12,7% dự án chậm tiến độ

Cập nhật 05/03/2010 08:30

Các bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh, thành, lãnh đạo các tổng công ty phải rà soát việc phân bổ vốn cho năm 2010. các địa phương không đầu tư dàn trải mà chỉ nên chọn một công trình trọng điểm để làm trước.

Ngày 4-3, Văn phòng Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến về đầu tư xây dựng toàn quốc giữa Chính phủ với các tỉnh, thành. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho hay năm 2009, đầu tư xây dựng cơ bản có nhiều thành công nhưng tỷ lệ dự án chậm tiến độ vẫn chiếm khoảng 12,7%.

Khó nhất vẫn là giải phóng mặt bằng

Theo Bộ KH&ĐT, trong các năm 2007 và 2008 tình hình suy thoái kinh tế thế giới làm giá cả tăng đột biến, dẫn tới năm 2009 nhiều dự án phải điều chỉnh tổng mức đầu tư, ảnh hưởng đến tiến độ. Ngoài ra, còn một nguyên nhân muôn thuở là công tác giải phóng mặt bằng khó khăn và thủ tục đầu tư phức tạp. “Nghị định 69/2009 về bồi thường giải phóng mặt bằng theo hướng ngày càng có lợi cho người dân bị thu hồi đất.

Tuy nhiên do có sự giao thời khi áp dụng nghị định này và các văn bản cũ dẫn tới việc áp giá khác nhau khiến người dân so bì. Rồi trong việc xác định nguồn gốc đất có trường hợp thiếu chính xác” - Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Hồ Nghĩa Dũng cho biết.

Trả lời việc này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Phạm Khôi Nguyên cho biết cách tính giá các dự án có khác nhau trong giai đoạn giao thời các văn bản cũ và mới là không thể tránh khỏi. “Từ trước đến nay đã có năm nghị định quy định về việc này. Khi ban hành Nghị định 69, Bộ đã phối hợp triển khai ở 25 tỉnh, thành thì không thấy có trường hợp nào vướng” - ông nói.

Về việc xác định nguồn gốc đất để bồi thường, lãnh đạo Bộ TN&MT cho biết văn bản hướng dẫn đã đủ nhưng một số nơi làm không đúng nên cấp giấy sai. Trường hợp cấp sai sẽ bị thu hồi.


Cầu Hoàng Hoa Thám nối quận 1 và quận Bình Thạnh khởi công từ tháng 9-1998 là cây cầu có kỷ lục thi công “rùa” với nhiều lần điều chỉnh đến nay vẫn chưa xong. (Ảnh chụp năm 2008). Ảnh: HTD

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chia sẻ với các địa phương: “Giải phóng mặt bằng là một vấn đề khó nhưng phải làm cho đầy đủ vì lợi ích của người dân. Nghị định 69 và các văn bản hướng dẫn còn vướng mắc gì thì Bộ TN&MT ghi nhận và tiếp tục xử lý.

Muốn giải quyết nhanh khâu này thì phải chuẩn bị trước phương án tái định cư, thực hiện đúng, đầy đủ chính sách bồi thường. Còn nếu đã làm hết sức mà một bộ phận nhỏ người dân vẫn cố ý không chấp hành thì phải kiên quyết buộc họ thực hiện”.

Tập trung vốn cho công trình ưu tiên

Bộ KH&ĐT báo cáo năm 2009 việc giải ngân nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản được đẩy nhanh hơn những năm trước nhưng vẫn thấp so với yêu cầu. Bộ này thông báo: tính đến 31-12-2009, các bộ ngành và địa phương đã giải ngân được khoảng 80,9% vốn đầu tư phát triển thuộc ngân sách nhà nước và hơn 42.600 tỉ đồng trái phiếu chính phủ (đạt hơn 76% kế hoạch).

Thủ tướng nhận xét, một số công trình chậm tiến độ, có nơi giải ngân chưa tới 70% là một khuyết điểm cần khắc phục. Thủ tướng đề nghị các bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh, thành, lãnh đạo các tổng công ty rà soát việc phân bổ vốn cho năm 2010.

Tuy nhiên, chỉ các dự án đủ điều kiện, thủ tục hoặc những dự án ưu tiên đưa vào sử dụng mới được dồn vốn cho xong. Thủ tướng cũng lưu ý các địa phương không đầu tư dàn trải mà chỉ nên chọn một công trình trọng điểm để làm trước.

Về các giải pháp huy động vốn để chi cho đầu tư xây dựng, bên cạnh các cách làm hiện nay, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài cho biết đang xin ý kiến Bộ Tài chính có thêm hình thức phát hành trái phiếu ra quốc tế từ một công ty không phải của nhà nước. Đề xuất này được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá rất cao.

Một dự án phải có tới 12-18 con dấu

Thủ tục đầu tư xây dựng tuy có cải cách và phân cấp mạnh hơn nhưng vẫn rất mất thời gian. Một dự án phải có ít nhất 12-18 con dấu, rà soát đi rà soát lại cũng không thể bỏ con dấu nào. Do đó, chỉ còn cách là tỉnh rút ngắn thời gian có con dấu bằng cách họp trực tiếp với các sở ngành để cùng ký.

Ông Vũ Đức Đam, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh


DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP