'Thánh địa Phật giáo' Tây Tạng đẹp choáng ngợp trước khi phá dỡ

Cập nhật 26/07/2016 14:18

Trước khi phá dỡ, 'thánh địa Phật giáo' Tây Tạng Larung Gar đẹp choáng ngợp và được mệnh danh là "nơi thời gian ngừng lại".

Larung Gar nổi tiếng là học viện Phật giáo lớn nhất thế giới, nằm ở độ cao gần 4000 mét so với mực nước biển trong thung lũng Larung, Tây Tạng.



Học viện Phật giáo này được thành lập từ năm 1980 bởi vị Lạt ma Khenpo Jigme Phuntsok với mục đích đem lại nguồn sức sống mới cho Phật giáo Tây Tạng và gửi gắm những điều tốt đẹp cho cuộc sống của con người.



Nơi đây thu hút hàng chục nghìn tăng ni từ Trung Quốc tới các quốc gia như Anh, Mỹ, Malaysia… tới sinh sống và theo học, trở thành trung tâm Phật giáo lớn nhất và có sức ảnh hưởng nhất thế giới.



Trước kia, khu vực này không cho phép khách tới thăm. Tuy nhiên từ năm 2011, Larung Gar đã mở cửa và chào đón tất cả du khách trên thế giới. Từ đó đến nay, Larung Gar trở thành địa điểm thu hút hàng trăm nghìn lượt khách mỗi năm. Dường như ai ai cũng muốn một lần đặt chân tới vùng đất thanh tịnh của Phật giáo, nơi được mệnh danh là “thời gian ngừng lại”.


Larung Gar không chỉ được biết đến là “thánh địa Phật giáo” mà còn nổi tiếng với quần thể kiến trúc độc đáo, xếp thang với hàng chục nghìn ngôi nhà bằng gỗ đỏ.


Không ít người cảm thấy thổn thức khi được chiêm ngưỡng cả trăm ngàn ngôi nhà trải dài ngút ngàn trên một thung lũng rộng lớn. Nhà ở đây chủ yếu xây từ gỗ, xây theo hình thức căn nọ nối tiếp căn kia tạo thành từng lớp nhà san sát đẹp mắt.



Không chỉ gây ấn tượng thị giác vào ban ngày, Larung Gar về đêm cũng rất lung linh với hàng ngàn ánh đèn lấp lánh phát ra từ các ngôi nhà gỗ.

Để có thể đặt chân lên “miền đất hứa” này, du khách cũng phải trải qua một hành trình đầy gian khổ. Chuyến đi kéo dài gần 900 cây số xuất phát từ thành phố gần Larung Gar nhất là Thành Đô (Tứ Xuyên), qua các cung đường hiểm trở với những dãy núi tuyết quanh năm trắng xóa.



Tuy nhiên với quyết định phá dỡ của Trung Quốc, vùng đất Larung Gar đang dần mất đi vẻ đẹp vốn có của mình, khiến cho hàng triệu du khách khắp thế giới nuối tiếc về một vùng đất linh thiêng, thanh tịnh đã từng tồn tại trong quá khứ.

DiaOcOnline.vn - Theo Em đẹp