10 sự kiện bất động sản tiêu biểu trong năm 2008 (Phần 2)

Cập nhật 02/01/2009 10:30

5. Văn phòng cho thuê: đầu năm nóng, cuối năm lạnh

Đầu năm 2008, bức tranh thị trường văn phòng cho thuê tại Hà Nội và TPHCM đã được vẽ lên bằng những gam màu hết sức nóng bỏng do ảnh hưởng từ sự tăng trưởng của nền kinh tế cũng như lượng đầu tư nước ngoài đổ về ngày một nhiều. Tình trạng cung không đủ cầu khiến cho thị trường này trở nên căng thẳng và rơi vào tình trạng khan hiếm văn phòng cho thuê, đặc biệt là văn phòng hạng A. Cũng từ đó, giá thuê văn phòng trong cả nước đã bị đẩy lên cao ngất ngưởng. Chỉ trong vòng 3 tháng, giá thuê văn phòng ở TPHCM đã nhảy lên 3 bậc, từ hạng 17 lên hạng 13 trong bảng xếp hạng những nơi có văn phòng cho thuê đắt nhất thế giới theo khảo sát của Công ty bất động sản Cushman & Wakefield (Mỹ).

Nhưng những tháng cuối năm 2008, giá thuê văn phòng bắt đầu có sự đảo chiều sau một thời gian dài đứng ở mức “trên trời”. Giá thuê ở TPHCM dần hạ nhiệt, nhất là đối với những văn phòng hạng B, C và ở Hà Nội thì không còn tình trạng liên tục tăng như trước đây. Tuy nhiên, dù giá văn phòng cho thuê hiện nay đã giảm nhiều nhưng so với mặt bằng chung của các nước trong khu vực thì mức giá đó vẫn còn khá cao. Dự đoán sang năm 2009, với sự ra đời của nhiều nguồn cung mới thì thị trường văn phòng cho thuê sẽ cân bằng lại và thiết lập một mức giá hợp lý hơn.

6. Kỷ lục dòng vốn FDI vào bất động sản

Năm 2008 là một năm đẹp trong việc thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Theo số liệu thống kê gần đây nhất của Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì tính chung cả cấp mới và tăng thêm, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong vòng 11 tháng của năm 2008 là 60,9 tỷ USD, trong đó đầu tư vào lĩnh vực bất động sản chiếm tỷ lệ lớn.

Mặc dù thị trường bất động sản đang ở trong tình trạng không mấy khả quan nhưng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào lĩnh vực này vẫn tiếp tục tăng vọt. Sự tham gia ồ ạt của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam ở các lĩnh vực như khách sạn, căn hộ cao cấp, văn phòng, khu nghỉ dưỡng… chứng tỏ thị trường này vẫn còn sức hấp dẫn mạnh mẽ bởi khả năng sinh lời của nó. Hàng loạt các dự án được đăng ký trên khắp cả nước như: Dự án khu du lịch - nghỉ dưỡng Hồ Tràm, Dự án khu đô thị - đại học quốc tế ở TPHCM, Dự án khu liên hợp cao cấp Phú Yên… với số vốn lên đến hàng tỷ USD. Dòng vốn FDI được rót vào bất động sản đã làm lóe lên niềm hy vọng trong tương lai không xa thị trường nhà đất sẽ vươn dậy, thoát khỏi thời kỳ băng giá kéo dài đã quá lâu do “khát vốn”.



Vốn FDI đổ vào bất động sản tăng mạnh trong năm 2008.


Rõ ràng, các nhà đầu tư nước ngoài đã có tầm nhìn dài hạn và niềm tin về tiềm năng phát triển lâu dài của thị trường bất động sản Việt Nam dù hiện tại thị trường này vẫn còn phải đối diện với nhiều khó khăn, thử thách. Mặc dầu trong những tháng cuối năm 2008, lượng FDI đã giảm dần do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu nhưng với số vốn đăng ký khổng lồ trong cả năm, FDI đổ vào thị trường bất động sản vẫn là một con số đáng ngưỡng mộ.

7. Người nước ngoài được mua nhà ở tại Việt Nam

Ngày 24-5-2008, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc thí điểm cho tổ chức, cá nhân người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Theo đó, sẽ có năm đối tượng người nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam với thời hạn sở hữu nhà tối đa là 50 năm. Nghị quyết có hiệu lực kể từ ngày 1-1-2009 và sẽ được thí điểm với thời hạn là 5 năm. Tuy người nước ngoài muốn được mua nhà phải có nhiều điều kiện ràng buộc, nhưng đây là một chính sách hợp lý nhằm khuyến khích các đối tượng người nước ngoài đến sinh sống và làm việc tại nước ta.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang đề nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung điều 126 của Luật Nhà ở nhằm mở rộng đối tượng người Việt Nam ở nước ngoài mua và sở hữu nhà tại Việt Nam.

8. Tìm hướng đi cho nhà ở xã hội

Tìm hướng đi cho nhà ở xã hội là một vấn đề gây nhức nhối kéo dài đã nhiều năm nhưng đến tận thời điểm hiện nay vẫn chưa có hồi kết đẹp. Phân khúc thị trường nhà ở dành cho người có thu nhập thấp luôn nằm trong tình trạng thừa cầu thiếu cung và cần phải có sự hỗ trợ từ phía nhà nước. Ngày 29-9 -2008, Bộ Xây dựng đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về Chương trình đầu tư xây dựng nhà ở xã hội giai đoạn 2009-2015. Trong tờ trình có đề xuất, giai đoạn 2009-2015, khoảng 184.000 căn hộ sẽ được đầu tư xây dựng. Trước tình hình thiếu nhà ở của những người có thu nhập thấp ở nước ta hiện nay, việc huy động các nguồn vốn lên đến 49.000 tỷ đồng để xây nhà ở xã hội là một chương trình cần thiết và đang được nhiều người kỳ vọng.

9. Thị trường BĐS Việt Nam thoát đội sổ về tính minh bạch

Tháng 7/2008, Tập đoàn Jones Lang LaSalle - Tập đoàn dịch vụ tài chính và địa ốc quốc tế đã công bố bảng xếp hạng chỉ số minh bạch của thị trường bất động sản toàn cầu. Theo đó, Việt Nam được đánh giá là có cải thiện về tính minh bạch trên thị trường bất động sản. Cụ thể, năm 2008, chúng ta đã vươn lên vị trí 77 trên tổng số 82 thị trường. Kết quả này khiến Việt Nam thoát khỏi vị trí đội sổ của 2 năm trước đó (nhóm không minh bạch) để đứng vào nhóm "minh bạch thấp".

Theo các chuyên gia bất động sản, điều khiến Việt Nam có thể cải thiện được chỉ số minh bạch thị trường là do môi trường đầu tư bất động sản và các quy định luật pháp đang dần được thay đổi theo hướng tích cực, rộng mở và minh bạch hơn. Việt Nam cũng đang được biết đến như một thị trường hấp dẫn đối với đầu tư nước ngoài, là đối tác đáng quan tâm của nhiều tập đoàn đa quốc gia.

10. Giảm lệ phí trước bạ xuống còn 0,5%

Ngày 29-7-2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 80/2008/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều về lệ phí trước bạ. Theo Nghị định trên, mức lệ phí trước bạ đối với nhà đất sẽ giảm từ 1% như trước đây xuống còn 0,5%; riêng đối với nhà ở, đất ở của những hộ nghèo, người dân tộc thiểu số ở các xã, phường, thị trấn thuộc vùng khó khăn sẽ được miễn lệ phí trước bạ. Mức lệ phí này được áp dụng từ ngày 25-8-2008.

Việc giảm lệ phí trước bạ nhà đất đã phần nào giảm gánh nặng cho người dân và khiến thị trường thông thoáng hơn; tuy nhiên, quyết định trên vẫn không có tác động nhiều lắm đến nhu cầu mua bán nhà đất trong thời gian dài đóng băng.

Lam Hà - DiaOcOnline.vn
Ảnh: DiaOcOnline.vn

>> 10 sự kiện bất động sản tiêu biểu trong năm 2008 (Phần 1)