21.000 hộ dân sống ven kênh rạch TPHCM sẽ đi về đâu?

Cập nhật 11/03/2018 08:45

Thực hiện chủ trương chỉnh trang đô thị, tổ chức lại cuộc sống cho người dân được tốt hơn, những năm qua, TPHCM đã di dời được gần 40.000 căn nhà “ổ chuột” ở trên, ven kênh rạch. Hiện thành phố đặt mục tiêu từ nay đến năm 2020 tiếp tục di dời, tái lập lại cuộc sống cho khoảng hơn 21.000 căn hộ “ổ chuột” lụp xụp trên, ven kênh rạch thành phố. Tuy nhiên, vấn đề đang được đặt ra là hàng chục nghìn hộ dân này sẽ đi về đâu khi thành phố thực hiện di dời nhà trên, ven kênh rạch?


Cảnh đối lập giữa khu nhà "ổ chuột" ở quận 4 với những dãy chung cư cao tầng. Ảnh: MINH QUÂN

Người dân băn khoăn không biết đi về đâu?

Trước đây, khi nói đến nhà "ổ chuột", người ta sẽ nghĩ ngay đến những dòng kênh thuộc loại ô nhiễm bật nhất ở TPHCM như: Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hủ - Bến Nghé, Tân Hóa - Lò Gốm. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của chính quyền thành phố, thì trong nhiều năm qua, hàng chục nghìn hộ dân sống trên và ven kênh rạch này đã được di dời đến những nơi ở mới khang trang hơn, cuộc sống tạm dần ổn định và thoát khỏi cảnh sống chui rúc trong những ngôi nhà lụp xụp, ô nhiễm và nguy cơ bệnh tật.

Ông Nguyễn Văn Dũng (sống tại chung cư Nhiêu Lộc, Quận Tân Phú), chia sẻ: "Trước đây gia đình tôi sống trong căn chòi tạm bợ "ổ chuột" dọc ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, lúc đó dọc ven kênh này ô nhiễm, nhớp nhúa kinh khủng. Lúc đó, do không có điều kiện nên đành chấp nhận sống trong ngôi nhà tạm bợ. Tuy nhiên, sau đó chính quyền thành phố có chính sách hỗ trợ khi di dời nên gia đình tôi được tái định cư ở chung cư Nhiêu Lộc. Nhờ vậy, mà nhiều năm qua, gia đình tôi mới có chỗ ở ổn định đàng hoàng, giúp gia đình tôi có chỗ an cư và lạc nghiệp, đến giờ cuộc sống khá ổn định".

Trong khi những hộ sống ven kênh rạch trước đây được di dời đã ổn định chỗ ở, cuộc sống thì giờ đây khi biết chủ trương TPHCM chuẩn bị cho cuộc di dời tiếp theo với khoảng 21.000 sống trên và ven kênh rạch còn lại trên địa bàn TPHCM, nhiều hộ dân hộ thuộc diện sắp di dời nửa mừng, nửa lo.

“Mừng vì sắp có chỗ ở tử tế, thoát khỏi cảnh nước ngập, hôi thối, rác rưởi với bệnh tật rình rập. Nhưng lo vì nếu lên chung cư ở tiền đâu đóng tiền nhà… Ở đây, tuy nhà cửa lụp xụp nhưng có chỗ chui ra chui vào, ngày ngày đi lượm ve chai, bán rổ rau cũng đủ ăn chứ lên chung cư thì lấy gì ăn?”- ông Trần Văn Biên (77 tuổi, sống ở bờ Nam Kênh Đôi, quận 8) lo lắng.

Ông Biên cho biết, gia đình ông ở đây đã hơn 60 năm qua. Căn nhà ông đang ở có chiều dài 16m, trong đó một nửa là dưới kênh. “Ở vậy mấy chục năm rồi, nhiều lúc trời mưa, nước lớn mà có tàu thuyền chạy qua, sóng đánh mạnh là căn nhà lại lắc lư như võng. Nhiều hôm nửa đêm đang ngủ giật mình vì tiếng rung lắc phía dưới, tưởng nhà sập”, ông Biên kể.

Cũng như ông Biên, gia đình bà Nguyễn Thị Liên (63 tuổi) với 5 thành viên sống chung trong căn chòi ọp ẹp dưới chân cầu Dừa (phường 2, quận 4). Hàng ngày bà Liên ở nhà giữ hai đứa cháu ngoại. Con cái thì người đi làm phụ hồ, người đi rửa bát thuê kiếm sống hàng ngày. Nơi gia đình bà Liên tá túc không phải là nhà mà chỉ là một căn chòi được ghép bởi nhiều tấm tôn cũ kỹ, lơ lửng trên mặt kênh. Những tấm bìa cát-tông được bà lượm ngoài đường về treo lên cho bớt nóng.

Căn chòi chưa đầy 10m2 chứa đủ thứ vật dụng từ xe cộ đến nơi nấu nướng, ăn ngủ và “nhà cầu”, chuột chạy rầm rầm như chốn không người. “Dù muốn có một căn nhà kiên cố để sống ổn định nhưng điều kiện gia đình quá khó khăn không thể chuyển đi nơi khác” - bà Liên nói.

Căn nhà gỗ có diện tích khoảng 20m2 của gia đình bà Nguyễn Thị Lệ nằm ven kênh Tẻ (quận 4) hiện xuống cấp nghiêm trọng. Bà cho biết, nhà có 6 người, bao gồm các con, cháu trong gia đình. "Cách đây vài năm, tôi cũng có nghe chủ trương giải tỏa nhà cửa ven kênh nhưng chờ hoài chưa thấy. Tôi mong chính quyền sớm di dời bà con ở đây đến nơi ở mới khang trang hơn. Sống ở đây chật chội và ô nhiễm lắm" - bà Lệ chia sẻ.

Hầu hết các hộ dân sống trên, ven kênh rạch thuộc diện di dời đều có chung nỗi lo đó là họ không biết rồi sẽ đi đâu về đâu? Liệu chỗ ở mới có xa nơi hiện tại không?...


Nhà “ổ chuột” ven kênh Tẻ (quận 4) xuống cấp trầm trọng, người dân luôn nơm nớp lo sợ không biết lúc nào nhà sập. Ảnh: MINH QUÂN

“Khát” vốn chỉnh trang đô thị

Theo ông Trần Trọng Tuấn - Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, tính đến thời điểm hiện tại, TPHCM đã di dời 36.000 căn nhà trên, ven kênh rạch. Hiện thành phố vẫn còn 21.850 căn nhà trên, ven kênh rạch cần phải di dời để chỉnh trang đô thị, tái lập cuộc sống cho người dân. Một số quận có nhiều nhà ven, trên kênh rạch như quận 8 có 11.447 căn, Bình Thạnh 2.959 căn, quận 7 có 2.055 căn…

Tuy nhiên, sau 2 năm từ khi Thành ủy TPHCM đưa chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị vào chương trình đột phá, đến nay toàn thành phố chỉ mới di dời được 502 căn thuộc 8 dự án. Nguyên nhân là ngân sách nhà nước dành cho chương trình này chỉ có 2.100 tỉ đồng, trong khi thành phố cần hơn 30.000 tỉ đồng. Trước đây, TPHCM chủ trương thực hiện chỉnh trang đô thị bằng vốn ngân sách và đã thực hiện tốt ở các dự án kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm... Nhà nước bồi thường xong thì giao đất sạch cho nhà đầu tư tiến hành xây lắp. Nhưng hiện nay ngân sách hạn hẹp, TP khuyến khích thực hiện phương thức đối tác công - tư (PPP) thanh toán theo hợp đồng BT. Nghĩa là nhà đầu tư được khai thác quỹ đất dọc tuyến kênh rạch (hoặc dự án khác) để kinh doanh thu hồi vốn theo hợp đồng BT.

Cụ thể, theo kế hoạch, thành phố sẽ chia làm ba nhóm triển khai di dời nhà ven kênh, chỉnh trang đô thị. Trong đó, nhóm một sẽ sử dụng vốn ngân sách thực hiện tại những rạch nhỏ, không có giá trị thương mại, không thu hút được đầu tư. Nhóm này gồm 52 dự án với khoảng 14.400 căn; kinh phí bồi thường, tái định cư gần 22.400 tỉ đồng. Nhóm hai được thực hiện bằng nguồn vốn doanh nghiệp, tập trung tại ba tuyến kênh, di dời khoảng 1.800 căn, kinh phí dự kiến hơn 2.700 tỉ.

Riêng nhóm ba thực hiện theo hình thức đối tác công - tư (PPP) với 6 dự án tại quận Bình Thạnh, 8 và 7 - di dời hơn 6.200 căn, kinh phí khoảng 19.000 tỉ đồng. "Nhà đầu tư được mời gọi tham gia chỉnh trang đô thị, sau đó được khai thác quỹ đất dọc tuyến kênh hoặc dự án khác để thu hồi vốn" - ông Tuấn nói.

Tái đầu tư tại chỗ

Trong năm 2018, dự kiến TPHCM sẽ sử dụng vốn ngân sách nhà nước để di dời và tổ chức lại cuộc sống cho khoảng 1.482 hộ dân với tổng kinh phí được ghi vốn bồi thường là 4.494,3 tỉ đồng. TPHCM cũng sẽ đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư thực hiện 3 dự án trọng điểm theo hình thức đối tác công tư (PPP). Cụ thể, 3 dự án trọng điểm mà thành phố ưu tiên chọn là chỉnh trang đô thị dọc theo bờ Nam kênh Đôi (quận 8), cải tạo rạch Xuyên Tâm và rạch Văn Thánh (Bình Thạnh) với hơn 6.600 hộ dân bị ảnh hưởng. Dự kiến, kinh phí bồi thường hơn 15.000 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, TPHCM sẽ hỗ trợ UBND quận 8 đẩy nhanh tiến độ thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng 3 dự án, trong đó dự án tái định cư các hộ sống trên và ven bờ Nam Kênh Đôi sẽ được triển khai theo hình thức PPP, với tổng số vốn gần 9.300 tỉ đồng.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đánh giá, mục tiêu phải giải tỏa hơn 20.000 căn nhà ven kênh rạch là rất khó, song thành phố đã có sẵn chủ trương, giải pháp cũng như quyết tâm thì chắc chắn sẽ thực hiện được.

Trong các dự án cải tạo nhà ven và trên kênh rạch để chỉnh trang đô thị thì TPHCM chọn ra 6 dự án ưu tiên, trong đó có dự án rạch Xuyên Tâm rất lớn. Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, nguyên tắc thực hiện dự án là người dân ở trên và ven kênh rạch sẽ được tái định cư ở gần đó chứ không đi xa. Người dân sẽ không chiếm đất chỗ khác để ở mà nhà đầu tư sẽ xây dựng những chung cư bên bờ kênh rạch để họ ở đó. Phương châm là tái đầu tư tại chỗ. Cùng với đó, hai phần đất liền bờ sông sẽ làm đường đi, như vậy sẽ góp phần giảm ách tắc giao thông.

“Tùy loại kênh rạch, đặc điểm từng vị trí mà thành phố sẽ thỏa thuận với nhà đầu tư phần đất mà họ được kinh doanh khai thác dọc bờ sông. Tinh thần là giao cho người dân quyền khai thác hai bên bờ ở mức phù hợp chứ nhà nước không đưa tiền vào. Chính nguyên tắc này nhà đầu tư nêu ra cho TPHCM, còn tùy vào giá cụ thể thì thành phố sẽ tính toán. Nếu có hỗ trợ thì cũng rất ít thôi. Sắp tới, TP.HCM sẽ cố gắng làm một vài dự án trước để rút kinh nghiệm, sau đó sẽ triển khai rộng ra” - ông Nguyễn Thiện Nhân thông tin.


DiaOcOnline.vn - Theo Lao động