Người dân Hà Nội hiện nay đã kém mặn mà với nhà thu nhập thấp (NTNT), họ tìm mọi cách để trả lại nhà sau khi đã đăng ký mua diễn ra phổ biến. Nguyên nhân được đề cập nhiều nhất bên cạnh muôn vàn các lý do là bởi giá NTNT quá cao.
Căn hộ ế ngày càng tăng
Sau dự án NTNT đầu tiên ở Ngô Thì Nhậm (Hà Đông), rất nhiều dự án khác cũng đã nhận hồ sơ như: NTNT ở Kiến Hưng (Hà Đông), Đại Mỗ (Từ Liêm), Sài Đồng (Long Biên), Đặng Xá (Gia Lâm)... Thế nhưng, không khí nhận hồ sơ mua nhà của những dự án gần đây lại thưa thớt, vắng vẻ, trầm lắng vô cùng so với dự án đầu tiên.
Đơn cử, đợt bốc thăm lần 2 dự án NTNT Sài Đồng của Cty CP Xây dựng số 3 Hà Nội (Hanco 3), chỉ có 30 khách hàng đã chọn vị trí căn hộ, hơn 100 căn hộ còn lại chưa có người mua. Dự án NTNT Sài Đồng của Cty CP Đầu tư và Xây dựng số 5 (Handico5) cũng chỉ có hơn 100 khách hàng đến đóng tiền trên tổng số 420 căn hộ.
Đến nay, dự án NTNT ở Đặng Xá do TCty Viglacera làm chủ đầu tư dù đã phải nhận hồ sơ tới 5 lần nhưng vẫn chưa bán hết 946 căn hộ trong dự án. Như vậy, chỉ tính sơ qua cũng đã nhìn thấy có 3 dự án đang bán rơi vào cảnh ế nặng.
Nhiều dự án NTNT ở Hà Nội đang trong tình trạng khó bán vì giá quá cao. Ảnh: Nguyễn Lê
|
Lý do được đề cập nhiều nhất vẫn là, giá NTNT xấp xỉ với giá nhà ở thương mại. Nếu như giá nhà ở thương mại nhiều nơi chỉ ở mức 14-15 triệu đồng/m2 thì NTNT ở Hà Nội lại phổ biến ở mức 12-13 triệu đồng/m2. Như vậy, nếu một căn hộ chỉ 60m2 thì sẽ phải mất đến gần 800 triệu đồng, số tiền này hầu như “quá sức” đối với những người nghèo, có thu nhập thấp thuộc đối tượng được mua loại nhà này.
Bên cạnh đó, tiến độ đóng tiền gấp rút cũng khiến người dân hoang mang, lo lắng vì không thể có mấy trăm triệu để nộp cho chủ đầu tư.
Ví như, rất nhiều người dân đã bức xúc khi mua NTNT ở dự án Đặng Xá chỉ trong vòng 5 tháng người dân đã phải hoàn tất 70% tổng số tiền mua căn hộ cho chủ đầu tư. Với giá thành gần 10,4 triệu đồng/m2 (đã bao gồm VAT và 2% phí bảo trì), đơn cử căn hộ rộng 70 m2 sẽ có giá thành 728 triệu đồng. Như vậy, phải đóng 70%, tức là người dân phải đóng hơn 500 triệu đồng trong vòng 5 tháng.
Chị Hà có hộ khẩu ở Ngọc Lâm, Long Biên khi bốc thăm được quyền mua căn hộ rất vui nhưng lại lo lắng trước tiến độ đóng tiền bởi gia đình chị mới lo được số tiền cho đợt đóng 30% đầu tiên, còn những đợt sau đang lo chạy vay họ hàng, bạn bè không biết có được không. “Nếu không vay được thì đành trả lại nhà thôi, còn cách nào khác, chứ chẳng dám nghĩ đến vay ngân hàng khi chỉ nhìn đến tiền lãi thôi đã không ngủ được rồi”, chị Hà bộc bạch.
Giá NTNT có thể giảm?
Người mua có cái khó của người mua, còn những doanh nghiệp xây dựng dự án thì cũng than trời vì khó khi sự biến động giá vật tư trên thị trường quá nhanh cũng là một nguyên nhân làm đội giá NTNT, gây khó khăn cả đầu vào lẫn đầu ra cho doanh nghiệp.
Khi phát động chương trình làm NTNT năm 2009, Bộ Xây dựng kỳ vọng giai đoạn 2009 - 2015 có 189 dự án, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 700.000 người.
Thế nhưng đến nay, Bộ này vẫn không tổng kết được chương trình bởi mới có 39 dự án (chỉ đạt 26% so với dự kiến) được khởi công xây dựng, với tổng mức đầu tư khoảng gần 4.000 tỷ đồng. Đặc biệt, trong số 39 dự án này, hiện mới có gần 1.800 căn hộ hoàn thành, chỉ đạt... 1% so với kế hoạch. Mà trên thực tế, trong số những căn hộ đã hoàn thành thì việc bán nhà còn đang diễn ra chật vật.
Mới đây, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đề xuất với Chính phủ và Quốc hội một số giải pháp cơ bản để xây dựng được một triệu căn hộ NTNT trong giai đoạn 2012 - 2020. Theo đó, có thể giảm giá bán căn hộ diện tích từ 35 – 70 m2 tới mức 30 – 40% bằng cơ chế miễn toàn bộ các loại thuế và phí xây dựng như: 10% thuế VAT cho người thu nhập thấp khi thực hiện mua nhà; thuế chuyển quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp bất động sản khi thực hiện dự án xây dựng NTNT; thuế trước bạ cho người mua nhà; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp.
Cùng với đó, VAFI đề xuất cung cấp nguồn tín dụng ưu đãi với lãi suất dưới 10%/năm cho các doanh nghiệp có đầy đủ điều kiện thực hiện các dự án xây NTNT và cho người mua nhà. Với cơ chế ưu đãi này, VAFI cho rằng, với số tiền ban đầu ở mức từ 200 - 400 triệu đồng, người dân có khả năng mua căn hộ với giá từ 350 - 700 triệu đồng.
Còn theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, bên cạnh những chính sách ưu đãi mà Nhà nước có thể thực hiện đối với các doanh nghiệp thì giá NTNT có thể giảm được nữa nếu tìm được các mô hình nhà hợp lý. Trong đó, có việc áp dụng các công nghệ tiên tiến, vật liệu tiên tiến để hạ giá thành nhà.
Còn rất nhiều dự án NTNT chưa được triển khai, nếu được áp dụng những vấn đề nêu trên mới mong giá NTNT hạ nhiệt, có vậy mới không còn tình trạng nhà chính sách lại bị ế như hiện nay!
DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động