100.000 tỉ mơ phá băng bất động sản

Cập nhật 04/03/2014 10:08

Thị trường bất động sản Việt Nam đã dậy sóng khi tại hội thảo “Kinh tế Việt Nam 2014: Vấn đề và giải pháp cho doanh nghiệp” được tổ chức ở TP.HCM, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa cho biết sắp tới Ngân hàng Xây dựng Việt Nam sẽ liên minh với 4 ngân hàng thương mại quốc doanh để xây dựng gói tín dụng với quy mô từ 75.000-100.000 tỉ đồng.


Gói tín dụng này sẽ hỗ trợ cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng và nhà ở trong chương trình liên minh 4 nhà gồm ngân hàng, nhà sản xuất vật liệu xây dựng, nhà thầu và chủ đầu tư. Lãi suất cho vay sẽ thấp hơn so với mặt bằng lãi suất trên thị trường.

Việc thị trường phấn khởi cũng là điều dễ hiểu khi năm 2013 tiếp tục là một năm buồn của bất động sản. Mặc cho Chính phủ đã nỗ lực vực dậy bằng nhiều cách, nhưng thị trường vẫn chưa có nhiều khởi sắc. Gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỉ đồng là một ví dụ. Hiệu quả của gói hỗ trợ này vẫn chưa đạt được như kỳ vọng.

Tính đến hết tháng 1.2014, theo Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng đã cam kết cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vay 2.300 tỉ đồng, với tổng số tiền giải ngân chỉ vào khoảng 1.000 tỉ đồng. Nếu xét cơ cấu cho vay, số tiền khách hàng cá nhân được vay để mua, thuê nhà chỉ chiếm 34% (trong tổng số tiền 2.300 tỉ đồng), tức các ngân hàng thương mại vẫn dành phần lớn tín dụng cho các chủ đầu tư để họ tiếp tục tăng cung ra thị trường.

Vậy gói tín dụng 100.000 tỉ đồng nếu được triển khai liệu sẽ gây tác động lớn cho thị trường? “Hiện còn tới gần 29.000 tỉ đồng của gói hỗ trợ chưa được giải ngân, vậy cần thêm gói tín dụng 100.000 tỉ đồng này làm gì?”, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM và đồng thời là Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, nhận xét.

Để đẩy nhanh tốc độ giải ngân, mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định 21, trong đó áp dụng mức lãi suất ưu đãi 5% cho các đối tượng được vay gói 30.000 tỉ đồng, tức giảm 1 điểm phần trăm so với năm ngoái.

Tuy nhiên, mấu chốt không nằm ở việc giảm lãi suất hay tiền hỗ trợ nhiều hay ít. Theo ông Đực, vấn đề chính nằm ở thủ tục. Quá trình giải ngân gói 30.000 tỉ đồng của các ngân hàng vẫn khá phức tạp: người dân phải chứng minh thu nhập, thủ tục xét duyệt nhiều.

“Thà tăng lãi suất từ 6% lên 7% nhưng giảm bớt thủ tục thì tôi cũng ủng hộ. Thay vì bơm thêm tiền, ngân hàng nên xem lại các biện pháp để khai thông đường ống dẫn”, ông nói. Đó là lý do ông không đánh giá cao gói tín dụng 100.000 tỉ đồng của nhóm ngân hàng nói trên, mặc dù gói cho vay này có thể có lãi suất thấp hơn lãi suất thị trường.

Ông Stephen Wyatt, Giám đốc tại Việt Nam của công ty tư vấn bất động sản Jones Lang LaSalle, cũng cho rằng thị trường cần nguồn lực kích cầu mới, nhưng gói tín dụng mới - dù đến từ Chính phủ hay các ngân hàng - chỉ phát huy hiệu quả nếu thủ tục cho vay bớt khắt khe hơn. Cơ chế cho vay cũng phải được kiểm soát hợp lý để tránh lặp lại tình trạng như trước đây khi các khoản tín dụng được cung cấp quá dễ dãi ra thị trường.

Để phá băng thị trường bất động sản, không chỉ đòi hỏi các ngân hàng phải cải thiện thủ tục cho vay mà nhà đầu tư cũng cần cung cấp sản phẩm phù hợp hơn với túi tiền của người dân. “Thị trường hiện không có nhiều sản phẩm phù hợp. Chỉ có vài dự án nhà ở xã hội, trong khi các địa phương như TP.HCM lại không cho chia nhỏ các căn hộ có diện tích lớn”, ông Đực nhận xét.

Một dấu hiệu khả quan là thị trường bất động sản đang cơ cấu lại sản phẩm theo hướng tập trung vào phân khúc giá thấp và đã nhận được phản hồi tích cực từ người mua. Theo Jones Lang LaSalle, tổng số căn hộ bình dân bán được tại TP.HCM trong quý IV/2013 đã đạt khoảng 1.740 căn, tăng hơn 40% so với quý trước và tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2012. Cũng theo dự báo của công ty này, nguồn cung căn hộ giá thấp sẽ tiếp tục dẫn dắt thị trường trong năm nay và với sự nỗ lực của các bên liên quan, tín hiệu phục hồi sẽ rõ ràng hơn vào cuối năm 2014.

“Thị trường bất động sản và nền kinh tế Việt Nam đã ổn định từ năm ngoái và dự kiến sẽ tiếp tục thể hiện trong năm nay. Tuy vẫn còn nhiều thách thức nhưng đã bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu cho thấy niềm tin được phục hồi. Điều này được thể hiện qua việc số lượng nhà đầu tư nước ngoài quan tâm nghiêm túc đến thị trường Việt Nam lần đầu tiên tăng lên trong vài năm qua”, ông Wyatt nói.

DiaOcOnline.vn - Theo Nhịp Cầu Đầu Tư