2008 - Năm của các siêu dự án

Cập nhật 15/01/2008 09:00

Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng đã đăng ký giải ngân với Chính phủ số vốn lên tới hơn 27.500 tỉ. Đây là mức giải ngân cao nhất từ trước tới nay, theo đó, sẽ có hàng loạt dự án giao thông cực lớn được khởi công trong năm 2008.

Khởi công hàng loạt “siêu” dự án

Trao đổi bên lề Hội nghị tổng kết công tác năm 2007, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho biết: Đây là mức giải ngân cao nhất từ trước tới nay của ngành giao thông. Hàng loạt các dự án đường cao tốc, các đường trục chính của các trung tâm kinh tế về cơ bản đã có đủ điều kiện để trong năm 2008 khởi công theo chiến lược phát triển GTVT của Chính phủ.

Những dự án này không chỉ làm thay đổi diện mạo hạ tầng giao thông mà còn trực tiếp đóng góp vào sự tăng trưởng chung của kinh tế đất nước trong năm bản lề của kế hoạch 5 năm.

Đứng đầu về tổng mức đầu tư là dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai có chiều dài 264 km với số tiền giai đoạn 1 đã lên tới 19.984 tỷ đồng (tương đương 1,24 tỷ USD). Đây là dự án trọng điểm quốc gia nằm trong hành lang hợp tác Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng giữa 2 chính phủ Việt Nam - Trung Quốc.

Dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 24.000 tỷ đồng, là tuyến đường được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A với chiều dài khoảng 105,5 km. Dự kiến công trình được khởi công vào tháng 5/2008 và hoàn thành vào cuối năm 2011.

Dự án xây dựng đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 9.890 tỷ, giai đoạn hoàn chỉnh là 18.884 tỷ dồng, dự kiến khởi công vào đầu quý IV/2008 và hoàn thành vào năm 2012.

Và dự án xây dựng cầu Nhật Tân - cây cầu lớn, hiện đại, đẹp nhất ở Hà Nội do Bộ GTVT làm chủ đầu tư sẽ được khởi công vào cuối quý IV. Tổng mức đầu tư xây dựng cây cầu này lên tới 9.000 tỷ đồng bằng vốn ODA của Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ…

Ngoài các “siêu” dự án kể trên, một loạt các dự án quy mô lớn khác cũng được Bộ GTVT khởi công xây dựng cấp tập trong thời gian tới là: Quốc lộ 3 Hà Nội - Thái Nguyên (320 triệu USD), cảng Thị Vải - Cái Mép (185 triệu USD), 44 cầu đường sắt (290 triệu USD), vành đai 3 Hà Nội giai đoạn 2 (312 triệu USD), cơ sở hạ tầng đồng bằng sông Cửu Long (138 triệu USD), 1.600km tỉnh lộ miền Trung - Tây Nguyên (125 triệu USD) …

Ám ảnh tiến độ công trình

Đầu tư xây dựng cơ bản là một trong những giải pháp hàng đầu để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, an ninh, quốc phòng nhưng tiến độ xây dựng công trình hầu hết đều rất “ì ạch”.

Nếu những năm trước, nguyên nhân đầu tiên thường được nêu là thiếu vốn. Đến năm 2007, theo đánh giá của Bộ Tài chính, vốn đầu tư không những không thiếu mà còn thừa so với mục tiêu đầu năm vì một số công trình đăng ký mà không thực hiện được. Vậy mà tiến độ nhiều công trình vẫn chậm.

Lý giải cho điều này, không ít địa phương và nhà thầu báo cáo là do thời tiết năm nay không thuận lợi, thiên tai địch hoạ liên miên. Thế nhưng, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng đã thắng thắn cho rằng: Nguyên nhân chính dẫn đến tiến độ chậm là do con người.

“Có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân thuộc về cơ chế chính sách của quản lý nhà nước. Cái thứ hai là công tác quản lý nhà nước của Bộ và thực hiện quy chế chủ đầu tư của Bộ cũng như các Cục được giao trong điều hành có những thời điểm chưa được quyết liệt.

Cái thứ ba là yếu tố về năng lực các nhà thầu chưa đảm bảo về năng lực tài chính cũng như thiết bị để đảm bảo thực hiện công trình cho đúng tiến độ. Cái cuối cùng là một số nguyên nhân khách quan như công tác giải phóng mặt bằng, giá cả tăng cao… Khách quan nhưng là một trong những nguyên nhân lớn nhất” - Bộ trưởng Dũng cho biết.

Giải pháp cho vấn đề này, vị tư lệnh của ngành giao thông vận tải khẳng định: “Năm 2008, Bộ GTVT sẽ tập trung vào vấn đề về phân cấp chủ đầu tư, phân cấp BQL dự án, các hướng dẫn về cơ chế để điều chỉnh tổng dự toán, tổng mức đầu tư trong điều kiện trượt giá như hiện nay và củng cố lại các mô hình BQL dự án và tiếp tục phân cấp mạnh mẽ hơn nữa cho các chủ đầu tư, địa phương, doanh nghiệp thực hiện dự án.

Đồng thời, Bộ sẽ tiếp tục tạo ra hành lang cơ chế pháp lý huy động nhiều thành phần kinh tế, nhiều loại hình doanh nghiệp tham gia đầu tư từ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông chứ không phải chỉ tập trung vào một vài doanh nghiệp nhà nước hay một vài công ty trực thuộc”.

Theo Dân Trí