12.000 trường hợp nhà đất đang “lơ lửng”

Cập nhật 19/04/2010 13:40

Hà Nội đang tồn đọng tới 12.000 nhà đất không thuộc bất cứ cơ quan nào quản lý. Các nhà đất này không có hồ sơ gốc, đã mua đi bán lại nhiều lần và thiệt thòi nhất là không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà.


Hà Nội đề xuất tiếp tục xử lý hồ sơ bán nhà trong năm 2011

Mua giấy viết tay có được cấp GCN?

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Quốc Tuấn cho biết, từ nay tới hết 31-12-2010, các công ty nhà sẽ rà soát 20.000 căn hộ đang quản lý để tiếp tục tiếp nhận đơn mua nhà đủ điều kiện bán. Tuy thời gian nhận hồ sơ mua nhà chỉ còn gần 8 tháng nhưng số hồ sơ nộp vào hiện mới dừng ở con số 6.000. Do đó, ít nhất, sẽ tổ chức bán 7.000 căn hộ, với tổng doanh thu khoảng 300 tỷ đồng. Đồng thời, phối hợp với các quận, huyện cấp khoảng 10.000 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà (GCN). Trong năm 2011, sẽ phải tiếp tục tổ chức bán cho các hộ còn lại đã nộp đơn mua nhà trong năm 2010 cũng như giải quyết các vấn đề tồn tại và kết thúc công tác bán nhà.

Quỹ nhà thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn Hà Nội còn khoảng 50.000 căn với diện tích khoảng 1,5 triệu m2. Trong đó, có khoảng 45.000 căn thuộc diện được bán và cấp GCN.
Cũng trong những tháng còn lại của năm 2010, Sở Xây dựng cho biết, các quận, huyện, thị xã phải hoàn tất thủ tục cấp xong GCN cho khoảng 13.000 căn/18.000 căn đã được thành phố tiếp nhận. Đồng thời, tổ chức rà soát, phân loại 12.000 hộ đang ở nhà có nguồn gốc thuộc sở hữu Nhà nước nhưng nay không còn cơ quan quản lý, cũng chưa tiến hành kê khai theo Chỉ thị 25/CT-UB. Do đó, chưa có cơ sở để thành phố tiếp nhận và cấp GCN. Đây chính là quỹ nhà gây nhiều rắc rối nhất hiện nay.

Theo Sở Xây dựng, do quỹ nhà này đang ở trong tình trạng “lơ lửng”, không có cơ quan quản lý từ nhiều năm nay nên hồ sơ gốc đã bị thất lạc. Người sử dụng nhà đất đa số đã cơi nới, lấn chiếm nay rất ngại làm hồ sơ mua nhà bởi khả năng sẽ xảy ra tranh chấp, khiếu kiện. Thêm nữa, do bị “lãng quên” trong nhiều năm, các khu nhà này đều có hiện tượng mua đi bán lại bằng giấy tờ viết tay, trái pháp luật hoặc xây dựng không phép, sai phép... nên càng khó xét cấp GCN. Các dạng nhà này phần lớn thuộc Hà Nội trước khi mở rộng. Trong đó, huyện Thanh Trì nhiều nhất (3.190 trường hợp), tiếp đó là Ba Đình (2.852), Hoàng Mai (1.988), Thanh Xuân (852)...

Đại diện UBND quận Hai Bà Trưng cho biết, quận này xem dạng nhà “lơ lửng” nói trên như nhà tư nhân và tổ chức cấp GCN theo quy định. Tuy thế, quận này lại gặp khó với những diện nhà còn cơ quan quản lý nhưng chưa bàn giao cho thành phố. Ông Bùi Văn Hải - Trưởng phòng TN - MT quận Hai Bà Trưng nói: “Quận còn một số khu nhà 61 không rõ trách nhiệm thuộc ai quản lý. Trong đó, chủ yếu thuộc các phường Đồng Tâm, Bách Khoa, có liên quan tới các trường Đại học Xây dựng, Kinh tế Quốc dân, Bách khoa... Dân ở đây rất bức xúc vì không được cấp “sổ đỏ”. Quận cũng muốn giúp dân nhưng các trường không bàn giao thì đành chịu...”. Với những trường hợp mua bán bằng giấy viết tay hoặc xây dựng không phép, ông Bùi Văn Hải kiến nghị: “Người dân sai rồi nhưng không cấp GCN họ sẽ thiệt thòi. Chúng tôi đề xuất phạt nặng rồi cho dân hợp thức thì mới quản lý tốt được...”.

Ưu tiên hồ sơ tồn đọng

Để xử lý những tồn tại trên, Sở Xây dựng Hà Nội đề nghị thành phố báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục giải quyết bán nhà trong năm 2011 đối với những hồ sơ mua nhà còn lại đã nộp trong năm 2010. Đồng thời, Sở này đề xuất, báo cáo với Bộ Xây dựng và UBND TP đưa quỹ nhà còn lại không được bán, người thuê nhà không mua vào quỹ nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, Sở và các cơ quan liên quan sẽ giải quyết những vấn đề tồn đọng như tranh chấp, khiếu kiện, mua chuyển dịch nhà đất quy về một chủ theo cơ chế giá bán mới cũng như chỉnh lý hồ sơ mua nhà để lưu trữ, khai thác, sử dụng.

Tuy thành phố rất muốn tăng tốc bán nhà theo Nghị định 61/CP nhưng thông tin từ một số quận, huyện cho biết, người dân vẫn còn nhiều bức xúc bởi quy trình bán nhà còn dài dòng, nhiều khâu chưa được công khai rõ ràng. Không hiếm các trường hợp nộp tiền 5-7 tháng nhưng chưa được cấp GCN (dù quy trình bán nhà chỉ có 51 ngày làm việc). Ông Bùi Văn Hải nhìn nhận: “Công khai thông tin kém. Dù bán nhà có chậm thật nhưng nếu thông tin rõ ràng để người dân biết tới bao giờ hồ sơ nhà mình được thụ lý xong thì họ cũng bớt căng thẳng. Đằng này nhiều trường hợp quận chỉ lên công ty, công ty lại chỉ xuống quận thì bảo sao dân không kêu...”.

Cũng với tâm sự như vậy, ông Trần Việt Trung - Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa cho biết, quận vẫn còn tồn đọng những hồ sơ nộp từ các năm 2007, 2008 và 2009 vẫn chưa giải quyết xong. Ông Trần Việt Trung nói: “Hàng xóm nộp hồ sơ sau lại được “sổ đỏ” trước nên họ rất bức xúc. Chính vì thế, phải thống nhất quan điểm, ưu tiên nhân lực, thời gian để giải quyết các trường hợp đã nộp hồ sơ từ những năm trước.”

DiaOcOnline.vn - Theo An Ninh Thủ Đô