Tại buổi họp mới đây, Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) đã thẩm định và cam kết vốn để thiết kế kỹ thuật cho dự án đường sắt trên cao Hà Nội, đoạn Ngọc Hồi - Yên Viên trong năm tài khoá 2007.
Theo Ban quản lý các dự án đường sắt (Tổng công ty Đường sắt VN), khoảng tháng 3/2008, hai bên sẽ ký hiệp định vay vốn, sau đó sẽ khảo sát thiết kế và xây dựng dự án. Dự kiến, tổng mức đầu tư dự án khoảng 27.000 tỷ đồng, được chia làm hai giai đoạn.
Giai đoạn 1 với tổng vốn đầu tư hơn 18.000 tỷ đồng dành xây dựng và đưa vào khai thác đoạn đường sắt trên cao Gia Lâm - Giáp Bát. Giai đoạn 2 gần 8.900 tỷ đồng sẽ xây dựng đoạn Giáp Bát - Ngọc Hồi và Gia Lâm - Yên Viên.
Ông Trần Văn Lục, Giám đốc Ban quản lý các dự án đường sắt (RPMU) cho biết: Dự án đường sắt trên cao Yên Viên - Ngọc Hồi là đường sắt đôi, dài khoảng 25km. Hướng tuyến bám sát theo tuyến hiện tại để hạn chế khối lượng GPMB, trong đó đoạn từ ga Hà Nội đến ga Văn Điển, ưu tiên mở rộng về bên trái, đoạn từ ga Hà Nội đến cầu Long Biên, ưu tiên mở về phía đường Phùng Hưng.
Với hướng tuyến trên, khối lượng GPMB đã được hạn chế đến mức tối đa, song dự án vẫn cần một quỹ đất khá lớn. Tổng quỹ đất cần để xây dựng dự án khoảng 148 ha. Trong khi quỹ đất hiện có dọc theo trục đường sắt quốc gia khoảng 108,45ha.
Như vậy, quỹ đất cần thêm để thực hiện dự án khoảng 39,55 ha để xây dựng ga Ngọc Hồi và mở rộng hành lang đường sắt tại những vị trí chật hẹp không đủ diện tích xây dựng. Cụ thể: Quỹ đất đền bù để xây dựng công trình trong nội thành đoạn từ Giáp Bát đến Long Biên ước khoảng 54 nghìn m2 và sẽ phải di dời (hoặc xén bớt) gần 900 hộ gia đình.
Dự án khả thi đường sắt trên cao này đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua tại văn bản số 195/CP – CN, trong đó nêu rõ “ Đồng ý với chủ trương đầu tư và chấp thuận nội dung chủ yếu của báo cáo nghiên cứu khả thi, tuyến Yên Viên - Ngọc Hồi do Bộ GTVT trình….”.Dự án phù hợp với quy hoạch phát triển ngành GTVT, với điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội, quy hoạch phát triển GTVT thành phố Hà Nội đến 2020….
Ngoài 5 ga dùng chung giữa đường sắt quốc gia và đường sắt đô thị thuộc dự án đường sắt trên cao Yên Viên - Ngọc Hồilà Ngọc Hồi, Giáp Bát, Hà Nội, Gia Lâm, còn có 11 ga chỉ dùng cho vận tải hành khách đô thị. Các ga này kết hợp lại sẽ đóng vai cho như các trạm đón trả khách, phục vụ nhu cầu đi lại thuận tiện của người dân đô thị.
Trên 25km đường sắt trên cao, 11 ga chỉ dùng cho vận tải khách đô thị gồm ga Vĩnh Quỳnh, Văn Điển, Hoàng Liệt, Phương Liệt, Bạch Mai, Công viên Lênin, Phùng Hưng, Long Biên Nam, Long Biên Bắc, Đức Giang và cầu Đuống. Các ga này sẽ được xây dựng trên cao tại các vị trí thuận tiện cho việc đi lại và di chuyển của hành khách sang các loại hình vận tải khác với kết cấu nhẹ, đơn giản, có hệ thống thang máy phục vụ hành khách lên xuống tàu.
Theo Kinh Tế & Đô Thị