Ở nước ta, khi mua căn nhà thứ 2, thứ 3 chưa phải đóng thuế, ít nhất là trong năm nay. Trong khi ở các nước phát triển như Mỹ, Singapore,… việc đánh thuế căn nhà thứ hai đã khá chặt chẽ, được các chuyên gia xem một cách bình ổn thị trường, giảm khoảng cách giàu nghèo trong xã hội.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia tư vấn của Công ty bất động sản Shane Herbert, không cần phải trở thành triệu phú đô la, ngày nay, không quá khó để có đủ khả năng sở hữu từ 2 căn nhà trở lên. Đó là nhờ vào các chính sách mua nhà trả góp, hỗ trợ vay vốn khi mua nhà, cộng thêm những thông tin về bất động sản, cơ hội đầu tư bất động sản tiềm năng… ở các quốc gia đang dần trở nên thông thoáng, dễ dàng với nhiều cơ hội phát triển hơn. Thế nhưng, có một điều gần như không thay đổi, đó là quyết định mua căn nhà thứ 2 làm sao cho hợp lý thường không dễ dàng.
Khi đã có căn nhà đầu tiên, đáp ứng đủ những nhu cầu cơ bản cho cuộc sống của gia đình, việc quyết định mua căn nhà thứ 2 không hề đơn giản như nhiều người lầm tưởng. Bởi những rắc rối mà căn nhà thứ 2 mang lại có thể gây ra tổn thất không nhỏ.
Dưới đây là 3 điều cần lưu ý khi mua căn nhà thứ 2, theo các chuyên gia tư vấn của Công ty Shane Herbert:
Cẩn trọng với các chi phí đi kèm
Để sở hữu căn nhà thứ 2, người mua có thể mất một khoản chi phí khá lớn mà họ ít ngờ tới. Đặt qua một bên khoản thuế phải chịu khi mua căn nhà thứ 2, việc sở hữu một căn nhà thứ 2 đồng nghĩa với việc bạn phải bỏ ra chi phí gấp đôi cho 2 nơi. Nếu mua căn nhà thứ 2 đơn giản chỉ để làm “của để dành” thì hằng năm, bạn sẽ phải đóng các khoản thuế nhà đất, phí khu vực…
Còn nếu đó là nơi nghỉ dưỡng cho gia đình vào những dịp cuối tuần hay lễ tết, bạn sẽ phải chịu thêm các khoản như chi phí bảo dưỡng nhà, khấu hao tài sản, các dịch vụ điện nước phát sinh, trông coi nhà… Và tổng cộng những khoản này đôi khi đắt hơn nhiều so với chi phí ở trong khách sạn, thậm chí là vượt cả mức chênh lệch khi bán bất động sản đố.
Bất động sản thay đổi rất chậm, trong khi con người thay đổi rất nhanh
Có thể trong 3 năm, một bất động sản không có biến động giá quá nhiều, nhưng con người thì ngược lại. Sau 3 năm, những đứa trẻ có thể tạm biệt trường tiểu học và bước vào thời kỳ trung học với nhiều rắc rối của tuổi dậy thì. Công việc, cuộc sống, tình trạng sức khỏe của bạn sau 3 năm cũng có thể thay đổi nhanh và có thể khiến những dự tính dành cho bất động sản thứ 2 trở nên sai lầm.
Chúng tôi từng thấy nhiều cặp vợ chồng, sau khi mua căn nhà thứ 2, đã chi nhiều tiền để sửa chữa và tân trang nó, với mục đích ban đầu là nơi nghỉ dưỡng và sau này là nơi nghỉ hưu. Thế nhưng, đột nhiên một người trong 2 vợ chồng phát hiện ra một căn bệnh quái ác và phải nhập viện thường xuyên. Trong khi ở khu vực căn nhà thứ 2, hệ thống y tế không đủ điều kiện để chữa trị cho căn bệnh ấy. Thế là kế hoạch nghỉ hưu ở căn nhà mới bị phá sản, trong khi hai vợ chồng gần như chôn toàn bộ vốn của mình ở căn nhà đó. Sau này, khi bán được căn nhà, họ nhận về một khoản lỗ khổng lồ, chưa kể họ còn buộc phải thay đổi kế hoạch nghỉ hưu của mình theo những điều kiện mới, cả về sức khỏe và tình trạng tài chính thâm hụt.
Vì thế, khi mua căn nhà thứ 2, bạn nên xác định trước kế hoạch tài chính cho mình và gia đình thật cụ thể, đặc biệt là ở những hạng mục như thời gian sống ở từng nơi bao lâu, cuộc sống muốn hướng tới như thế nào, tình trạng sức khỏe, điều kiện chăm sóc y tế, học vấn của con cái sẽ thay đổi ra sao… để đối chiếu với cơ sở hạ tầng ở căn nhà thứ 2, từ đó đưa ra quyết định mua thật hợp lý.
Dự trù các tình huống xấu nhất
Sẽ thật lý tưởng khi bạn mua một căn nhà thứ hai, để vừa là nơi thỉnh thoảng thay đổi không khí cho gia đình, vừa có thể là của để dành, hay cho thuê, kinh doanh. Thế nhưng, giống như mọi cuộc đầu tư khác, khi đã bước chân vào, bạn phải dự trù hết những cơ hội và cả những tình huống xấu nhất có thể xảy ra.
Nếu định cho thuê nhà, bạn sẽ làm gì nếu không có người nào thuê? Nếu định bán lại nó với giá cao sau vài năm, bạn sẽ làm gì khi giá nhà đất bất ngờ sụt giảm? Hãy dự trù mọi thứ thật rõ ràng, bởi thị trường có thể đi lên hoặc xuống, và tình trạng công việc, điều kiện kinh tế gia đình có thể thay đổi. Vì vậy, việc không có kế hoạch dự phòng có thể khiến mọi thứ xấu đi nhanh chóng và vượt quá tầm kiểm soát.
Cách tốt nhất là phải có sẵn một chiến lược rút lui trước khi mua căn nhà thứ 2. Hãy có ít nhất một quỹ dự phòng đủ lớn, bởi với tính thanh khoản thấp, thường phải mất từ nửa năm cho tới một năm, bạn mới có thể bán lại được một căn nhà. Và chúng tôi từng thấy rất nhiều người sụp đổ sau khi dồn hết tiền vào việc mua căn nhà thứ 2. Khi mà họ vừa bị chôn vốn, vừa không thể cắt lỗ, vừa không thể ngừng vay mượn để đắp vào chi phí cứ ùn ùn kéo tới.
DiaOcOnline.vn - Theo DNSGCT