"1001" chiêu lách thuế nhà, đất

Cập nhật 21/12/2009 14:35

Sau một thời gian ngắn thực thi Thuế thu nhập cá nhân đánh vào chuyển nhượng bất động sản, hàng loạt chiêu thức lách thuế đã được phát hiện.

Các trường hợp lách thuế, cơ quan thuế đều biết. Tuy nhiên, để xử lý hoặc chỉ nhẹ nhàng là “bắt bẻ” thôi cũng... chịu!?

“Đi vòng” lách thuế
 

Công khai, minh bạch giảm bớt thủ tục hành chính sẽ góp phần giảm thiểu gian lận thuế. Ảnh chỉ mang tính minh họa


Theo Thông tư 84, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân, thì các thu nhập từ nhận thừa kế, quà tặng là bất động sản giữa vợ với chồng; giữa ông bà, cha mẹ với con, cháu và giữa anh chị em ruột với nhau sẽ được miễn thuế. Tuy nhiên, Thông tư lại không cho miễn thuế với trường hợp chị dâu với em chồng, anh rể em vợ...

Theo các cơ quan thuế địa phương, quy định này không chỉ gây phiền hà cho người dân mà còn làm khó khăn thêm nhiều cho cơ quan quản lý. Có những trường hợp, anh chị em ruột cho nhau thật nhưng nếu làm đúng quy định vẫn phải mất thuế chuyển nhượng. Khi đó người dân lại tìm mọi cách để “lách” luật.

Ông Lê Tuấn Đỏ, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế Hà Đông (Hà Nội) lấy ví dụ: “Chẳng hạn, tôi cho em trai tôi một mảnh đất trị giá 1,5 tỷ đồng. Nếu mảnh đất đó đứng tên vợ chồng tôi thì theo quy định, chị dâu cho em chồng không được miễn thuế nên em trai tôi vẫn phải đóng thuế thu nhập cho khoản “quà tặng” là 74 triệu đồng”.

Thực tế, trong trường hợp này, nếu làm hợp đồng bán lại cho “em trai” thì khoản thuế thu nhập phải chịu còn... thấp hơn là hợp đồng cho tặng, bởi người bán chỉ phải nộp 15 triệu đồng. “Đây là một điểm bất cập. Nó cũng không đúng với phong tục tập quán của Việt Nam”, ông Đỏ nói.

Tuy nhiên đấy chỉ là trên lý thuyết còn thực tế thì người ta có thể đi “vòng” để lách thuế dễ dàng trong trường hợp này. Ông Đỏ nói tiếp: “Trong trường hợp này tôi bảo vợ tôi làm thủ tục tặng tôi thì không phải nộp thuế. Sau đó tôi làm thủ tục tặng cho em tôi thì cũng không phải nộp. Hoặc có cách khác, vợ chồng tôi làm thủ tục tặng bố mẹ tôi.

Sau đó bố mẹ tôi làm thủ tục cho em tôi, tức là cho con ruột thì trường hợp này thậm chí còn không phải nộp thuế trước bạ”. Theo ông Đỏ, quy định này vô tình bắt buộc người dân phải đi đường vòng, gây áp lực cho cơ quan công quyền. Kết quả cuối cùng cơ quan thuế vẫn không thu được thuế. Trong khi cơ quan thuế phải mất thêm chi phí thời gian, vật chất, nhân lực để phục vụ. “Chưa kể nó lại là một kẽ hở cho những người chuyên môn nghiên cứu cái này, đi làm “cò” để ăn chặn cho người dân”, ông Đỏ phân tích.

Khai man... 1 nhà

Bà Nguyễn Thị Xuyên, Đội trưởng đội Thuế trước bạ và thu khác (nhà đất), Chi cục thuế quận Cầu Giấy (Hà Nội) lại đưa ra một trường hợp khác, đó là trường hợp miễn thuế cho cá nhân chuyển nhượng chỉ có 1 nhà ở. Tại Thông tư 84 quy định miễn thuế cho trường hợp: “Thu nhập từ chuyển nhượng nhà ở, quyền sử dụng đất ở và tài sản gắn liền với đất ở của cá nhân trong trường hợp người chuyển nhượng chỉ có duy nhất một nhà ở, quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam”.

Theo bà Xuyên, Thông tư quy định như vậy, nhưng khi cơ quan thuế địa phương thực hiện, thì rất khó khăn vì tiêu chí xác định “1 nhà” không rõ ràng. Đây vô tình cũng lại là một lỗ hổng để người dân “lách” thuế. Nhiều cơ quan thuế địa phương thừa nhận, khó có thể rà soát trường hợp này vì về nguyên tắc, người dân sẽ tự kê khai và tự chịu trách nhiệm về kê khai “1 nhà” duy nhất của mình.

Bà Vũ Thị Mai, Cục trưởng Cục thuế Hà Nội nói: “Về nguyên tắc kê khai thuế là người dân tự khai và tự chịu trách nhiệm”. Tuy nhiên, thực tế cũng khó có cách nào để xác minh lại các trường hợp kê khai này. Ông Lê Tuấn Đỏ, chia sẻ cách làm của cơ quan mình.

Ông nói: “Giả sử anh có hộ khẩu ở 65 Quang Trung, Hà Đông, anh lại có 1 cái nhà chung cư ở Văn Quán cần bán, anh kê khai anh có 1 nhà duy nhất để không phải nộp thuế. Tôi sẽ yêu cầu anh phô-tô cho tôi sổ hộ khẩu và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở chỗ đó. Nếu anh có tên trong sổ hộ khẩu ở 65 Quang Trung, Hà Đông và giấy chứng nhận nhà không đứng tên anh thì thuế phải chấp nhận trường hợp này vì anh có 1 nhà”.

Ông Đỏ cũng thừa nhận, cách quản lý này là ở phần ngọn song cơ quan thuế chỉ có thể làm được đến mức độ đó. “Người ta cứ khai tự chịu trách nhiệm, cơ quan thuế không có chức năng đi thanh tra. Người ta cứ khai đó là tài sản duy nhất là mình phải miễn cho người ta”, ông Đỏ nói.

25% hay 2% đều “lách” tuốt!

Theo Thông tư 84, để tính thuế thu nhập với chuyển nhượng bất động sản, trường hợp có đầy đủ giấy tờ chứng nhận chi phí mua ban đầu và giá bán thì sẽ tính với mức thuế suất 25% trên phần chênh lệch giữa giá bán và giá gốc. Trường hợp không xác định được các chi phí liên quan thì tính thuế 2% trên tổng giá trị hợp đồng chuyển nhượng.

Vậy là rộ lên chuyện “lách luật” bằng cách kể cả trường hợp có đủ giấy tờ xác minh chi phí mua, bán vẫn cố tình tính thuế theo thuế suất 2% nếu tính toán thấy cách đó có lợi hơn. Ông Nguyễn Hữu Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết: “Đến nay 99% các hồ sơ nộp tại địa bàn đều tính theo mức thuế suất 2%. Rất ít hồ sơ tính theo cách 25%”.

Trong nhiều trường hợp, cách tính thuế 25% trên chênh lệch giá mua và giá gốc thì số thuế phải nộp sẽ lớn hơn nhiều so với cách tính thuế trên 2% giá mua. Tuy nhiên, theo những ghi nhận mới đây, thì với cả cách tính thuế trên 25% giá mua và giá gốc người ta cũng có cách “lách” thuế. Đó là người mua và người bán, bắt tay nhau khai man giá trị hợp đồng.

Ông Đỏ lấy ví dụ: “Chẳng hạn, một căn hộ mua ở Văn Quán có giá vốn xác định, có phiếu thu 1 tỷ, có biên lai nộp phí trước bạ 5 triệu, cộng một số chi phí khác hợp thành giá vốn. Sau đó thực tế người ta bán 5 tỷ, nhưng người ta chỉ kê khai giá bán bằng hoặc xấp xỉ giá gốc thì mình cũng chịu”. Trường hợp này, mức thu thuế thậm chí còn thấp hơn nhiều nếu tính theo cách 2%. Ở quận này có nhiều trường hợp nộp thuế với 25%, chủ yếu là các giao dịch tại chung cư, khu đô thị, các dự án xây nhà ở để bán. Khi có đủ chứng từ gốc, kê khai đủ thì cơ quan thuế sẽ phải tính cho họ theo thuế suất 25%.

Ông Đỏ phân tích, quy định giá thực tế là giá ghi trên hợp đồng. Nhưng giá ghi trên hợp đồng có thực là giá chuyển nhượng hay không thì rất khó xác định, còn gây nhiều tranh cãi. Luật có khoản ràng buộc là nếu giá chuyển nhượng thấp hơn giá đất do UBND tỉnh, thành phố quy định thì theo giá của tỉnh, thành phố.

Tuy nhiên, thực tế giá của thành phố quy định thường thấp hơn rất nhiều so với giá thực tế nên ràng buộc này cũng thành vô hiệu. “Chẳng hạn, giá thành phố quy định tại Hà Đông nhiều nơi chỉ có 1,5 triệu đồng/m2, nhưng giá thực tế chuyển nhượng trên thị trường lên đến 20-30 triệu đồng/m2. Khi đó người ta kê khai chỉ cần nhích lên một ít thôi so với giá bán thì cơ quan thuế cũng không bắt bẻ được rồi”, ông Đỏ nói.

Trong một xã hội sử dụng tiền mặt như ở nước ta hiện nay thì việc thất thoát thuế là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, trong một số trường hợp sự thất thoát lại nảy sinh từ chính từ những chính sách bất hợp lý.

>>Thông tư ngành thuế, thuế không... "thông".


DiaOcOnline.vn - Theo Gia Đình