Bỏ trống bởi chưa bố trí được phương án sử dụng hoặc "ở ảo" là thực trạng của không ít khu tái định cư (TĐC) trên địa bàn Hà Nội hiện nay.
3 toà nhà tái định cư thuộc Khu đô thị mới Sài Đồng (Long Biên) đề xuất phá bỏ sau 10 năm không người ở. Ảnh: Công Hùng
|
Việc bỏ trống quỹ nhà trên đang gây ra tình trạng lãng phí chồng lãng phí nguồn vốn xây dựng và tu bổ định kỳ. Từ thực tế đó, Sở Xây dựng vừa đề xuất thu hồi các căn hộ TĐC đã ký hợp đồng mua bán nhưng sau hai năm dân không chuyển về ở.
Theo số liệu thống kê, hiện Hà Nội có 372 hộ gia đình được bố trí nhà TĐC từ năm 2015 - 2017, nhưng chưa hoàn tất thủ tục ký hợp đồng mua bán nhà, chưa nộp tiền mua nhà cũng như nhận nhà. Trong đó có 44 căn hộ N01 (7A Lê Đức Thọ); 14 hộ NO26A Bắc Đại Kim; 8 căn hộ OCT1 đơn nguyên 1, 2, 3 Bắc Linh Đàm; 58 hộ ở nhà CTI.1-1A Vĩnh Hoàng; 14 hộ ở nhà CT3 ao Hoàng Cầu; 67 căn hộ nhà A14A1 Nam Trung Yên; 43 hộ ở nhà A14A2 Nam Trung Yên...
Ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị, hiện tại, số 3 khối nhà CT1A, CT1B, CT1C của Khu TĐC TP giao lưu (Bắc Từ Liêm) dù đưa vào sử dụng từ năm 2014 nhưng đến nay vẫn thưa thớt người đến ở. Nhiều căn hộ còn trong tình trạng cửa đóng then cài hoặc niêm phong. Người dân ở đây cho biết, do chất lượng chung cư kém, tình trạng thấm dột, thang máy hay hỏng lại xa trung tâm… nên nhiều gia đình không muốn về ở. Chung số phận, 3 tòa nhà TĐC cao 6 tầng với 150 căn hộ ở khu đô thị mới Sài Đồng (quận Long Biên) cũng bị bỏ hoang từ khi xây dựng đến nay.
TP đã có chủ trương xây dựng nhà ở thương mại phục vụ TĐC theo cơ chế đặt hàng. Tổng số 20 dự án với quy mô 14.525 căn đặt hàng, về cơ bản đáp ứng số lượng căn hộ cho giai đoạn 2017 - 2020. Nếu tính cả số lượng căn hộ có được từ việc đầu tư xây dựng nhà ở thương mại phục vụ TĐC theo cơ chế đặt hàng với 20 dự án thương mại (số lượng căn hộ tối đa là 14.525 căn) thì số lượng căn hộ TĐC đến năm 2020 thừa 5.322 căn hộ TĐC.
(Nguồn: Sở Xây dựng)
Về vấn đề này, ông Nguyễn Đắc Thảo - Phó trưởng Phòng phát triển đô thị, Sở Xây dựng Hà Nội phân tích, cần phải làm rõ hai khái niệm: Thứ nhất, bỏ trống vì chưa có phương án sử dụng. Thứ hai, bỏ trống do dân không đến nhận nhà. Ông Thảo cho rằng, về cơ bản, số lượng bỏ trống vì chưa có bố trí không đáng kể (76 căn). Trong khi đó, với trường hợp TP đã có quyết định bố trí về ở nhưng người dân chưa nộp tiền và nhận nhà dẫn đến số lượng nhà bị bỏ trống khá lớn. Tình trạng này xuất phát từ việc người dân trì hoãn để rao bán, hưởng chênh lệch, rất khó kiểm soát. "Để tránh lãng phí và thất thoát ngân sách đầu tư của Nhà nước cho quỹ nhà TĐC, Sở đã có đề xuất thu hồi các căn hộ TĐC sau 2 năm người dân không về ở, bán đấu giá thu hồi vốn" - ông Thảo nhấn mạnh.
Ở góc độ chuyên môn, PGS.TS Trần Chủng -Trưởng ban Chất lượng, Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, cần tính tới việc giải quyết nhà TĐC theo nguyên lý thị trường. Nhà nước không đầu tư tiền làm nhà TĐC, mà thanh toán cho dân một khung giá nhất định để dân tự mua nhà thương mại thích hợp. Khi giao dịch theo cơ chế mua - bán rõ ràng chất lượng quản lý, dịch vụ cũng tương xứng hơn nhiều. "Một trong những nguyên nhân khiến nhà TĐC “bỏ trống” là nhà được xây dựng trước, trong khi các dự án mà các nhà TĐC có nghĩa vụ phục vụ chậm tiến độ hoặc không được triển khai. Vì vậy, cần một “nhạc trưởng” có thẩm quyền để phối hợp giữa các dự án TĐC và các dự án mở đường hay khu đô thị mới. Nhà TĐC phải gắn kết hợp lý cùng các dự án để đáp ứng được các yêu cầu: Vị trí, nhu cầu, mong muốn của người dân" - PGS.TS Trần Chủng nhận định.
DiaOcOnline.vn – Theo Kinhtedothi.vn