17.000 dân đang hoang mang về đề án thành phố sông Hồng

Cập nhật 07/12/2007 09:00

Sáng 6/12, Phó chủ tịch Hà Nội Nguyễn Văn Khôi đã bị các đại biểu bị chất vấn về đề án thành phố ven sông Hồng đang khiến nhiều người dân hoang mang. Tuy nhiên, vị tân phó chủ tịch chưa có câu trả lời thỏa mãn

Ông Khôi cho biết, đề án quy hoạch thành phố sông Hồng là nghiên cứu khoa học đủ cơ sở để đưa vào điều chỉnh quy hoạch thủ đô. Thành phố đã xin ý kiến nhân dân, chuyên gia và các nhà khoa học. Sau khi được phê duyệt sẽ lựa chọn một số dự án ưu tiên để triển khai thực hiện.

Không nhất trí với trả lời này, đại biểu Trần Trọng Hanh cho rằng, quy hoạch phát triển hai bờ sông Hồng nếu là nghiên cứu thì phải có tên đề tài. Và ông Hanh đặt câu hỏi: "Thành phố tổ chức triển lãm rồi hội thảo, nhưng thể chế không có, không tuân theo quy trình, không đúng thẩm quyền phê duyệt. Vụ việc đang gây hoang mang cho hơn 17 vạn dân, trách nhiệm thuộc về ai?"

Tuy nhiên, đại biểu này không nhận được câu trả lời của ông Phó chủ tịch. Bức xúc vì bị Phó chủ tịch "quên" trả lời câu hỏi, ông Hanh phải lần thứ 3 đăng ký tái chất vấn.

Bị dồn vào thế bí, vị tân Phó chủ tịch xoa dịu đại biểu bằng thông tin: "Hà Nội sẽ phát triển theo hướng về phía Tây, cụ thể là Hà Tây".



Đại biểu Trần Trọng Hanh chất vấn tới lần thứ 3.


Vẫn liên quan đến vấn đề này, đại biểu Phạm Thị Loan đặt câu hỏi: "Nếu thiết kế quy hoạch 2 bờ sông Hồng thì hồ Gươm có còn là trung tâm và lãnh đạo thành phố có tính đến vấn đề tâm linh?". Nhưng đại biểu này cũng chưa nhận được câu trả lời của ông Phó chủ tịch.

Không đưa ra câu hỏi chất vấn nhưng đại biểu Nguyễn Đức Nhanh cho rằng quyết định phân cấp quản lý vỉa hè là sai lầm. Vỉa hè dành cho người đi bộ được cho thuê bán hàng ăn uống, trông giữ xe. Đây là một trong những nguyên nhân gây ùn tắc và tai nạn tăng trong những năm gần đây.

Giám đốc Công an Nguyễn Đức Nhanh đề xuất chỉ cho phép bán hàng trong những giờ nhất định nhưng không được kinh doanh trên các tuyến phố chính. "Nên sớm sửa vấn đề này trước Tết âm lịch, vỉa hè tuyến phố Phùng Hưng, từ 15h chiều được dùng để bán lẩu, không còn cảnh quan môi trường, vệ sinh và lối cho người đi bộ", ông Nhanh nói.

Bức xúc về vấn đề vỉa hè bị chiếm dụng không được chính quyền quan tâm, đại biểu Ngô Văn Ni thẳng thắn nói: "Các đồng chí đi ôtô nên không biết chứ người già, trẻ em đi bộ còn đâu hè phố?".

Giải trình về vấn đề này, ông Khôi khẳng định, theo quy định, kể cả điểm trông giữ xe đạp xe máy vẫn phải dành một khoảng cho người đi bộ. Quan điểm của thành phố là vỉa hè dành cho người đi bộ.



Đại biểu Tô Yên Khánh cầm mẩu báo làm dẫn chứng chất vấn.


Chưa thỏa mãn với câu trả lời của ông Phó chủ tịch, đại biểu Tô Yên Khánh cho rằng, quản lý hè phố là vấn đề bức xúc bởi đó không chỉ là ùn tắc mà còn là mỹ quan đô thị khi mà vỉa hè hỗn loạn trầm trọng.

"Trong phần trả lời, đồng chí không nêu thực trạng, nguyên nhân còn chung chung, giải pháp nặng về kinh phí trong khi cái chính là công tác quản lý. Đường phố nào cũng chăng dây, đóng cọc. Quan điểm của phó chủ tịch và trách nhiệm ra sao?", bà Khánh đặt câu hỏi.

Theo ông Khôi, thành phố đã xử lý hơn 700 trường hợp vi phạm nhưng lấn chiếm hè phố vẫn là việc bức xúc. "Thái độ của thành phố kiên quyết sửa đổi", Phó chủ tịch Khôi nhấn mạnh.

Sau khi nêu thực trạng giao thông thành phố với 2 triệu xe máy và hơn 20 vạn ôtô trong khi chưa có điểm đỗ ngầm, đại biểu Trần Văn Quýnh băn khoăn: "Thành phố có giải pháp gì để chỉ đạo giao thông tĩnh?"

Trả lời câu hỏi này, ông Khôi thừa nhận, quy hoạch giao thông tĩnh thực hiện chậm. Từ nay tới 2010, một số bãi xe ngầm sẽ được xây dựng, và dần di chuyển bãi đỗ xe trong trung tâm ra phố Trần Nhật Duật và Trần Quang Khải.

Về việc giải quyết nhà siêu mỏng, siêu méo, ông Khôi cho biết, hiện có 198 nhà ở trong tình trạng này. Trong thời gian tới, thành phố sẽ đưa ra 3 giải pháp xử lý và quý 3/2008 sẽ ban hành quy chế xây dựng nhà 2 bên đường. Đồng thời, sẽ chỉnh trang các tuyến đường Văn Cao, Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng, Giảng Võ - Láng Hạ.

Theo Tin Tức Nhà Đất