300-400.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội

Cập nhật 12/12/2011 08:40

Không hẹn mà gặp, trong vòng hai tuần trở lại đây Thủ Tướng Chính phủ đã ban hành nhiều qui định liên quan đến chính sách nhà ở. Trong đó có quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; chỉ thị về một số giải pháp tăng cường quản lý thị trường bất động sản. Động thái này cho thấy, Chính phủ đang rất quan tâm về chính sách nhà ở, đặc biệt là chính sách nhà ở cho người thu nhập thấp.


Lập quỹ tiết kiệm nhà ở

Theo Bộ Xây dựng, Thủ tướng vừa đồng ý với đề án lập Quỹ tiết kiệm nhà ở theo mô hình tổ chức phi lợi nhuận với mức đóng góp tự nguyện của người lao động bằng 1% tiền lương hàng tháng.

Người đóng góp vào quỹ này được hưởng lãi suất từ 3-5%/năm. Người dân góp tiền vào quỹ này sẽ được ưu tiên vay tiền mua nhà ở và một phần vốn từ quỹ sẽ cho doanh nghiệp vay để làm nhà ở xã hội. Người đóng góp tiền vào quỹ nhưng sau đó không có nhu cầu về nhà ở thì khi về hưu được rút toàn bộ tiền đã đóng góp và tiền lãi.

Theo Bộ Xây dựng, đến năm 2020, Việt Nam cần đến 2,5 tỷ m2 nhà ở để đáp ứng nhu cầu về chỗ ở của 96 triệu dân. Nhưng hiện nay cả nước chỉ có khoảng 1,4 tỷ m2 nhà ở, cho nên cần phải xây thêm 1,1 tỷ m2 nhà ở nữa mới đáp ứng nhu cầu. Cũng theo cơ quan trên, hiện cả nước còn khoảng 7 triệu người có nhu cầu thuê và mua nhà ở giá thấp với tổng diện tích lên đến 150 triệu m2. Để có được diện tích nhà ở này, cần phải đầu tư số vốn lên đến 300-400 ngàn tỷ đồng. Đây là số tiền không nhỏ!

Trong chỉ thị về một số giải pháp tăng cường quản lý thị trường bất động sản vừa ban hành, Thủ tướng Chính phủ cho rằng cơ cấu hành hóa bất động sản đang mất cân đối, đặc biệt là nhà ở cho thuê đang thiếu. Việc huy động vốn để triển khai các chương trình về nhà ở xã hội cũng còn hạn chế…

Còn quyết định về Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030 đã được Chính phủ phê duyệt cũng đã nhấn mạnh đến việc phát triển nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp. Cụ thể, trong giai đoạn 2011-2015 phấn đấu xây dựng tối thiểu 10 triệu m2 nhà ở xã hội (chủ yếu là chung cư) để giải quyết chỗ ở cho người thu nhập thấp. Riêng giai đoạn 2016-2020 xây dựng tối thiểu 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội tại đô thị…

Phát triển nhà cho thuê

Lâu nay, hầu hết các chủ đầu tư đều quan tâm đến việc làm dự án chung cư để bán, rất ít trường hợp quan tâm đầu tư làm nhà cho thuê vì thời gian thu hồi vốn lâu. Thế nhưng trong giải pháp mới nhất liên quan đến việc tăng cường quản lý thị trường bất động sản, Thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành liên quan nghiên cứu trình Chính phủ đề án nhà ở cho thuê trong quí 1-2012. Trong đó chú trọng phát triển nhà xã hội cho thuê và đề án Quỹ Tiết kiệm nhà ở.

Điều này cho thấy, Chính phủ đang quan tâm đến việc xây nhà cho thuê, vốn là thị trường xã hội có nhu cầu rất lớn nhưng đang bị bỏ ngỏ, đáp ứng nhu cầu của người thu nhập thấp chưa đủ khả năng (hoặc chưa muốn) mua nhà. Trong dự thảo nghị định phát triển đô thị đang được đưa ra lấy ý kiến các đơn vị liên quan, Bộ Xây dựng cũng đề cập đến nội dung trên và bắt buộc các dự án nhà ở phải dành diện tích nhất định để xây nhà cho thuê. Đất để làm nhà này được sử dụng từ 20% diện tích của dự án dành để làm nhà ở xã hội.

Ngoài ra để giải quyết nhà ở cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị, Nhà nước sẽ chủ động đầu tư phát triển quỹ nhà ở xã hội từ ngân sách nhà nước để cho thuê, thuê mua. Mặt khác ban hành các chính sách, cơ chế ưu đãi để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia xây nhà thu nhập thấp để bán, cho thuê.

Nhiều người thu nhập thấp đang kỳ vọng với sự quan tâm của Thủ tướng Chính phủ và những chính sách ban hành kèm theo, trong vòng 5-10 năm tới sẽ giải quyết phần nào nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp. Vấn đề người dân mong mỏi là các ngành liên quan cần có những bước đi cụ thể cũng như các kế hoạch huy động vốn để tạo ra nhiều dự án nhà ở xã hội, để đạt các mục tiêu của chiến lược trên.

Mục tiêu của Chiến lược Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030 là vào năm 2015 diện tích nhà ở bình quân trên đầu người của toàn quốc đạt khoảng 22m2 sàn/người. Trong đó tại đô thị đạt 26m2 sàn/người và tại nông thôn đạt 19m2/người. Đến năm 2020 diện tích nhà ở bình quân toàn quốc đạt 25m2/người, trong đó ở đô thị đạt 29m2/người và nông thôn đạt 22m2/người.

 
N.Tâm - DiaOconline.vn