3 giai đoạn để đầu tư

Cập nhật 17/03/2009 10:15

Tình hình kinh tế thế giới và trong nước diễn biến nhanh, phức tạp và khó lường, vừa như đang tìm đáy mới, vừa như có dấu hiệu đã vượt qua đáy, thì việc tìm địa chỉ đầu tư cho đồng tiền của các nhà đầu tư cá nhân là không dễ dàng, thậm chí còn rất khó khăn. Trong điều kiện cứ tạm gọi là “giao thời” như thế, việc lựa chọn kênh đầu tư để kết hợp ngắn hạn và dài hạn, để xác định tầm nhìn là rất quan trọng.

Khi nền kinh tế chưa phục hồi - có thể chưa đến đáy hoặc sắp vượt qua đáy - thì nghĩ đến vàng là cần thiết. Sự cần thiết này xuất phát từ bốn căn cứ. Căn cứ thứ nhất, đó là dòng vốn đầu tư tìm đến nơi “trú ẩn an toàn” để bảo toàn vốn. Căn cứ thứ hai là do kênh đầu tư vào vàng có tính thanh khoản cao, nên việc “tạm trú” sẽ có tính cơ động nhất để chớp thời cơ đón đầu vào kênh đầu tư nào có sức hấp dẫn hơn.

Căn cứ thứ ba là vàng còn là kênh đầu tư có hiệu quả, do mấy năm nay, nhiều nhà đầu tư lớn đã đầu tư có tính “đầu cơ lướt sóng” vào vàng, làm cho chênh lệch giá vàng khi lên/xuống rất lớn, tạo ra chênh lệch giá (lãi/lỗ) khá cao. Căn cứ thứ tư là cơ cấu dự trữ quốc tế của nhiều nước và vùng lãnh thổ bao gồm vàng và ngoại tệ, thường xuyên dịch chuyển (lúc tăng tỷ trọng vàng, lúc tăng tỷ trọng ngoại tệ). Điều đó lý giải tại sao giá vàng thế giới và ở Việt Nam thời gian qua khá mạnh. Tuy nhiên, đầu tư vào vàng chủ yếu là để bảo đảm an toàn, là nơi tạm trú, có tính chất trung gian nhiều hơn là đầu tư trực tiếp; muốn đầu tư trực tiếp còn phải qua đồng tiền.

Khi nền kinh tế có dấu hiệu đã ở đáy, thì chứng khoán sẽ là kênh thứ hai mà các nhà đầu tư tìm đến. Lý giải cho sự chọn lựa này, các chuyên gia đưa ra một số nguyên nhân. Có nguyên nhân do thị trường chứng khoán thường bị tác động đầu tiên khi khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới, đồng thời cũng là thị trường được phục hồi sớm nhất (thường trước từ 3 đến 6 tháng so với khi kinh tế phục hồi).

Khi các doanh nghiệp tiêu thụ được sản phẩm do nhu cầu tiêu dùng tăng lên, thì nhu cầu vốn đầu tư cho sản xuất kinh doanh tăng, sẽ kéo kinh tế tài chính - tiền tệ nói chung và giá chứng khoán tăng lên theo. Chỉ số chứng khoán trên thế giới tuy lúc trồi, lúc sụt, nhưng đã có phiên tăng điểm mạnh.

Chỉ cần kinh tế le lói tín hiệu phục hồi và giá vàng xuống dưới mức 900 USD/ounce (đối với thế giới) hay dưới 19 triệu đồng/lượng (đối với thị trường trong nước), khi tín dụng thực sự tăng trưởng cao hơn (gần đây tuy tín dụng gắn với bù lãi suất được giải ngân khá - lên đến một phần ba mức dự kiến - nhưng tín dụng vẫn còn tăng thấp), thì dòng tiền đầu tư sẽ có xu hướng nhắm đến chứng khoán. Tuy nhiên, hy vọng trở về mức điểm cuối năm 2008 phải từ quý 3/2009 trở đi.

Khi kinh tế có dấu hiệu vượt qua đáy để phục hồi và chứng khoán đã đi lên một cách vững chắc, thì thị trường bất động sản sẽ ấm lên về giao dịch, tạo tiền đề ấm lên về giá. Vừa qua, việc giao dịch trên thị trường bất động sản có ấm lên, nhưng chủ yếu do nhiều nhà đầu tư đã giảm giá bán hoặc chuyển dịch cơ cấu sản phẩm (từ hầu hết là căn hộ có diện tích rộng sang căn hộ có diện tích hẹp hơn, phù hợp với túi tiền của người có nhu cầu thực hiện nay).

Để thị trường bất động sản ấm lên thực sự về giao dịch và về giá thì sẽ chỉ diễn ra sau khi thị trường chứng khoán hồi phục, khi đó số tiền thắng trên thị trường chứng khoán sẽ sang bất động sản. Nhưng thời gian có thể phải sau năm 2010.

Như vậy, trình tự sẽ là: vàng (trú ẩn, tạm trú) - chứng khoán (khi vàng có xu hướng xuống) - bất động sản (khi chứng khoán thắng).


DiaOcOnline.vn - Theo Thanh Niên