20 công trình kiến trúc thời đổi mới: Nhiều dấu hỏi...

Cập nhật 16/04/2008 16:00

Dù không được biết trước một cách rộng rãi, kết quả bình chọn những công trình kiến trúc thời kỳ đổi mới do Hội Kiến trúc sư VN tổ chức nhân 60 năm thành lập hội cũng đã thu hút sự quan tâm nhất định từ công chúng, giới kiến trúc sư (KTS) và các nhà đầu tư.

Với hàng chục ngàn công trình mọc lên mỗi năm trên một đất nước đang được coi là "đại công trường", 20 là một con số lựa chọn khắt khe. Nhưng nếu thật sự đứng được với thời gian, 20 công trình kiến trúc tiêu biểu cho 20 năm đổi mới cũng đã là quá nhiều.

Từ tiêu chí của hội đồng...

20 công trình có những cái tên đã đi vào đời sống xã hội từ lâu, thậm chí hình thành hẳn một phong cách sống mới, một trình độ hưởng thụ cuộc sống mới như khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng (TP.HCM) hay The Nam Hải Resort (Hội An); hoặc góp phần thay đổi diện mạo kinh tế cả một khu vực rộng lớn như cầu Mỹ Thuận (Vĩnh Long), cầu Bãi Cháy (Quảng Ninh)... Nhưng cũng có những cái tên còn khá xa lạ, có thể vì địa điểm khuất nẻo (đài tưởng niệm liệt sĩ Tuyên Quang), hay qui mô công trình nhỏ (cà phê Gió và Nước, Bình Dương) và thậm chí những công trình gây kinh ngạc khi được đưa vào danh sách: nhà ga hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Trung tâm Hội nghị quốc tế (Hà Nội), khu du lịch Vinpearl (Nha Trang)...

Xét trên những tiêu chí được đặt ra để bầu chọn, nhiều công trình đoạt giải vẫn là dấu hỏi với các KTS và với công chúng.

Ví dụ như Vinpearl mà nhiều KTS và các nhà qui hoạch đánh giá là "về cơ bản phá hỏng cảnh quan vịnh Nha Trang" (KTS Hoàng Đạo Kính, nhà nhiếp ảnh Xuân Bình), hay "dấu ấn buồn tẻ và nặng nề của kiến trúc không có một nét duyên dáng" (KTS Hồ Thiệu Trị).

KTS Nguyễn Tấn Vạn - chủ tịch Hội KTS VN, chủ tịch hội đồng bình chọn - cho biết: "Hội đồng làm việc với tinh thần rất dân chủ, 75 đề cử từ các chi hội KTS, các tạp chí chuyên ngành và cả thành viên hội đồng, từng thành viên sẽ nghiên cứu, sau đó thảo luận và lựa chọn. Chúng tôi bỏ phiếu nên cứ căn cứ vào số phiếu mà chọn thôi. Có thể có nhiều người không thích Vinpearl, nhưng theo đánh giá chung của hội đồng, quần thể khu du lịch này đã mang lại một sinh khí mới cho du lịch Khánh Hòa, tác động rất lớn vào môi trường du lịch cũng như đời sống nhân dân ở đây. Như vậy, nó xứng đáng được lựa chọn".

Cũng có nhiều ý kiến băn khoăn về việc cùng một thể loại công trình, nhưng những công trình được người trong nghề đánh giá cao hơn lại không có mặt: nhà ga quốc tế sân bay Nội Bài - từng đoạt giải thưởng kiến trúc quốc gia - đã phải nhường chỗ cho nhà ga sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.

KTS Nguyễn Tấn Vạn giải thích: "Không ai phủ nhận nhà ga quốc tế Nội Bài mới là công trình nhà ga quốc tế đầu tiên do KTS VN thiết kế và mang dấu ấn kiến trúc VN, nhưng đến khi bỏ phiếu bầu chọn thì lại... không phải thế, vậy phải tôn trọng kết quả bỏ phiếu chứ".

...Đến tiêu chí của cuộc sống

Có những công trình khiêm tốn, nhưng dấu ấn kiến trúc của nó khẳng định tư duy sáng tạo và tinh thần phụng sự đời sống dân sinh rất cao: trụ sở UBND quận 10, TP.HCM. Lần đầu tiên từ sau làn sóng kiến trúc thuộc địa với những công trình tòa thị chính giản dị và gần gũi kiểu tòa thị chính Hà Nội (đã bị đập bỏ đầu những năm 1980 để xây tòa nhà UBND), có một kiến trúc cơ quan công quyền khiêm tốn, giản dị và dễ gần dân như vậy.

Cũng có những công trình hiện đại với thiết kế và vật liệu hoàn toàn xa lạ với kiến trúc truyền thống và xu hướng giả cổ, hoài cổ, nhưng nó tạo ra dấu ấn của một thời đại mới, với nhiều công năng sử dụng tối ưu và nó khiến người ta tò mò, muốn tìm hiểu làm theo: đó là tòa nhà trụ sở Tập đoàn Dầu khí VN (18 Láng Hạ, Hà Nội).

Và có những công trình kết hợp được tất cả những ưu việt của môi trường, cảnh quan, kiến trúc cũ xung quanh, hòa nhập được vào chúng, đồng thời có được dấu ấn kiến trúc riêng ở thời điểm nó ra đời, tạo cho người sống trong đó cảm giác thoải mái, tiện nghi. Hi hữu, hiếm hoi, có thể duy nhất, đó là cao ốc Sài Gòn Metropolitan. Trong những trường hợp như thế này, kiến trúc đã làm đẹp môi trường sống và được cuộc sống chấp nhận, thậm chí tôn vinh mà chưa cần đến sự bình chọn nào.

Ngược lại, sự nhầm lẫn khi lựa chọn đối tượng phục vụ đã dẫn đến sự lãng phí nguồn tài nguyên đất đai và cả nguồn vốn xã hội, như khu đô thị Linh Đàm. Không thể phủ nhận đây là khu đô thị đầu tiên của miền Bắc có qui hoạch tổng thể hoàn hảo và có sự tuân thủ qui hoạch tốt nhất cho đến nay.

Mật độ xây dựng ở Linh Đàm cũng là mật độ duy nhất đạt qui chuẩn xây dựng khu đô thị theo Luật xây dựng. Diện tích mặt nước và cây xanh cũng đạt mức lý tưởng, thậm chí hơn cả Phú Mỹ Hưng. Nhưng nhà đầu tư và nhà qui hoạch đã dành khu vực này để xây dựng khu dân cư cho người thu nhập thấp và trung bình(!?), và chất lượng xây dựng tương ứng với giá cả. Cho nên trong khi cả nước sốt đất, sốt nhà chung cư thì giá cả ở Linh Đàm vẫn bình chân như vại.

Các nhà đầu tư nước ngoài thời kỳ đầu đã thật sự hoang mang, không thể hiểu nổi khi giá nhà trong khu Linh Đàm mát rượi bóng cây và mặt hồ lại rẻ chỉ bằng một nửa khu đô thị mới Mỹ Đình với đường vành đai 3 mười mấy làn xe chạy rầm rầm và không còn một chút đất nào hở cho cây mọc(!?). Kiến trúc không đi với qui hoạch, và cả kiến trúc và qui hoạch cùng đi sau rất xa cuộc sống là vậy.

20 năm đổi mới, ngành xây dựng hình như xây nhiều hơn cả mấy ngàn năm lịch sử dân tộc. Nhưng kiến trúc thì không thế. Rất nhiều người bày tỏ nghi ngại: không biết trong số 20 công trình tiêu biểu đã được chọn có công trình nào còn lại với 20, 50 hay 100 năm nữa không?

Hội đồng bầu chọn (gồm các nhà quản lý văn hóa và xây dựng, các nhà qui hoạch, các nhà kiến trúc, các chuyên gia về lịch sử, mỹ thuật,...) đã đề ra một hệ thống tiêu chí, phân bổ tỉ trọng đánh giá có vẻ khá khoa học như sau: công trình có giá trị nghệ thuật kiến trúc, phù hợp với xu hướng kiến trúc tiến bộ và hiện đại (40%); công trình, tổ hợp công trình kiến trúc có giá trị đột phá, tạo dấu ấn, làm biến đổi hình ảnh đô thị, cảnh quan môi trường sống, đi tiên phong trong công nghệ xây dựng và nghệ thuật kiến trúc dân tộc hiện đại (40%); công trình có giá trị sử dụng hiệu quả, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân cũng như cải thiện đời sống môi trường đô thị và nông thôn (20%).


Theo Tuổi Trẻ