15.000 hộ dân phải di dời

Cập nhật 14/12/2009 10:35

Theo phương án mới nhất về quy hoạch hành lang thoát lũ sông Hồng được Viện quy hoạch Thủy lợi “chốt” lại, sẽ có 11.651 hộ dân phía hữu hồng (nội đô) và 2.967 hộ phía tả hồng (phía Bắc cầu Chương Dương) phải di dời, do nằm trong chỉ giới thoát lũ.

Quy hoạch này đã được HĐND TP Hà Nội biểu quyết, thông qua chiều 10/12.

Bãi Thanh Trì phải đi nhiều nhất

Tối thiểu 11.651 hộ dân nội đô nằm trong chỉ giới thoát lũ sẽ phải di dời để đảm bảo khả năng thoát lũ cho Hà Nội. Cụ thể, khu vực bãi Thượng Cát – Liên Mạc hiện có 232 hộ dân đang sinh sống thì có 70 hộ nằm trong chỉ giới thoát lũ phải di dời với tổng diện tích 100ha; khu vực bãi Phú Thượng có 546 hộ dân thì cả 546 hộ đều phải di dời; toàn bộ diện tích 66ha của bãi Phú Thượng cũng đều nằm trong chỉ giới thoát lũ.

Việc cắm mốc chỉ giới thoát lũ trên thực địa sẽ được tiến hành ngay sau khi HĐND thành phố thông qua Nghị quyết Quy hoạch phòng chống lũ chi tiết của từng tuyến sông có đê trên địa bàn Hà Nội (trong đó có quy hoạch hành lang thoát lũ sông Hồng). Trước mắt, sẽ tiến hành thí điểm ở một số địa điểm. Sau đó, tổ chức công tác GPMB, tái định cư di chuyển các hộ dân trong vùng thoát lũ theo đúng quy định, không gây xáo trộn lớn về mặt xã hội.

Bãi Nhật Tân có 120 hộ phải di dời/tổng số 907 hộ; phần diện tích nằm ngoài chỉ giới thoát lũ (787 hộ không phải di dời) của bãi này chỉ có 49ha, còn 113ha đất còn lại nằm trong hành lang thoát lũ. Phường Tứ Liên có tổng số 2.555 hộ, chỉ có 128 hộ phải di dời; phần diện tích nằm trong hành lang thoát lũ của khu vực này cũng ít hơn với 52 ha/145ha.

Khu vực Yên Phụ có tới 3.500 hộ nhưng chỉ có 875 hộ phải di dời với phần đất bị mất là 46ha. Bãi Phúc Xá, có tổng số 3.500 hộ nhưng có tới 2.093 hộ nằm trong chỉ giới thoát lũ. Khu vực bãi Đồng Xuân, Phúc Tân, Chương Dương, Bạch Đằng, Thanh Lương, Vĩnh Tuy có 12.853 hộ thì có 4.499 hộ thuộc diện phải di dân.

Trong số các bãi sông phía nội đô, số lượng dân phải di dời nhiều nhất thuộc khu vực huyện Thanh Trì (gồm Lĩnh Nam, Trần Phú, Yên Sở, Yên Mỹ) có 3.371 hộ, thì cả 3.371 hộ dân đều phải di dời. Toàn bộ phần diện tích lên tới 1.196 ha của khu vực này cũng nằm trong hành lang thoát lũ. Bãi Vạn Phúc cũng nằm trong tình trạng tương tự, có tổng số 2.302 hộ dân thì cả 2.302 hộ đều phải di dời; tổng diện tích đất của Vạn Phúc là 463ha cũng nằm cả trong hành lang thoát lũ.

Cách tính chỉ giới thoát lũ

Quy hoạch hành lang thoát lũ sông Hồng do Viện Quy hoạch Thủy lợi lập dự án đã chỉ rõ từng tuyến chỉ giới thoát lũ. Theo đó, những hộ dân, công trình nằm từ chỉ giới thoát lũ trở ra phía mép bờ sông đều thuộc diện giải tỏa. Tại khu vực bãi Thượng Cát – Liên Mạc, đường chỉ giới thoát lũ được xác định từ tuyến đê bối Đông Ba – Thượng Cát – Liên Mạc, những hộ dân, công trình nằm từ tuyến đê bối trên trở ra phía bờ sông sẽ phải di dời.
 

Khoảng 12.000 hộ phía hữu sông Hồng (đoạn Hà Nội) sẽ phải di dời trong quy hoạch hành lang thoát lũ. (Ảnh: Chí Cường)


Tại khu vực xã Thụy Phương, phường Phú Thụy, chỉ giới thoát lũ đi theo tuyến đê chính, những hộ nằm ngoài đê chính ra phía bờ sông phải giải tỏa.

Khu vực bãi Nhật Tân, Tứ Liên, chỉ giới “đỏ” đi theo tuyến đê bối Nhật Tân – Tứ Liên, những ngôi nhà nằm ngoài tuyến đê bối trên sẽ phải dỡ bỏ.

Tại bãi Yên Phụ, chỉ giới thoát lũ được tính từ điểm nối giữa đê bối Tứ Liên với phố Nghĩa Dũng, có nghĩa toàn bộ khu dân cư nằm trên phố Nghĩa Dũng về phía bờ sông nằm trong diện di dời. Chỉ giới thoát lũ khu vực bãi Phúc Xá cũng đi theo tuyến đường trục trong khu dân cư Tân Ấp – Phúc Xá, tính từ đường trục này trở ra phía bờ sông các hộ dân trong đó sẽ phải giải tỏa. Các tuyến phố khác như Phúc Tân – Chương Dương – Bạch Đằng cũng được xác định là chỉ giới hành lang thoát lũ. Như vậy hàng trăm hộ dân thuộc các phố trên mà ở vị trí bên kia đường (phía sông) sẽ phải di chuyển.

Thêm gần 3.000 hộ phía Bắc cầu Chương Dương

Tại bãi Đại Mạch, Võng La có 279 hộ (trong tổng số 1.114 hộ) nằm trong chỉ giới thoát lũ; bãi Hải Bối tổng số 1.300 hộ thì có tới 910 hộ phải di dời. Khu vực Ngọc Thụy tổng số 1.911 hộ, chỉ có 287 hộ phải di dân. Khu vực Bồ Đề, Long Biên, Cự Khối tổng số 1.652 hộ thì có 677 hộ nằm trong hành lang thoát lũ. Riêng khu vực Tàm Xá, Xuân Canh và Bắc Cầu 1,2,3 không nằm trong chỉ giới thoát lũ nên không có hộ dân nào phải di chuyển.

Ranh giới để “đánh dấu” những hộ phía Bắc cầu Chương Dương phải di dời như sau: Khu vực Hải Bối tính từ xóm bãi Hải Bối đi theo đường bờ bãi cao đến Xuân Canh. Bãi Ngọc Thụy, quận Long Biên chỉ giới thoát lũ đi theo tuyến đường ven khu dân cư Bắc Biên thuộc phường Ngọc Thụy, như vậy những hộ nằm phía bên kia (ra hướng bờ sông) tuyến đường ven khu dân cư Bắc Biên thuộc diện phải di dời.

Khu vực cầu Chương Dương, tuyến thoát lũ đi theo tuyến đê chính. Vùng bãi thuộc phường Bồ Đề, Long Biên, Cự Khối đường chỉ giới đi theo đường quản lý nhà máy nước, tính từ đường này trở ra phía sông, tất cả các công trình, dân cư ở đó phải di chuyển. Tại khu vực xã Đông Dư, xã Bát Tràng đường chỉ giới thoát lũ đi theo đường bao dân sinh thôn Hồng Hà (xã Đông Dư), Bát Tràng đến cống Xuân Quan. Từ cửa vào cống lấy nước Xuân Quan đến hết địa phận hành chính Hà Nội (thuộc các xã Kim Lan, Văn Đức), chỉ giới thoát lũ sẽ đi theo ven khu dân cư xã Kim Lan, sau đó đi theo tuyến đê bối xã Văn Đức, huyện Gia Lâm. Như vậy, khu vực Kim Lan, Văn Đức chỉ có 64 hộ (trong tổng số 3.180 hộ) phải di dời.

Ông Vũ Hồng Châu - Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi

Ông Vũ Hồng Châu - Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi:

Đây là phương án phải di dời ít nhất


Trao đổi với PV Báo GĐ&XH, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi, ông Vũ Hồng Châu cho biết, Quy hoạch hành lang thoát lũ sông Hồng không chỉ có ý nghĩa về thoát lũ mà còn là mốc, là căn cứ xác định chỉ giới khi xây dựng Thành phố ven sông Hồng.

 * Thưa ông, số di dân được “chốt” lại cuối cùng này cách khá xa con số đưa ra trước đây. Việc chỉnh sửa này có phải do Viện chịu “sức ép” không?

- Con số 14.618 hộ dân phải di dời hiện nay là kết quả của một loạt phép tính chặt chẽ nhất nhằm hạn chế tối đa số lượng dân phải di dời. Theo những tính toán trước đây thì có tới khoảng trên dưới 23.000 hộ phải di dời. Con số đó quá lớn, không chỉ gây xáo trộn về mặt xã hội mà còn tạo sức ép cực kỳ lớn về tái định cư, GPMB. 14.618 hộ dân phải di dời mà chúng tôi đưa ra là con số tối thiểu phải di dời để đảm bảo hành lang thoát lũ, còn phía Hà Nội nếu muốn tạo cảnh quan ven sông đẹp hơn thì có thể sẽ di dời thêm nữa, nhưng đó là việc của thành phố.

* Chỉ có 64 hộ phải di dời trên tổng số tới 3.180 hộ tại khu vực Kim Lan – Văn Đức khiến không ít người ngạc nhiên. Kết quả này có phần nào “thiên vị” không thưa ông, nhất là khi có những vùng phải di dời toàn bộ như bãi Thanh Trì?

- Không phải thiên vị, chúng tôi tính toán chỉ di dời 64 hộ nằm quá sát mép bờ sông là có chủ ý rõ ràng. Đó là do ở Kim Lan – Văn Đức có làng cổ nên phải kè sông để bảo vệ làng cổ đó. Tương tự như vậy là khu vực Bát Tràng, chúng tôi cũng kiên quyết bảo vệ.

* Còn khu đô thị Đầm Trấu từng được đưa lên cân nhắc khá nhiều lần. Theo phương án “gút” lại cuối cùng này thì số phận của Đầm Trấu ra sao, thưa ông?

-Trong quy hoạch này thì khu đô thị Đầm Trấu không phải di dời.

* Thưa ông, sau khi giải tỏa dân cư tại khu vực bãi Tứ Liên thì vùng đất bãi này có được sử dụng để xây dựng không?

- Khu vực này không được phép xây dựng nhà cao tầng vì sẽ ảnh hưởng đến việc thoát lũ. Phương án mà chúng tôi đưa ra là làm công viên ven sông.

* Xin cảm ơn ông!


DiaOcOnline.vn - Theo Gia Đình