Kết thúc năm 2015, không ít ý kiến từ giới phân tích ngành BĐS tỏ ra nghi ngại về những dấu hiệu manh nha cho cơ hội tái diễn bong bóng BĐS. Tuy nhiên, theo GS.TSKH Đặng Hùng Võ, chưa có lý do để lo việc tích tụ đầu cơ – tăng giá bất thường trên thị trường sẽ tái hiện thảm cảnh địa ốc thời kỳ 2010-2012.
Để dự báo về khả năng tích tụ bong bóng, biểu hiện chủ yếu các hiện tượng như sau: giá tăng hàng ngày, hàng tuần và mặt bằng giá cao hơn nhiều so với giá BĐS xác định theo phương pháp thu nhập từ cho thuê; tín dụng BĐS tăng nhanh và các ngân hàng thương mại có xu hướng muốn tăng lãi suất, thị trường cũng đủ sức thu hút mọi nguồn vốn trong xã hội, nhất là vốn từ tiền tiết kiệm của dân, từ vốn của các nhà đầu tư nhỏ lẻ; thị trường BĐS nóng lên rất rõ với số lượng giao dịch tăng hàng ngày, hàng tuần; những người kinh doanh BĐS đạt lợi nhuận rất cao (vẫn gọi là siêu lợi nhuận).
Lo quá xa…
Đối chiếu với hiện nay, tất cả những biểu hiện trên đều không có. Một số dự án phát triển BĐS ở những vị trí thuận lợi có biểu hiện tăng giá ở mức một hai phần trăm sau một vài tuần phân phối hàng hóa so với giá chào lúc ban đầu. Việc tăng giá như vậy không phải do đầu cơ mà đơn giản chỉ là do lợi thế của riêng dự án đó, không phản ảnh xu hướng sốt giá trên toàn thị trường.
Trong cả năm 2015, lượng tồn kho BĐS được giảm hàng tháng từ khoảng 2% tới 5%, những tháng cuối năm có xu hướng giảm mạnh hơn. Điều này cho thấy kho BĐS tồn đọng sẽ được từng bước giải quyết trong quá trình ấm lên của thị trường.
Tất nhiên, tình trạng tồn kho hiện nay là hệ quả của một thời gian dài sốt giá cao gắn với đầu cơ. Tình trạng này đã làm cho các nhà đầu tư chỉ cần tìm được đất, xây thành nhà là nhìn thấy siêu lợi nhuận, nhà đó không cần để ở mà chỉ để mua đi bán lại.
Khi thị trường BĐS rơi vào trầm lắng, người ta chỉ quan tâm tới nhà để ở thì các dự án không quan tâm tới điều kiện sống sẽ đương nhiên rơi vào tình trạng tồn kho, các KĐT trở thành các khu phố, thành phố “ma”. Giải tỏa kho BĐS tồn đọng không thể nhanh mà cần có thời gian đáng kể.
Để phát triển thị trường BĐS 2016, còn rất nhiều việc phải làm khi căn cứ vào các quy định đổi mới của Luật Nhà ở 2014 và Luật Kinh doanh BĐS 2014.
Trước hết, vấn đề an sinh xã hội về nhà ở là điều cần được đặt ra và xem xét chi tiết từng việc. Sau đó là tập trung phát triển các phân khúc có thể mang lại lợi ích chung cũng như lợi ích của các bên tham gia.
Theo dõi diễn biến của thị trường BĐS năm 2015 có thể thấy phân khúc nhà ở giá trung bình và giá trên trung bình có cơ hội phát triển mạnh. Bên cạnh đó, phân khúc giá rẻ vẫn tiếp tục phát triển với nguồn cung ổn định hàng năm. Phân khúc này khó có điều kiện tăng cung mạnh vì yếu tố thị trường không cao, phụ thuộc rất nhiều vào sự trợ giúp của Nhà nước mà khả năng trợ giúp này lại luôn có hạn.
Không có lý do gì phải lo tới bong bóng BĐS khi giá đang rất ổn định, nhà đầu tư nhỏ lẻ chưa quyết định bỏ vốn vào đầu tư.
|