Chính quyền TPHCM đề xuất xây nút giao An Phú, quận 2 với quy mô 3 tầng gồm cầu vượt và hầm chui. Trong đó, giai đoạn 1 xây hầm chui với tổng mức đầu tư dự kiến là 1.035 tỉ đồng.
Nút giao An Phú, quận 2, TPHCM - Đồ họa: Lê Anh
|
Theo văn bản khẩn số 4744 được chính quyền TPHCM gửi Bộ Giao thông Vận tải hôm 31-7, TPHCM đề xuất đầu tư xây dựng nút giao thông An Phú với 3 tầng.
Trong đó, tầng 1 xây dựng hầm chui 2 chiều, mỗi chiều 2 làn xe theo hướng đi từ đường cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây - đường Mai Chí Thọ - hầm vượt sông Sài Gòn và ngược lại. Ngoài ra, xây thêm hầm chui 2 làn xe theo hướng từ đường cao tốc TPHCM- Long Thành – Dầu Giây vào đường Lương Định Của.
Còn tầng 2 xây dựng cầu vượt 2 làn xe theo hướng từ đường Lương Định Của vào đường cao tốc TPHCM-Long Thành- Dầu Giây và cầu vượt 2 làn xe theo hướng từ ngã ba Cát Lái - Mai Chí Thọ đi đường cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây.
Trong tương lai, khi xây tuyến đường sắt nhẹ Long Thành - Thủ Thiêm và tuyến đường sắt TPHCM - Nha Trang sẽ đi trên cao, vượt đường Mai Chí Thọ để vào ga Thủ Thiêm.
Đối với phần đường trên mặt đất, bố trí giao bằng cho tất cả các hướng kết nối còn lại.
Về phương án đầu tư, chính quyền TPHCM đề xuất phân kỳ đầu tư giai đoạn 1, gồm hầm chui 2 chiều với 4 làn xe kết nối đường cao tốc TPHCM- Long Thành - Dầu Giây với đường Mai Chí Thọ theo hướng về hầm vượt sông Sài Gòn và ngược lại. Tổng mức đầu tư dự kiến cho giai đoạn 1 khoảng 1.035 tỉ đồng, trong đó chi phí xây dựng khoảng 800 tỉ đồng.
Để nhanh chóng khắc phục ùn ứ giao thông xảy ra thường xuyên tại nút giao An Phú, chính quyền TPHCM kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải thống nhất quy mô xây dựng và phương án phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 bằng nguồn vốn dư của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (Jica) tại dự án cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây.
Về tiến độ thực hiện dự án, tại buổi làm việc giữa Bộ GTVT và chính quyền TPHCM diễn ra hồi tháng 7, ông Mai Tuấn Anh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), cho biết, hiện vốn dư của dự án cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây còn 1.400 tỉ đồng. Sau khi TPHCM và Bộ GTVT thống nhất được quy mô và tổng mức đầu tư giai đoạn 1 thì còn phải báo cáo Chính phủ và Jica. Do vậy, đến nay thời gian khởi công nút giao này vẫn chưa được xác định.
Nút giao thông An Phú, quận 2 là điểm đầu của đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây và là điểm cuối của đường Lương Định Của giao cắt với đại lộ Đông - Tây (nay là Mai Chí Thọ).
Hiện nay, khu vực nút giao An Phú thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài vì dòng xe đi từ 4 hướng đều gặp nhau ở nút giao này. Đây là một trong những điểm "nóng" về ùn tắc giao thông nghiêm trọng và TPHCM ưu tiên vốn để đầu tư dự án này.
Sau khi hoàn thành cầu vượt và hầm chui, xe đi từ các hướng sẽ được phân luồng đi trên các làn đường riêng, khi đó sẽ giải quyết được ùn tắc ở đây.
DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG