Theo thống kê của cơ quan quản lý, tại Hà Nội mới chỉ có 20% số chung cư đã bàn giao quỹ bảo trì cho Ban quản trị do cư dân bầu ra, 80% còn lại vẫn trong tình trạng nhập nhèm.
Nếu lấy 80% của con số hơn 600 chung cư tại Hà Nội chậm trễ bàn giao 2% phí bảo trì thì sẽ ra số tiền hàng trăm tỷ đồng đang không được sử dụng một cách minh bạch. Và quan trọng hơn, đó là “quả bom nổ chậm” sẵn sàng bùng phát mâu thuẫn tại rất nhiều khu dân cư.
Từ khi Nghị định 99/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở có hiệu lực từ ngày 10/12/2015, những tưởng tình trạng "chây ì" bàn giao phí bảo trì chung cư sẽ chấm dứt. Thế nhưng, thực tế cho thấy "cuộc chiến" quỹ bảo trì chung cư chưa bao giờ hết nóng khi vẫn còn quá nhiều chủ đầu tư không hoặc chậm trao trả lại quỹ này cho đại diện dân cư.
Một chung cư tại Hà Đông, bàn giao nhà từ năm 2013, sau gần 4 năm, quỹ bảo trì vẫn chưa được chủ đầu tư bàn giao. Vừa qua, khi nhận được quá nhiều thắc mắc, chủ đầu tư này “nổi khùng” tuyên bố hợp đồng không đề cập khoản phí bảo trì nên không phải nộp lại!?
Cũng bàn giao nhà từ năm 2013, người dân một chung cư tại Minh Khai mãi không thấy bóng dáng của khoản phí bảo trì được trao trả lại. Lấy lý do có tranh chấp nội bộ cư dân và tranh chấp Ban quản trị, chủ đầu tư cho rằng cần phải đảm bảo an toàn khoản phí bảo trì nên họ… tạm giữ lại. Thời gian tạm giữ đến nay cũng đã 4 năm và rất nhiều hạng mục đang xuống cấp, cần phí bảo trì để sửa chữa lại.
Cách đó không xa, một chung cư khác cũng đã xuống cấp sau một thời gian dài sử dụng. Đối mặt với những rủi ro do thiết bị hỏng hóc, cư dân yêu cầu chủ đầu tư phải hoàn trả khoản phí bảo trì đã "chây ì" từ rất lâu, thì đáp lại chỉ là lời hứa hẹn sẽ bàn giao được 10% kinh phí do tình hình tài chính gặp nhiều khó khăn. Nếu cư dân đồng ý, đơn vị này sẽ chuyển trả tiếp 10 - 12% số tiền còn lại trên mỗi quý.
Ba câu chuyện nêu trên mới chỉ là số ít trong muôn vàn câu chuyện cười ra nước mắt về việc cư dân nắm dao đằng lưỡi.
Dù Luật và các văn bản dưới luật đều khẳng định, khoản phí này là của người dân và chủ đầu tư chỉ tạm giữ ban đầu, sau đó phải bàn giao lại, nhưng do số tiền quá lớn, ít thì cả tỷ, nhiều thì đến vài chục tỷ, thậm chí cả trăm tỷ đồng, nên nhiều chủ đầu tư luôn "có ý" để giữ lại khoản tiền này càng lâu càng tốt.
Trong khi các chủ đầu tư ung dung hưởng lợi từ việc chậm bàn giao quỹ bảo trì, nhiều tòa nhà đã xuống cấp, dịch vụ không đảm bảo, gây nguy hiểm cho người sử dụng. Tình trạng thang máy rơi tự do, vôi vữa bong tróc, lan can hoen rỉ… không còn là hiếm tại một số chung cư mới tại Hà Nội.
Theo tính toán của một số chuyên gia, nếu các chung cư được sửa chữa, bảo dưỡng một cách đầy đủ, thường xuyên và có tính toán thì có thời hạn sử dụng lên tới 40 - 50 năm, còn nếu không được sữa chữa, bảo dưỡng đầy đủ thì chỉ từ 6 - 10 năm là sẽ xuống cấp nhanh chóng.
Được biết, cơ quan quản lý đang tiến hành thống kê tình trạng chậm trả quỹ bảo trì tại TP.HCM và Hà Nội. Hy vọng rằng, sẽ sớm có biện pháp đủ mạnh để đưa khoản tiền này về với đúng người chủ sở hữu đích thực của nó.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản