1.000 dân đòi nợ trăm tỷ: Đại gia quyết không trả

Cập nhật 16/11/2015 15:33

Phí bảo trì chung cư chỉ chiếm 2% hợp đồng, con số tưởng có vẻ rất nhỏ . Nhưng, với quy mô dự án hàng trăm căn hộ thì số tiền này lên tới cả trăm tỷ đồng. Bán nhà, thu tiền, chủ đầu tư đã đút túi cả trăm tỷ, ấy vậy mà khi cư dân đòi lại phí bảo trì để tự quản thì giữ khư khư, không chịu trả.

Trả lại phí bảo trì chung cư cho cư dân đang là vấn đề nổi cộm tại nhiều dự án bất động sản hiện nay. Rắc rối nảy sinh là khoản tiền này đang trong túi các chủ đầu tư, còn ban quản trị cư dân lại là người sẽ sử dụng để vận hành toà nhà. Chính vì lợi ích khác nhau nên đã xảy ra nhiều tranh chấp.

Cuộc chiến phí bảo trì chung cư gần đây diễn ra liên tục, ở nhiều dự án và dai dẳng, nhất là khi  số tiền này khá lớn, lên tới hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống hàng ngàn hộ dân.

Dự án chung cư Keangnam là một điển hình. Với 922 căn hộ cao cấp, giá bán trung bình 60 triệu đồng/m2, ước tính quỹ bảo trì chung cư tại đây lên tới 160 tỷ đồng (chưa tính lãi suất ngân hàng), trong khi phía chủ đầu tư Keangnam thông báo chỉ là 125 tỷ.

Cư dân Keangnam vất vả đòi phí bảo trì nhưng vẫn chưa thành

Để đòi được số tiền này, ban quản trị (BQT) tòa nhà chung cư cao cấp Keangnam (Hà Nội) đã hai lần gửi đơn thư kiến nghị lên Thủ tướng. Chủ đầu tư Keangnam Vina cam kết sẽ trả số tiền bảo trì theo tiến độ mỗi tháng 20 tỷ, bắt đầu từ tháng 7/2015, và đồng ý thực hiện kiểm toán để xác minh tổng số tiền quỹ bảo trì. Tuy nhiên, họ đã không chuyển trả theo kế hoạch.

“Sau gần bốn năm ròng rã khiếu kiện, chủ đầu tư vừa trả lời sẽ trả năm tỷ đồng phí bảo trì mỗi năm, trong vòng 25 năm, thấp hơn cả số tiền lãi gửi 160 tỷ đồng vào ngân hàng. Nếu Keangnam phá sản, số tiền này cũng tan theo”, đại diện cư dân cho hay.

Đến nay, chỉ 2 tỷ đồng duy nhất được chủ đầu tư Keangnam chuyển vào tài khoản BQT ngày 12/6/2015.

Dự án chung cư Sky City 88 Láng Hạ có phần may mắn hơn. Sau thời gian dài đấu tranh cư dân mới đòi lại được gần 30 tỷ đồng. Theo tính toán, đến nay, chủ đầu tư còn phải hoàn trả cho cư dân hơn 30 tỷ.

“Sau 5 năm đi vào hoạt động, BQT tòa nhà Sky City vẫn chưa nhận được đúng và đủ khoản kinh phí quỹ bảo trì từ chủ đầu tư Hanotex. Chúng tôi lo lắng bởi càng ngày các hạng mục nhà ở, máy móc, thiết bị càng xuống cấp” - đại diện khu dân cư, bà Phạm Quỳnh Hương, cho biết.

Gần 1.000 hộ dân của chung cư N05 khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính (Cầu Giấy, Hà Nội) được nhận nhà từ năm 2012, đến 2013 đã thành lập BQT nhưng chủ đầu tư là Tổng công ty Vinaconex vẫn cố tình không trả lại phí bảo trì.

Cố tình trây ỳ

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, mới có khoảng 30% số chung cư trên địa bàn thành phố đã thành lập ban quản trị, nhưng ngay cả khi đã có BQT, chưa chắc số tiền bảo trì đã về tay người dân.

Nhiều mâu thuẫn xảy ra khi cư dân đòi quyền lợi

Thực tế khi bán nhà xong, các chủ đầu tư đều sử dụng số tiền này vào nhiều mục đích khác nhau. Chính vì thế, việc họ ngại trả là điều dễ hiểu. Hiện không có chế tài nào bắt buộc chủ đầu tư phải giao lại. Nếu họ nói đã tiêu hết số tiền đó cư dân cũng không làm gì được. Bên cạnh đó, số tiền mà chủ đầu tư tính toán luôn thấp hơn ước tính của cư dân khiến mâu thuẫn nảy sinh, còn cơ quan chức năng lại thiếu chế tài xử lý.

Tại dự án Sky City, theo phản ánh của cư dân, chủ đầu tư đã tìm mọi cách để từ chối việc kiểm toán và quyết toán số tiền phí bảo trì để thống nhất và hoàn trả cho Ban quản trị.

Tương tự như vậy, tại dự án Keangnam, hai bên vẫn chưa thống nhất được mức phí bảo trì là bao nhiêu. Keangnam Vina đang cố tình dựng tìm mọi lý do nhằm kéo dài thời hạn phải trả tiền bảo trì cho BQT chung cư Keangnam Hà Nội

Trong khi đó, vấn đề được cư dân quan tâm là năng lực tài chính của chủ đầu tư hiện nay. Keangnam Vina thua lỗ 1.280 tỷ đồng trong năm 2014, do Keangnam Vina phải chịu áp lực vay nợ quá lớn với con số nợ phải trả lên tới 13.544 tỷ đồng. Chỉ riêng năm 2014, chi phí tài chính của công ty này đã lên tới hơn 1.438 tỷ đồng, trong đó phần lớn là lãi vay hơn 1.000 tỷ đồng. Với việc liên tục thua lỗ, Keangnam Vina đã nhiều lần bị nghi ngờ có hành vi chuyển giá.

Bên cạnh đó, người dân ở đây cũng vô cùng lo lắng trước việc báo chí Hàn Quốc vừa qua đưa tin tập đoàn Keangnam có nguy cơ bị phá sản và các tài sản tại Việt Nam cũng bị rao bán. Điều này dẫn tới việc quỹ bảo trì của cư dân có khả năng bị mất.

Cực chẳng đã, đầu tháng 11/2015, ban quản trị của tòa nhà chung cư D11, Cầu Giấy đã nộp đơn kiện chủ đầu tư ra tòa.

Chỉ tính riêng trên địa bàn thành phố Hà Nội có tới hàng trăm dự án chung cư. Từ những vụ việc tranh chấp đang diễn ra, nếu các cơ quan chức năng không có giải pháp kịp thời thì trong tương lai, mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và ban quản trị cư dân sẽ còn bùng phát mạnh mẽ.

DiaOcOnline.vn - Theo Vef