Lotte Mart - Tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Hàn Quốc đã mua lại Pico Plaza để mở rộng hoạt động kinh doanh buôn bán. Hay tháng 5 vừa qua, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã công bố rút vốn khỏi dự án Đông Nam tại TP. Hồ Chí Minh và chuyển giao cho Công ty Him Lam… Điều này cho thấy, M&A đang trở thành một hình thức đầu tư hấp dẫn và thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia thị trường.
4. Hơn 70% vốn đầu tư kinh doanh BĐS vay ngân hàng: Thông tin này được công bố tại Hội thảo “Quản lý thị trường BĐS và vai trò của định chế tài chính: Kinh nghiệm Nhật Bản và gợi ý chính sách cho Việt Nam” được tổ chức vào ngày 6/8/2014. Kết quả khảo sát của Nomura Research Institute (Nhật Bản) cho thấy, hiện tại quy mô thị trường BĐS Việt Nam vào khoảng 21 tỷ USD, trong khi Nhật Bản là 2.678 tỷ USD, Singapore 241 tỷ USD, Indonesia 189 tỷ USD, Thái Lan 89 tỷ USD, Malaysia 84 tỷ USD, Philippines 48 tỷ USD...